Responsive Image

DetailController

Sự kiện nổi bật

Xin đừng là chuyện lạ!

Cô bạn đại học sống ở Hà Nội vừa chia sẻ trên Facebook chuyện đêm trước vừa một mình bế cô con gái 6 tuổi chạy vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Cô viết: “Khoa cấp cứu 11 giờ đêm nhưng đủ các bác sĩ y tá còn thức. Thấy mình một mẹ một con bế nhau vào, ngó qua, hỏi qua là hiểu tình hình. Hai bác sĩ tay cắt thuốc, chân chạy đưa mình vào phòng cấp cứu. Chẳng ai hỏi lằng nhằng, chẳng ai chỉ ra đóng tiền này nọ...

Con được xử lý nhanh trong vòng chưa đầy 10 phút. Con khóc lóc, giãy giụa, thêm hai bác sĩ nữa chạy vào giữ, vừa giữ vừa làm thuốc, vừa động viên mẹ, động viên con. Xong việc, mình xin ở lại theo dõi, bác sĩ bảo yên tâm về. Vác con ra bàn ghi sổ để thanh toán. Bác sĩ, y tá đều xua tay, thôi cho con về đi, các bác làm hộ...”. Cô bạn nói, đã bao lần đi viện nhưng chưa bao giờ thấy xúc động như vậy và có cảm giác chuyện như trong tiểu thuyết!

Còn tôi, ở TPHCM, cũng vào viện, ra viện không ít lần nhưng mới đây, khi điều trị tại Bệnh viện Y học Cổ truyền, tôi mới cảm nhận được tấm lòng “người mẹ” của những y bác sĩ.

Ngày đầu tiên đến viện, tôi khá ngạc nhiên khi bác sĩ khám nói chuyện với tôi bằng giọng nhẹ nhàng, còn bác sĩ châm cứu thì thực hiện từ tốn, mỗi mũi kim đều hỏi cảm giác thế nào rồi điều chỉnh. Tôi tự lý giải chắc là do mình sử dụng khám, châm cứu dịch vụ với giá mắc hơn gấp rưỡi so với phòng thường và gấp ba so với bảo hiểm nên được phục vụ tốt. Nhưng không, sau một thời gian, tôi chuyển sang mua phiếu phòng thường rồi phòng sử dụng bảo hiểm y tế, mọi thứ vẫn vậy, có khác chăng chỉ là phải chờ đến lượt lâu hơn một chút. Mỗi ngày, các bác sĩ và y sĩ châm cứu, siêu âm cho tôi đều hỏi tôi cảm thấy thế nào, đỡ được bao nhiêu phần trăm rồi chỉ cách vận động, chạy xe, điều trị thêm ở nhà và động viên “ráng lên, kiên trì điều trị để không phải mổ”. Trong khi đó, chị thu ngân thì tư vấn nên dùng bảo hiểm hoặc mua phòng thường để đỡ tốn tiền. Sau gần một tháng, cánh tay bị tê của tôi đã vận động lại bình thường.

Tôi cũng đã thử làm một khảo sát nho nhỏ với các bệnh nhân khác. Câu trả lời là: “Ở đây hay lắm, ai cũng dễ thương, gần gũi” hay “Mọi người ở đây hiền khô, thương lắm”. Trong phòng châm cứu hay siêu âm điều trị, tôi đã nghe rất nhiều tiếng cười, của bác sĩ, y sĩ xen lẫn với bệnh nhân khi ai đó pha trò. Tôi đã nghe tiếng bác sĩ, y sĩ vừa châm cứu cho bệnh nhân vừa dỗ dành “không đau đâu” như với trẻ con. Tôi cũng nghe bác sĩ, kỹ thuật viên than thở “sao nay bệnh nhân đông quá?”, nhưng họ tự nói với nhau rồi cắm cúi làm tiếp. Tôi cũng thi thoảng nghe bệnh nhân nào đó phàn nàn sao chờ lâu chưa đến lượt nhưng được giải thích phải ưu tiên người tàn tật, người bệnh nặng thì họ đã thôi kêu ca. Tôi cũng đã thấy hết giờ làm việc nhưng còn bệnh nhân đã lấy số thứ tự trong giờ, các kỹ thuật viên vẫn làm tiếp. Tôi cũng đã thấy khi vị trí nhận bệnh khuyết, bác sĩ, y sĩ thế chỗ để bệnh nhân không phải chờ, không thấy câu nệ, ra vẻ. Tôi cũng đã thấy bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên cười, chào bệnh nhân ở hành lang, cầu thang...

Thực ra, những chuyện trên là rất bình thường và vốn dĩ cần phải có ở các bệnh viện. Vậy nhưng, không khí, tình cảm mà tôi cảm nhận được ở Bệnh viện Y học Cổ truyền hay sự giúp đỡ tận tình mà cô bạn tôi nhận được, tiếc thay lại đang là “hàng hiếm”, là “ngoại lệ” hiện nay. Ở rất nhiều nơi, bệnh nhân và người nhà đang phải nghe những câu nói cộc lốc, không đầu không cuối của những cô y tá, thậm chí bác sĩ đáng tuổi con; phải chịu thái độ lạnh lùng của cả anh trông xe...

Ước gì ngày càng có nhiều câu chuyện “như trong tiểu thuyết” mà bạn tôi đã gặp, ước gì ở đâu tôi cũng được phục vụ như ở Bệnh viện Y học Cổ truyền. Những việc bình thường, xin đừng là chuyện lạ! 

 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image