“Nhiều người hỏi tôi làm ở đâu, khi thấy nói ở Bệnh viện Bạch Mai thì phấn khởi định bắt tay làm quen, nhưng nghe tôi nói làm ở Khoa Truyền nhiễm liền rụt tay lại vì sợ… lây”. Đó là lời bộc bạch của PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) về công việc của mình.
Thế nhưng, vượt lên muôn vàn áp lực từ công việc, PGS.TS. Đỗ Duy Cường đã trở thành một trong các chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, góp phần cứu sống nhiều người bệnh, đồng thời là người dường như không thể vắng mặt trong các cuộc họp về ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế những năm gần đây.
“Học nhi, thi lây”
Câu chuyện của tôi với PGS.TS. Đỗ Duy Cường diễn ra trong căn phòng nhỏ xíu nằm cuối hành lang của khoa Truyền nhiễm vào sáng cuối tuần mưa lạnh. Không mấy ai nghĩ rằng, người đàn ông có gương mặt khắc khổ, có phần khó tính ấy lại là một thầy thuốc luôn hết lòng với bệnh nhân truyền nhiễm - những người thường bị cả chính người thân “ghẻ lạnh”, bằng tình yêu nghề nghiệp và sự cảm thông sâu sắc.
Từ nhỏ, PGS.TS. Đỗ Duy Cường đã nuôi mơ ước trở thành bác sĩ. Là học sinh giỏi suốt những năm phổ thông, không khó khăn gì để cậu học trò vùng quê Bắc Giang trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội. Nhưng khi lựa chọn ngành học bác sĩ nội trú, anh lại chọn chuyên môn lây truyền trước sự ngạc nhiên của bạn bè cũng như gia đình.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân. |
Bởi suốt những năm sinh viên, anh đều là một trong những gương mặt nổi trội, nên hoàn toàn có thể lựa chọn các chuyên khoa “hot” như răng - hàm - mặt, sản, tim mạch, ngoại khoa… Trong khi truyền nhiễm là chuyên ngành từ trước đến nay rất ít sinh viên lựa chọn, bởi mọi người thừa biết nguy cơ lây nhiễm luôn cao, thu nhập lại “hẻo” hơn các chuyên ngành khác. Hơn nữa, trong Trường Y lây truyền là môn rất “khó nhằn”, đến mức sinh viên Trường Y có câu “học nhi, thi lây”.
PGS. TS. Đỗ Duy Cường tâm sự: Trong các môn học, môn nào tôi cũng yêu thích và thi đều đạt điểm cao, nhưng sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa để học tiếp bác sĩ nội trú, tôi đặc biệt yêu thích chuyên ngành truyền nhiễm, bởi tôi thấy đó là những bệnh thường gặp ở người Việt Nam, có nguyên nhân rõ ràng. Nếu tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh thì có thể điều trị dứt điểm bằng thuốc đặc hiệu. Đặc biệt, tôi thấy quá trình điều trị các bệnh truyền nhiễm giống như cảnh sát hình sự điều tra vụ án nên rất hấp dẫn. Các bệnh truyền nhiễm đều do tác nhân vi sinh vật có hàng nghìn loại ẩn giấu trong cơ thể, buộc các thầy thuốc phải mày mò, chẩn đoán tìm ra mới điều trị thành công. Giống như phá án, nếu bác sĩ thu thập chứng cứ sơ sài, hay bỏ qua một dấu hiệu, một chi tiết nhỏ như một vết ban, một vết loét nhỏ,.. là có thể đi chệch hướng, dẫn tới điều trị thất bại.
Khóa bác sĩ nội trú ngày ấy thi đỗ chỉ có 22 người và cũng chỉ có 2 người chọn chuyên ngành truyền nhiễm. Nhưng rồi, nữ đồng nghiệp cũng bỏ cuộc, chỉ còn mình anh. “Thực ra ngày đầu tiên đi đến khoa Truyền nhiễm thực tập, tôi cũng lo lắng đến không ngủ được, rồi chuẩn bị áo, mũ, khẩu trang… rất cẩn thận. Chỉ có tình yêu nghề sâu sắc mới giữ được tôi lại…”- PGS. TS. Đỗ Duy Cường nhớ lại.
Lăn xả vào tâm dịch
Với kết quả 3 năm học nội trú xuất sắc, ra trường, PGS. TS. Đỗ Duy Cường trở thành giảng viên bộ môn truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời là bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai.
“Những năm thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước, công tác điều trị bệnh truyền nhiễm vô cùng khó khăn. Khoa luôn đầy ắp các bệnh nhân sốt rét, uốn ván, nhiễm trùng máu, lao, thương hàn, tả, dại, bạch hầu, ho gà,… với tỷ lệ tử vong cao trong khi điều kiện phòng chống bệnh dịch như thuốc, máy thở, phương tiện cấp cứu - hồi sức thiếu thốn, nghèo nàn…. Tôi làm việc ở Phòng cấp cứu nên càng vất vả. Chưa có máy thở, bác sĩ cùng người nhà bệnh nhân thay nhau bóp bóng hồi sức mà nhiều khi nhìn bệnh nhân tử vong một cách bất lực… Cho đến những năm gần đây, lại xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới hoặc tái nổi, chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị đặc hiệu như HIV, SARS, của các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc, là thách thức lớn - PGS. TS. Đỗ Duy Cường chia sẻ.
Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai (ảnh: Internet). |
Những năm đầu thế kỷ 20, đại dịch SARS là nỗi kinh hoàng của cả thế giới, mà Bệnh viện Bạch Mai là tâm điểm vừa dứt, thì dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện cũng với tỉ lệ tử vong cao. Tuy vậy, anh cùng đồng nghiệp vẫn lăn xả với công việc để khám và điều trị cho người bệnh. Nhiều hôm trắng đêm bên giường bệnh để cấp cứu kịp thời, hoặc đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh. Anh không còn nhớ biết bao nhiêu người đã qua khỏi cơn nguy kịch trở về với gia đình. Với sức trẻ và tình yêu nghề nghiệp, vừa điều trị bệnh nhân vừa giảng dạy đào tạo, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bệnh nhân và đồng nghiệp quý mến.
Mỗi vụ dịch đều là dịp thử thách cả lòng yêu nghề lẫn bản lĩnh của người thầy thuốc ở khoa Truyền nhiễm, bởi ngoài khẩu trang, áo blu, xà phòng rửa tay, nhân viên y tế không có biện pháp gì phòng vệ cho bản thân. Thầy thuốc không chỉ có thể nhiễm bệnh, mà còn có thể mang bệnh về nhà cho người thân.
“Là người hiểu rõ hơn ai hết nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, kể cả nhiều bệnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng anh vẫn xông pha, chẳng lẽ anh không sợ chăng?”, nghe tôi hỏi, PGS. TS. Đỗ Duy Cường ngạc nhiên: “Ô thế chả nhẽ để bệnh nhân chết à? Thực tế, tôi và nhân viên cũng từng bị lây nhiễm bệnh và chúng tôi cũng lo lắng vì đã từng là nguy cơ đem mầm bệnh về lây cho gia đình. Nhưng là bác sĩ thì phải làm hết trách nhiệm với cái tâm của mình thôi!”.
PGS. TS. Đỗ Duy Cường hiểu rất rõ rằng, ngày càng xuất hiện những bệnh nguy hiểm mới nổi/tái nổi, đòi hỏi thầy thuốc phải không ngừng cập nhật kiến thức mới chiến thắng được bệnh tật. May mắn đến năm 2003 anh đã được Bệnh viện cử đi tu nghiệp tại Nhật Bản, rồi sau đó được cử đi học Tiến sỹ tại Viện Karolinska (Thụy Điển) - ngôi trường danh giá ở châu Âu. Giai đoạn này anh được tiếp thu, tích lũy những kiến thức mới, mở mang các mối quan hệ hợp tác, là nguồn vốn quý giúp anh thành công trong sự nghiệp sau này.
Không thể bỏ nghề
Năm 2005, anh tạm chuyển ra môi trường làm việc mới tại Tổ chức Sức khoẻ gia đình quốc tế (FHI) để triển khai các dự án cho người nhiễm HIV. Anh đi về các địa phương, sống cùng người có HIV, tìm hiểu và đưa ra những giải pháp chống kỳ thị họ một cách thiết thực.
“Thời điểm đó, HIV diễn ra ở Việt Nam gần như không kiểm soát được. Tôi đi về nhiều tỉnh và chứng kiến “cơn bão” HIV tàn phá mà đau thắt lòng: Ở Vân Đồn (Quảng Ninh) có rất nhiều phụ nữ góa chồng do HIV, có nhà tới 5 bức ảnh trên bàn thờ, những nghĩa địa toàn vòng hoa trắng của những người nhiễm HIV… Đây cũng là giai đoạn cho tôi thêm nhiều kiến thức về chuyên môn, xã hội cũng như quản lý, đặc biệt là sự cảm thông sâu sắc với những người mắc căn bệnh thế kỷ, thôi thúc tôi theo đuổi cái “nghiệp” đi sâu về lĩnh vực HIV từ đó đến nay”- PGS. TS. Đỗ Duy Cường bày tỏ.
Năm 2007, anh lại quyết định quay trở lại Bệnh viện Bạch Mai mặc dù lúc này đã có một vị trí ở Tổ chức Quốc tế với thu nhập cao gấp nhiều lần mức lương bác sĩ. “Lòng yêu nghề đã khiến tôi bằng lòng từ bỏ hết, để làm lại từ đầu. Bởi trong thời gian làm dự án, nhiều lúc, tôi thèm được khoác lại trên mình chiếc áo blu đến phát khóc…. Vậy là tôi trở về khoa Truyền nhiễm để tiếp tục niềm say mê công việc điều trị chăm sóc người bệnh truyền nhiễm” - bác sĩ Cường tâm sự.
Nhưng ngay lúc trở về, anh đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn: Cơ sở vật chất, nhân lực đều thiếu thốn trong khi dịch tả xảy ra trên diện rộng. Bệnh nhân nhập viện đông đến mức khoa không còn chỗ nằm. Lại phải căng mình ra chống dịch, bệnh viện phải lập đội lưu động, huy động tất cả các khoa để lấy chỗ điều trị cho bệnh nhân.
Không để dịch lan rộng và hạn chế tối đa tử vong là yêu cầu cao nhất được đặt ra. Vì thế, bác sĩ Cường cùng đồng nghiệp phải chủ động đưa ra các giải pháp: tổ chức thu dung, phân loại bệnh nhân, bố trí cách ly để không lây chéo, đồng thời, cập nhật các phương pháp điều trị mới nhất để cứu chữa người bệnh không quản ngày đêm. Nhờ đó, hàng ngàn bệnh nhân được điều trị đã không có người nào tử vong, là một kỳ tích trong điều kiện thiếu thốn khi đó.
Nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ
Nhận thức rõ bệnh lây nhiễm ngày càng phức tạp với quy mô mang tính toàn cầu, PGS. TS. Đỗ Duy Cường xác định giải pháp đối phó bền vững là các thầy thuốc phải không ngừng nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn.
Anh tham gia nhiều đề tài khoa học các cấp, nhiều nghiên cứu hợp tác với nước ngoài có tính ứng dụng cao, cùng hàng chục bài báo quốc tế trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Anh cũng hướng dẫn luận văn, đào tạo nhiều sinh viên, học viên của Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản,… đến thực tập tại khoa Truyền nhiễm.
Với vai trò là Trưởng khoa Truyền nhiễm, PGS. Cường cũng yêu cầu các nhân viên thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi ngoại ngữ để bắt nhịp với y học thế giới. Anh thường chủ trì các buổi sinh hoạt khoa học để trao đổi kinh nghiệm, thành lập mạng viber nội bộ các bác sĩ trong khoa và bệnh viện để có vấn đề gì bất thường sẽ nhanh chóng hội chẩn trực tiếp, thậm chí trao đổi với các chuyên gia nước ngoài .
Hợp tác quốc tế là yếu tố được PGS. TS. Đỗ Duy Cường đặc biệt coi trọng. Vì thế khoa Truyền nhiễm trở thành một địa chỉ để các bác sĩ ở nước ngoài đến học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Nhờ đó, những năm gần đây khoa Truyền nhiễm luôn chủ động ứng phó với các dịch bệnh, như sởi, sốt xuất huyết, cúm gia cầm v.v… Trong vụ dịch sốt xuất huyết mới đây, anh đã chỉ đạo chống dịch thành công với hàng chục ngàn trường hợp điều trị nội trú, đặc biệt đã góp phần quan trọng để cứu sống một bệnh nhân rất nặng đang điều trị ở châu Âu.
Chị Nguyễn Hương G. (Hà Nội), là một bác sĩ khi đến Bỉ thì bị sốt cao và được đưa vào một bệnh viện để điều trị. Chị nghi ngờ mình bị sốt xuất huyết vì con gái chị mới mắc, còn chị đi từ vùng dịch là Hà Nội nên đã thông tin cho bác sĩ. Nhưng là nơi hiếm có bệnh này, nên bệnh viện phải gửi mẫu xét nghiệm đi nơi khác và 4 ngày sau mới có kết quả. Trong lúc chờ kết quả, chị G . tiếp tục sốt cao, nôn ra máu tươi, tiểu cầu hạ còn rất thấp.
Mặc dù phác đồ điều trị sốt xuất huyết là chung, điều kiện điều trị ở Bỉ rất hiện đại, nhưng chị G. vẫn rất lo lắng về kinh nghiệm điều trị bệnh nhiệt đới của các bác sĩ ở Bỉ, nhất là điều trị bệnh sốt xuất huyết đi kèm nôn ra máu vì bệnh có thể biến chứng rất nguy hiểm. Vì thế, chị G. quyết định liên lạc với PGS.TS. Đỗ Duy Cường - một bạn học cũ, người có kinh nghiệm trong điều trị bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam, đề nghị giúp đỡ.
TS. Cường đề nghị chị Giang kết nối để anh trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị. Sau đó, qua điện thoại, TS. Cường liên tục hội chẩn với các bác sĩ ở Bỉ, cập nhật tình hình bệnh nhân để phối hợp điều trị.
Chị G. cho biết chị từng tưởng mình không thể qua khỏi khi TS. Cường cho biết, ở Việt Nam cũng chưa có ca sốt xuất huyết nào nôn ra máu nhiều như thế. Nhưng chị may mắn khi được một thầy thuốc có trình độ, kinh nghiệm và kiến thức vững vàng về điều trị bệnh nhiệt đới hỗ trợ, lại giỏi nhiều ngoại ngữ để có thể hợp tác với các bác sĩ nước ngoài, chị đã được điều trị đúng phác đồ, nên chỉ sau một tuần đã ra viện và trở về nước.
Công tác điều trị bệnh truyền nhiễm vẫn còn nhiều khó khăn, như điều kiện cách ly cho bệnh nhân chưa đảm bảo, nên khả năng nhiễm chéo hoàn toàn có thể; rồi quan niệm của người có trách nhiệm về điều trị cho bệnh nhân truyền nhiễm, nhất là HIV còn chưa đúng, cũng là những rào cản đối với thầy thuốc.
Với những nỗ lực của PGS. Cường cùng đồng nghiệp, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Hai - nguồn động viên xứng đáng để các thầy thuốc của chuyên ngành còn nhiều khó khăn này tiếp tục nỗ lực, đưa đơn vị phát triển thành một trung tâm điều trị bệnh truyền nhiễm hàng đầu của cả nước và khu vực.
Nguồn: http://antg.cand.com.vn