Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

PHÌNH ĐỘNG MẠCH NÃO: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Phình động mạch não là sự giãn khu trú dạng hình túi hoặc hình thoi động mạch trong não. Khi giãn hình túi sẽ xác định được kích thước túi và cổ túi phình. Tỉ lệ mắc là 0,5-8% dân số.

PGS.TS. Vũ Đăng Lưu, Giám đốc Trung tâm Điện quang - Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh - Trường ĐH Y Hà Nội sẽ có những chia sẻ về nguyên nhân, dấu hiệu, cách nhận biết, phương pháp điều trị bệnh phình động mạch não.

 

1. Phình động mạch não có nguy hiểm không?

- Biến chứng nguy hiểm nhất là vỡ phình động mạch não gây chảy máu dưới nhện, chiếm khoảng 60-70% các chảy máu dưới nhện.

- Khi vỡ:

  • Khoảng 30% các trường hợp tử vong trước khi đến được Bệnh viện.
  • Khoảng 30% các trường hợp để lại di chứng từ nhẹ đến nặng.
  • Nguy cơ vỡ tái phát rất cao, nhất là trong 2 tuần đầu tiên chiếm 20%. Khi vỡ lần 2 tỉ lệ tử vong khoảng 50%.

- Các biến chứng khác: ứ nước não thất cấp và mạn tính, co thắt mạch và nhồi máu não chiếm 46%.

Do vậy khi phình mạch não vỡ phải điều trị cấp cứu càng sớm càng tốt để tránh vỡ tái phát và giảm tỉ lệ tử vong và tàn tật.

2. Nguyên nhân dẫn đến phình động mạch não là gì?

Hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây phình mạch não: Các yếu tố nguy cơ được công bố bao gồm: yếu tố gia đình (di truyền), tăng huyết áp, xơ vữa mạch, bệnh lý tổ chức liên kết (Gan thận đa nang….)….

3. Dấu hiệu nhận biết?

  • Lâm sàng: Khi có phình mạch não có thể một trong hai tình huống sau:
  • Phình mạch chưa vỡ: Có thể không có biểu hiện triệu chứng và gây chèn ép có dấu hiệu thần kinh khu trú (sụp mi, liệt nửa người, giảm thị lực...), có thể biểu hiện nhồi máu (do di chuyển cục huyết khối trong túi phình)…; Các phình mạch chưa vỡ thì nguy cơ vỡ hàng năm tăng cao theo kích thước túi phình (túi phình càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao)
  • Phình mạch đã vỡ: Gây chảy máu dưới nhện. Biểu hiện cấp tính, xuất hiện đau đầu đột ngột, đau đầu dạng “sét đánh”, mất ý thức, nôn, buồn nôn, thậm chí hôn mê, co giật. Khám lâm sàng thấy có hội chứng màng não.
  • Chẩn đoán phình mạch não bằng phương pháp không xâm nhập:
  • Với các phình mạch vỡ: Khi nghi ngờ chảy máu dưới nhện, chụp cắt lớp vi tính (CLVT) đa dãy (64-128 dãy) được lựa chọn vì có độ nhạy và đặc hiệu rất cao từ 95-98%, nhất là khi chụp sớm. CLVT cho phép chẩn đoán chính xác có máu khoang dưới nhện, trong não hay não thất, qua đó sơ bộ đánh giá nguyên nhân và vị trí. Đôi khi chảy máu ít hoặc chụp muộn sau hàng tuần có thể không quan sát thấy máu. Chụp mạch não CLVT là phương pháp thực hiện nhanh, đơn giản, chẩn đoán rất chính xác có phình mạch não, qua đó định hướng điều trị.
  • Với các trường hợp phình mạch chưa vỡ: Chụp cộng hưởng từ não và mạch não được ưu tiên lựa chọn. Chụp cộng hưởng từ não và mạch não cũng có giá trị để sàng lọc ở người có nguy cơ cao hoặc để theo dõi bệnh nhân sau can thiệp nội mạch nút phình mạch não. Cộng hưởng từ cho kết quả chẩn đoán rất chính xác, có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao.
  1. Điều trị triệt để loại bỏ phình mạch não bằng cách nào?

Có 2 phương pháp: Can thiệp nội mạch qua da và phẫu thuật. Hiện nay ở các trung tâm lớn trên thế giới phương pháp can thiệp nội mạch được lựa chọn đầu tiên vì tỉ lệ hồi phục tốt hơn và ít di chứng hơn. Kết quả ISAT 2002 trên tạp chí Lancet chỉ ra rằng: Tỉ lệ di chứng sau phẫu thuật chiếm 30,6%; của phương pháp can thiệp nội mạch 23,7%.

  • Với các phình mạch não vỡ: Điều trị loại bỏ túi phình ra khỏi vòng tuần hoàn càng sớm càng tốt. Hai phương pháp điều trị hiện tại được áp dụng ở Việt Nam gồm can thiệp nội mạch nút túi phình và phẫu thuật kẹp cổ túi phình. Trên thế giới, can thiệp nội mạch nút túi phình được ưu tiên vì theo kết quả nghiên cứu ISAT 2005, tỉ lệ hồi phục lâm sàng tốt hơn và biến chứng thấp hơn ở nhóm được can thiệp nội mạch.
  • Với các phình mạch chưa vỡ: Theo khuyến cáo nên điều trị can thiệp nội mạch nếu túi phình có nguy cơ vỡ cao
  1. Cách thức can thiệp nội mạch nút túi phình mạch não:
  •  Nút trực tiếp túi phình bằng vòng xoắn kim loại: Qua ống thông tiếp cận trong túi phình, thả các vòng xoắn kim loại đến khi lấp đầy túi phình và làm tắc huyết khối hoàn toàn túi phình. (Hình 1)

aDescription: Picture1

bDescription: Picture2

cDescription: VRT 2

dDescription: Pho 5

Hình 1: a - Luồn vi ống thông vào túi phình.   b- Thả VXKL.     c- d- Bệnh nhân nữ 53 tuổi, có phình mạch thông sau phải vỡ chảy máu dưới nhện, được nút bằng VXKL tắc hoàn toàn, hồi phục hoàn toàn sau ra viện 2 ngày.

  • Nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại có trợ giúp đặt bóng bảo vệ hoặc đặt Stent: Chỉ định với các túi phình cổ rộng, khi đó bóng hoặc Stent được chẹn qua cổ túi phình, rồi thả vào trong túi phình vòng xoắn kim loại đến khi tắc hoàn toàn, cuối cùng rút bóng. (Hình 2)

aDescription: 3

bDescription: C:\Users\Laurent\Documents\Remodelling review\Figures\Figure 2B.tif

cDescription: 4

dDescription: 9

Hình 2: Bệnh nhân nam 49 tuổi, phát hiện phình mạch đỉnh thân nền (a, b), vỡ ngày thứ 4, túi phình có cổ rộng, chỉ định đặt 2 bóng chẹn cổ túi phình loại Hyperforme 4/7 và Hyperglide 4/10 (c), sau đó nút VXKL tắc hoàn toàn túi phình(d). Hồi phục hoàn toàn, ra viện sau 1 tuần.

  • Nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại có đặt Stent: Chỉ định với các túi phình cổ rất rộng, khi đó Stent được đặt vĩnh viễn chẹn qua cổ túi phình, sau đó nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại. (Hình 3)

Description: 3

Description: 2

Description: 9

Hình 3: Bệnh nhân phát hiện phình mạch thông sau vỡ ngày thứ 7, kích thước túi phình khoảng 4mm, cổ rộng 3,5mm. Chỉ định đặt Stent Neuroforme và thả VXKL, kết quả tắc hoàn toàn túi phình. Hồi phục hoàn toàn, ra viện sau 7 ngày.

  • Điều trị đặt Stent làm thay đổi hướng dòng chảy qua túi phình: Chỉ định đối với các túi phình khổng lồ (kích thước >25mm), túi phình hình thoi… Stent được đặt trong mạch mang chẹn qua túi phình, khi đó hướng dòng chảy đi vào và đi ra túi phình sẽ giảm, dần sẽ tạo huyết khối bên trong túi phình. (Hình 4)

aDescription: 36

bDescription: 37

cDescription: 40

dDescription: 38

e

f

g

h

Hình 4: Bệnh nhân nữ 56 tuổi, phình mạch cảnh trong kích thước 17mm (a). Đặt Silk Stent (b,c). Đọng thuốc trong túi phình trên thì muộn (d). Hình túi phình đoạn trong xoang hang bên phải trước can thiệp gây hiệu ứng khối trên ảnh cộng hưởng từ (e,f). Hình chụp CHT xung T2 và TOF sau 1 năm đặt Silk stent thấy tắc túi phình kèm mất hiệu ứng khối vùng xoang hang (g,h)). Hồi phục hoàn toàn, ra viện sau 1 ngày.

  • Điều trị nút mạch mang túi phình: Chỉ định đối với các túi phình khổng lồ hoặc hình thoi. Khi đó dùng bóng hoặc vòng xoắn kim loại làm tắc mạch mang túi phình, qua đó gây huyết khối túi phình.
  1. Theo dõi sau điều trị can thiệp nội mạch nút phình mạch não như thế nào?

Bệnh nhân được kiểm tra lại trên chụp cộng hưởng từ não - mạch não sau 6 tháng, 1 năm, 3 năm, 5 năm và 15 năm.

 

Bệnh viện Bạch Mai là nơi thực hiện đầu tiên kỹ thuật can thiệp nội mạch ở Việt Nam từ năm 2001. Kết quả hồi phục tốt với các trường hợp nút phình mạch não đạt 89,6%.

Các phương pháp điều trị can thiệp nội mạch hiện tại

  • Nút trực tiếp túi phình bằng vòng xoắn kim loại (VXKL) bằng Platin
  • Đặt bóng bảo vệ chẹn cổ rồi thả VXKL
  • Đặt giá đỡ nội mạch (Stent) rồi thả VXKL
  • Thay đổi hướng dòng chảy bằng giá đỡ nội mạch: Silk Stent hoặc Pipeline

Bệnh nhân có nhu cầu thực hiện kỹ thuật hoặc tư vấn, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại: 043.868.6982, xin số 1108 hoặc liên hệ trực tiếp tới PGS.TS. Vũ Đăng Lưu:  094.471.6768.

Đỗ Hằng (ghi)

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image