Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

PHÒNG NGỪA NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN CHO NGƯỜI BỆNH, THÂN NHÂN VÀ KHÁCH THĂM

Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) liên quan đến chăm sóc y tế được coi là nhiễm khuẩn bắt đầu xảy ra sau khi người bệnh nhập viện sau 48h (02 ngày) mà trước đó người bệnh không có biểu hiện nhiễm khuẩn hay bất kỳ dấu hiệu nào trong thời kỳ ủ bệnh.

Kiểm soát tốt NKBV sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị, hạn chế rủi ro, chống lây nhiễm chéo, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian nằm viện, bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân. Vì vậy, bên cạnh kiểm soát tốt nhiễm khuẩn ở đội ngũ Y bác sĩ, nhân viên y tế trong nội bộ bệnh viện còn phải kể tới yếu tố người bệnh, thân nhân và khách thăm.

Sự quan tâm của người bệnh tới việc bảo vệ bản thân trước nguy cơ mắc nhiễm khuẩn trong bệnh viện là động lực quan trọng thúc đẩy nhân viên y tế có thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn tốt. Người bệnh, khách thăm, thân nhân có thể làm gì để phòng ngừa và góp phần kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện?

Phòng KSNK hướng dẫn nhân viên vệ sinh đồ chơi cho trẻ tại Trung tâm Nhi khoa, tránh NKBV
 

Nhận biết sớm các dấu hiệu ban đầu của NKBV gồm:

  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Sưng, nóng, đỏ, đau, chảy dịch/mủ tại vết mổ hoặc tại nơi đặt thiết bị y tế như dây truyền tĩnh mạch

Nhận biết những loại NKBV thường gặp

  • Nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng kháng sinh
  • Nhiễm khuẩn huyết liên quan tới đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm
  • Nhiễm khuẩn phổi liên quan tới thở máy
  • Nhiễm khuẩn vết mổ

Nhận biết nơi xuất hiện của NKBV

  • Bất kỳ lúc nào trong quá trình người bệnh được cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, cơ sở phục hồi chức năng hoặc ngay tại nhà
  • Nếu người bệnh nghĩ rằng mình bị NKBV hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng.

Nguyên tắc điều trị NKB

Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và có những phác đồ điều trị kịp thời. Điều quan trọng là người bệnh phải dùng thuốc kháng sinh và theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà không có đơn của bác sĩ điều trị.

   Phòng ngừa NKBV như thế nào?

  • Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ đúng đơn thuốc của bác sĩ.
  • Giữ tay sạch là biện pháp quan trọng. Thường xuyên làm sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn. Luôn nhớ vệ sinh tay trước khi chạm vào bất kỳ thiết bị y tế nào, trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm…
  • Yêu cầu những người hỗ trợ chăm sóc người bệnh (khách thăm, thân nhân) luôn vệ sinh tay trước mỗi lần thay băng, cho ăn, tắm, chăm sóc vết loét..
  • Những người bệnh hút thuốc lá có nguy cơ mắc NKBV cao hơn. Nếu người bệnh đang hút thuốc hãy trao đổi với bác sĩ về cách cai thuốc lá.
  • Nếu người bệnh ho hoặc hắt hơi, hãy che miệng và mũi bằng khăn giấy và loại bỏ ngay vào thùng thu gom chất thải theo quy định.
  • Nếu người bệnh đang phải đặt thiết bị y tế trên cơ thể (ống thông tiểu, ống thông mạch máu v.v), hãy hỏi bác sĩ lý do vì sao phải đặt và khi nào sẽ tháo bỏ được những thiết bị này ra khỏi cơ thể.
  • Người nhà và khách thăm không tự ý vào bệnh phòng hoặc các khu điều trị, khu phẫu thuật, khu cận lâm sàng. Thăm thân nhân đúng giờ quy định và tuân chỉ các quy định chung về an toàn vệ sinh trong bệnh viện. Phòng ngừa một số loại NKBV thường gặp
  1. Nhiễm khuẩn huyết liên quan đến đường truyền trung tâm (CLABSI)
  • "Đường truyền trung tâm" là đường truyền được sử dụng để truyền dịch hoặc thuốc trực tiếp vào mạch máu của người bệnh hoặc để lấy máu để xét nghiệm.
  • Đường truyền trung tâm được đưa vào mạch máu gần tim, khác với đường truyền tĩnh mạch ngoại vi được đưa vào mạch máu nhỏ gần bề mặt da.
  • Vi sinh vật có thể xâm nhập vào mạch máu từ chính đường truyền hoặc lớp băng che phủ đường truyền và gây nhiễm khuẩn. Triệu chứng thường gặp của CLABSI sốt, ớn lạnh.

Có thể làm gì để phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết liên quan đến đường truyền trung tâm( CLABSI) ?

  • Báo cho bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu thấy băng che nơi đặt ống thông bị bong, ướt hoặc bẩn.
  • Hãy hỏi xem có thể tắm khi vẫn còn ống thông không và tắm như thế nào, khi nào có thể tháo ống thông và yêu cầu bác sĩ, điều dưỡng vệ sinh tay trước khi động chạm vào ống thông.
  1. Viêm phổi liên quan thở máy
  • Máy thở là một thiết bị giúp người bệnh thở bằng cách cung cấp oxy qua một ống thông đặt trong mũi, miệng hoặc thông qua một lỗ ở phía trước cổ.
  • Người bệnh thở máy có thể bị viêm phổi khi vi sinh vật từ ngoài môi trường, từ người bệnh khác xâm nhập qua ống thông hoặc khi hít phải dịch tiết hô hấp ở hầu họng của chính người bệnh.

Có thể làm gì để phòng ngừa viêm phổi liên quan thở máy

  • Có thể hỏi bác sĩ, điều dưỡng:
  • Liệu có thể nằm ở tư thế đầu cao hơn so với mặt giường 30-45o
  • Khi nào có thể tự thở
  • Khi nào có thể rời khỏi giường và tự đi lại trong buồng bệnh
  • Thức tỉnh và vận động sớm nhất có thể giúp giảm nguy cơ mắc viêm phổi
  1. Nhiễm khuẩn vết mổ
  • Hầu hết người bệnh phẫu thuật đều có kết quả điều trị tốt nhưng một số ít có thể bị nhiễm khuẩn tại vùng cơ thể được phẫu thuật hay gọi là nhiễm khuẩn vết mổ
  • Ngoài các dấu hiệu phổ biến của nhiễm khuẩn bệnh viện như sưng đau, sốt, có thể có dịch chảy ra từ vết mổ của người bệnh.

  

Hướng dẫn NB chăm sóc vết mổ, phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ

Có thể làm gì để phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ

  • Hãy thông báo cho bác sĩ biết về những bệnh người bệnh đang mắc phải hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào vì một số bệnh như tiểu đường, bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ trong quá trình điều trị.
  • Trước khi phẫu thuật, không cạo lông ở vùng phẫu thuật để tránh gây kích ứng da và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ. Chỉ loại bỏ lông khi gây cản trở phẫu thuật.
  • Hãy hỏi bác sĩ hoặc điều dưỡng xem cần tắm trước khi lên buồng mổ như thế nào và tuân thủ đúng hướng dẫn này.
  • Dùng kháng sinh khi phẫu thuật là biện pháp quan trọng để bảo vệ người bệnh trước nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ. Người bệnh có thể hỏi bác sĩ có được dùng thuốc kháng sinh, dùng khi nào và được dùng trong bao lâu.
  • Khi có khách thăm, người bệnh cần chú ý không để khách thăm động chạm vào băng vết mổ, thông báo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu thấy bất kỳ một trong các biểu hiện: sốt, chảy dịch hoặc mủ hoặc sưng, đau tại vết mổ.

TRÊN ĐÂY LÀ MỘT SỐ KHUYẾN CÁO CƠ BẢN MÀ NGƯỜI BỆNH, NGƯỜI NHÀ NGƯỜI BỆNH CẦN BIẾT ĐỂ CÙNG CHUNG TAY VỚI ĐỘI NGŨ THẦY THUỐC, NHÂN VIÊN Y TẾ KIỂM SOÁT TỐT NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN, GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM CHỮA BỆNH.

Thực hiện: Trần Thùy Dương - Trương Anh Thư

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image