Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Trí tuệ Việt, khát vọng Việt và giải pháp Việt để phục vụ sức khỏe cho người Việt

Ngày 6/12, Bệnh viện Bạch Mai long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến năm 2024 nhằm tổng kết hoạt động chỉ đạo tuyến năm 2024 và định hướng kế hoạch hoạt động chỉ đạo tuyến năm 2025.

Tham dự Hội nghị về phía khách mời có đồng chí Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; Các đồng chí Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo Bệnh viện tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; Về phía Bệnh viện Bạch Mai có: PGS. TS. BS. Đào Xuân Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện; PGS. TS. BS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai; PGS. TS. BS. Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện cùng đại diện lãnh đạo Viện/Trung tâm/Khoa/Phòng và các đơn vị thuộc Bệnh viện Bạch Mai, các đồng nghiệp đến từ các Bệnh viện.

Y hiệu Bạch Mai lan tỏa khắp các tỉnh thành

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Đào Xuân Cơ cho biết: Từ khi thành lập, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai (tiền thân là Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến) đã xây dựng và hoàn thiện mô hình đào tạo liên tục và chỉ đạo tuyến, mô hình Trung tâm/ Phòng/Tổ đào tạo và chỉ đạo tuyến cho các tuyến bệnh viện; đóng góp không nhỏ đưa Y hiệu Bạch Mai được lan tỏa, góp phần xây dựng và hoàn thiện mô hình đào tạo liên tục và chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, thiết lập và kết nối mạng lưới chỉ đạo tuyến các bệnh viện khu vực phía Bắc từ Quảng Bình trở ra với 33 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 495 bệnh viện chuyên khoa, khu vực, tuyến huyện,... Với kinh nghiệm hơn 25 năm xây dựng và phát triển công tác Chỉ đạo tuyến, năm 2024, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai hiệu quả Đề án 1816 với 11 gói kỹ thuật thuộc 09 chuyên ngành gồm 315 kỹ thuật được chuyển giao cho 168 học viên của 78 đơn vị y tế. Đồng thời tổ chức 22 chuyến công tác gồm 85 lượt cán bộ tăng cường hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức 22 lớp tập huấn tại 14 tỉnh thành phía Bắc cho 1.270 học viên thuộc chuyên ngành Tiêu hóa, Cơ xương khớp, Tim mạch, Thần kinh, Nội tiết, Chẩn đoán hình ảnh.... Bệnh viện đã nhận được Thư cảm ơn từ UBND tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, …vì đã kịp thời hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị, giành lại sự sống từ tay tử thần cho người bệnh như: tổ chức cấp cứu liên viện cứu sống sản phụ bị thuyên tắc khối tĩnh mạch, cấp cứu hơn 20 trẻ em nghi ngộ độc thuốc diệt chuột, cứu sống bệnh nhân ở làng Nủ do ảnh hưởng bão lũ, cứu sống thành công các bệnh nhận trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân….

PGS. Đào Xuân Cơ phát biểu ghi nhận những đóng góp to lớn của hoạt động chỉ đạo tuyến trong năm 2024

Nhằm nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật, quản lý cho cán bộ y tế và tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai đã ký kết Thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ y tế toàn diện với 46 đơn vị bao gồm: 12 UBND tỉnh, 03 Sở Y tế, Quân chủng Hải quân, 07 Bệnh viện ngành, 05 Bệnh viện công lập, 04 Bệnh viện tư nhân, 08 trường Đại học Y khoa và 7 tổ chức khác. Trong số đó, các đơn vị được ký kết hợp tác trong năm 2024 là: 04 UBND tỉnh (Điện Biên, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh); 05 Bệnh viện (Quân đội Trung ương 108, Bệnh viện E, Công ty cổ phần BVĐK Tâm Anh, BVĐK tỉnh Phú Thọ, BV Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa); 02 Trường Đại học (Y dược Thái Bình, Y dược Hải Phòng); 02 đơn vị khác là: Công ty cổ phần Tập đoàn PC1, Tập đoàn Vingroup. Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai đã dành tặng 160 suất học bổng trị giá 6,6 tỷ đồng cho các bác sĩ, điều dưỡng của 11 tỉnh tham dự các khóa đào tạo chuyên khoa Hồi sức cấp cứu. Cam kết đào tạo hỗ trợ chuyên môn nâng cao năng lực y tế cho 03 tỉnh đã ký hợp tác toàn diện với BV Bạch Mai chịu nhiều thiệt hại do cơn bão YAGI là Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, miễn phí học phí toàn bộ đến hết năm 2025 trị giá 18 tỷ đồng/3 tỉnh.

Trong năm 2024 Bệnh viện tiếp tục duy trì hiệu qủa hoạt động của Đề án khám chữa bệnh từ xa với 508 cơ sở y tế thuộc 55 tỉnh, thành. Bệnh viện đã quản lý, tổ chức thành công 436 khóa đào tạo liên tục cho 62.834  lượt cán bộ y tế các  trình độ chuyên môn từ điều dưỡng, kỹ thuật y đến bác sĩ, bác sĩ CKI, CKII, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc hơn 1.000 cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến trung ương đến cơ sở trên cả nước.

Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho các tuyến cơ sở, Bệnh viện còn chú trọng cập nhật, nâng cao kỹ năng, chuyên môn cho các cán bộ của Bệnh viện. Trong năm 2024, Bệnh viện đã triển khai 60 khóa đào tạo cho 17.057 cán bộ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bệnh viện Bạch Mai học tập. Tổ chức và quản lý 131 buổi hội nghị, hội thảo với  hơn 39.008 lượt cán bộ Y tế tham dự. Tổ chức Hội nghị khoa học lần thứ 32 gồm 38 lĩnh vực chuyên khoa với sự tham gia của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế cho 29.174 lượt đại biểu tham dự, 143 chủ tịch đoàn; 253 bài báo cáo khoa học; 16 bài báo cáo Quốc tế.

Với vai trò là một trong những Bệnh viện đầu ngành, Bệnh viện vô cùng quan tâm phát triển công tác nghiên cứu khoa học với 4 đề tài cấp Quốc gia, 5 đề tài cấp Bộ Y tế, 1 đề tài cấp Sở Khoa học công nghệ, hàng trăm đề tài cấp cơ sở, 40 đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Đặc biệt, Bệnh viện có Tạp chí Y học lâm sàng đã được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm là 0,75.

6 trụ cột chính trong chiến lược phát triển Bệnh viện Bạch Mai

Các nhà khoa học, các chuyên gia, các tiểu ban, các hội đồng của Bệnh viện Bạch Mai làm việc nghiêm túc, tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế, tham khảo y văn, tham khảo xu hướng phát triển y tế trên thế giới, để từ đó đưa ra tầm nhìn, định hướng phát triển Bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạn 2025 - 2030. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai đã chọn ra 6 trụ cột phát triển chuyên môn của bệnh viện, bao gồm:

1.Triển khai hiệu quả đề án ghép đa tạng tại Bệnh viện

2.Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị và quản lý người NB

3.Ứng dụng kỹ thuật gen trị liệu trong điều trị bệnh

4.Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh

5.Ứng dụng phẫu thuật Robot.

6. Ứng dụng công nghệ in 3D trong sản xuất các sản phẩm, thiết bị y tế phục vụ người bệnh.

PGS. TS. BS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai nhấn mạnh: Đây là 6 trụ cột chính trong tầm nhìn 2030 của Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, song song với 6 trụ cột đó, các mảng chính của Bệnh viện như: Hồi sức cấp cứu, Tim mạch, Thần kinh, Hô hấp, Đột quỵ, Cơ xương khớp... vẫn được chú trọng đầu tư phát triển.

PGS.TS Vũ Văn Giáp trình bày 6 trụ cột trong tầm nhìn 2030 của Bệnh viện Bạch Mai

Trong 6 trụ cột trên, trụ cột thứ 2: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh của Bệnh viện Bạch Mai bước đầu đã có những kết quả vượt bậc. PGS. Vũ Văn Giáp chia sẻ với hội nghị về ca lâm sàng nam người bệnh 49 tuổi đến Bạch Mai khám với bệnh nền tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đã đặt 3 stent. Bệnh nhân tình cờ đi khám sức khỏe. Với kết quả ban đầu của chụp Xquang phổi, bệnh nhân có đám mờ ở phổi. Khi làm thêm cận lâm sàng khác như nội soi phế quản thì chưa có gì đáng chú ý.

PGS. Giáp chia sẻ: “Với người không có kinh nghiệm sẽ dễ dàng bỏ sót các tổn thương hoặc đọc không kỹ thì các bác sĩ dễ dàng bỏ sót các tổn thương, kết luận bình thường thì bệnh nhân bị bỏ lỡ cơ hội chẩn đoán sớm. Nhưng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy tính và trí tuệ nhân tạo đã tự động đọc và nhận diện được tổn thương ở thùy phổi phải. Với tổn thương này, với những phân tích về cấu trúc, trí tuệ nhân tạo đã nhận định đây là một nốt mờ có nguy cơ ác tính và tỷ lệ ung thư cao. Đó là lý do chúng tôi quyết định cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Sau khi có kết quả của chụp cắt lớp, kết quả được đẩy lên máy chủ trí tuệ nhân tạo do phần mềm nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện, máy tự động đọc và nhận diện ra tổn thương được phân tích về vị trí, cấu trúc và tính chất của tổn thương là một tổn thương đám mờ có nguy cơ cao là ung thư phổi. Với nhận định lần 2 này, Hội đồng hội chẩn của Bệnh viện đã quyết định, dù bệnh nhân có bệnh nền như vậy vẫn cần nội soi phế quản để thêm các thăm dò chuyên sâu. Thông thường, với bệnh nhân có bệnh nền như vậy và với tổn thương phổi rất nhỏ và mờ thì có thể sẽ cho về nhà theo dõi tiếp 6 tháng. Và sau 6 tháng đó, biết đâu khối u đó đã phát triển xâm lấn và có di căn thì bệnh nhân đã mất cơ hội để điều trị triệt căn sớm.

Cũng tại Hội nghị, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu Nghị đã ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyên môn kỹ thuật giai đoạn 2025 - 2030
 

Tuy nhiên, tại Bệnh viện Bạch Mai, với các kết quả xét nghiệm chụp chiếu cận lâm sàng và những phán đoán mà trí tuệ nhân tạo gợi ý cùng với kinh nghiệm trên nhiều ca lâm sàng, hội đồng chuyên môn của Bệnh viện quyết định cho bệnh nhân được phẫu thuật cắt toàn bộ khối u phổi, đồng thời làm mô bệnh học. Bệnh nhân được bỏ qua làm sinh thiết phổi là một sinh thiết xâm lấn có thể gây chảy máu, gây tràn khí... Việc đọc tiêu bản mô bệnh học cũng được nhóm nghiên cứu sử dụng bộ công cụ tự động chẩn đoán dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo đối với mô bệnh học để đọc kết quả. Kết quả đúng như những dự liệu ban đầu: Bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến. Đây là một minh chứng cho thành công của trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán sớm ung thư. Với chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư ở giai đoạn T1M0N0, nghĩa là giai đoạn sớm, phẫu thuật sẽ triệt căn hoàn toàn, không phải hóa chất, không phải xạ trị. Đây là thành công rất rất lớn trong chẩn đoán và điều trị sớm ung thư phổi.

PGS. Giáp cũng tự hào chia sẻ với hội nghị: Chúng tôi đã xây dựng được 3 modul chẩn đoán. Cho đến thời điểm này, chúng tôi là nhóm nghiên cứu duy nhất trên thế giới có bộ 3 liên thông từ chẩn đoán hình ảnh đến nội soi phế quản  và mô bệnh học...

Hội nghị khoa học tổng kết công tác chỉ đạo tuyến bệnh viện Bạch Mai năm 2024 và những kết quả, những định hướng chiến lược phát triển tầm nhìn 2030 của Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cùng sự đồng lòng, đồng tâm nhất ý của tập thể hơn 4.300 cán bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai cùng hướng tới mục tiêu: Trí tuệ Việt, khát vọng Việt và giải pháp Việt để phục vụ sức khỏe cho người Việt./.

 

Diệu Hiền - Thành Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image