Cô gái ung thư xương đi lại bình thường sau ca phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam thay toàn bộ xương đùi kim loại.
Các bác sĩ khoa Ngoại bụng 2, Bệnh viện K Trung ương, cùng các chuyên gia đã thực hiện thành công ca đại phẫu thay toàn bộ xương đùi bao gồm khớp háng và khớp gối toàn phần cho bệnh nhân L.T.H. (24 tuổi, quê tại Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hóa). Sau ca phẫu thuật, cô gái này đã trở thành người đầu tiên tại Việt Nam bước đi bằng chân có xương đùi kim loại.
Dấu hiệu từ cơn đau nhẹ
L.T.H. đang là sinh viên năm cuối của trường Học viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông (Hà Nội). Vài tháng trước nhập viện, chân phải của cô thỉnh thoảng bị đau dọc theo thân xương đùi, đau tăng lên vào buổi tối hay khi vận động nặng, nhìn bề ngoài chân không bị sưng đau hay biến dạng, tầm vận động của gối hoàn toàn bình thường.
Đi khám ở một số cơ sở y tế đa khoa nhưng H. không được phát hiện ra bệnh. Tình cờ, cô đến bệnh viện tỉnh chụp X-quang xương đùi. Bác sĩ phát hiện có hình ảnh bất thường ở đầu dưới xương đùi. Cô được chuyển đến Bệnh viện K Trung ương. Tại đây, sau khi thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán cô mắc ung thư xương.
Ngay lập tức H. được truyền hóa chất tiền phẫu 3 đợt. Bệnh nhân đáp ứng hóa chất tốt. Tháng 10/2019 bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ đoạn đầu dưới xương đùi phải và tiếp tục truyền hóa chất hậu phẫu 6 đợt. Tuy nhiên, sau khi điều trị hóa chất hậu phẫu, vùng chỏm xương đùi có vùng tổn thương mới, bệnh nhân được hội chẩn lại giữa các bác sĩ chuyên ngành ung thư cơ xương khớp tại Bệnh viện K và mời PGS.TS Trần Trung Dũng - Đại học Y Hà Nội - tham gia. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ xương đùi, thay thế bằng xương đùi nhân tạo cho bệnh nhân H.
Ca phẫu thuật đặc biệt đầu tiên
“Lâu lắm rồi, tôi không tự đi lại được, nhiều khi chỉ biết khóc một mình vì làm bố mẹ và mọi người lo lắng. Tôi không tự chăm sóc được bản thân, nếu chân không thể đi lại được, không biết cuộc sống sẽ như thế nào”, H. khóc trước ca phẫu thuật đầy căng thẳng.
PGS.TS Trần Trung Dũng chia sẻ xương đùi là xương dài nhất và nặng nhất của cơ thể, chịu trọng lực của toàn bộ thể khi cơ thể đi lại và vận động. Không những thế, xương đùi trực tiếp tham gia vào cấu tạo của khớp háng và khớp gối - hai khớp lớn và cũng phức tạp nhất cơ thể.
“Khi xương đùi có vấn đề không thể bảo tồn được (như bị ung thư) thì thay toàn bộ xương đùi là điều rất khó để thực hiện. Nhưng với quyết tâm rất lớn, sau khi hội chẩn kỹ càng, chúng tôi quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân để cô không còn mặc cảm mà vững tin tiếp tục sống”, PGS Dũng nói.
Nhận định đây là ca phẫu thuật phức tạp, đầy khó khăn, để đảm bảo chức năng của xương đùi, khớp háng và gối, ê-kíp phẫu thuật cần đặt dụng cụ chính xác đến từng cm theo đúng trục giải phẫu, sinh lý của bệnh nhân, đồng thời phải khâu phục hồi lại khối cơ mông và đùi như giải phẫu ban đầu để tạo độ vững cho khớp háng và gối, giúp bệnh nhân có thể đi lại được.
Ngày 2/3, ê-kíp Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn cùng PGS.TS Trần Trung Dũng đã thực hiện thành công ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi bên phải cho bệnh nhân H.
Ca phẫu thuật đã được thực hiện trong vòng 3 tiếng, toàn bộ xương đùi ung thư đã được lấy ra để thay bằng dụng cụ kim loại, đồng thời tiến hành thay khớp háng và khớp gối toàn phần và khâu phục hồi lại các điểm bám gân cơ. Các thông số của vật liệu nhân tạo được đo đạc cẩn thẩn dưới định dạng 3D.
|
PGS.TS Trần Trung Dũng và BS Nguyễn Trần Quang Sáng trực tiếp xem vết mổ cho bệnh nhân H. Ảnh: BSCC. |
Sau 5 ngày sau mổ, vết thương của H. đã ổn định, không chảy dịch, còn đau ít vết mổ. Do lượng máu mất trong phẫu thuật không nhiều nên sức khỏe bình phục rất tốt. H. có thể ngồi dậy và nói chuyên với mọi người khá thoải mái.
Hơn 4 tháng không thể đi lại, giờ đây các chi, khớp đã cử động được, H. vui mừng chia sẻ: “Tôi ngỡ mình đang mơ, không dám tin mình sẽ hồi phục sớm như vậy”.
Ca phẫu thuật cắt bỏ tổn thương ung thư và thay toàn bộ xương đùi kim loại là ca phẫu thuật được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, mở ra hy vọng bảo tồn chi thể cho các bệnh nhân bị ung thư xương nói chung, ung thư xương đùi nói riêng. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sự tiến bộ cho nền y học Việt Nam tiệm cận với các nước trên thế giới.
Nguồn: https://news.zing.vn