Ngã xuống ao nước anh Thản bị xe máy đè lên, đến khi được mọi người cứu giúp thì tính mạng anh đã ở lằn ranh của sự sống chết. Gia đình nghèo khó phải "cắm" nhà cũng chẳng đủ tiền cứu anh.
Trong phòng cách ly của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, (Hà Nội), anh Nguyễn Thanh Thản vẫn đang hôn mê sâu. Tại đây là một dàn thiết bị y tế giúp anh duy trì sự sống. Phòng bệnh yên ắng, chỉ có những âm thanh của các loại máy móc thiết bị y tế nghe như từng nhịp đập gấp gáp của con tim đang khẩn trương giành giật lại mạng sống cho bệnh nhân.
Liên tục phải dõi theo tình hình của bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Quỳnh Phương , khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Thản 25 tuổi bị đuối nước được chuyển từ bệnh viện Hưng Yên lên Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp phải thở máy, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng rất nặng.
Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã thoát sốc, nhưng vẫn bị nhiễm trùng, suy hô hấp và suy đa tạng, tiên lượng phải làm tim phổi nhân tạo (ECMO).
Hiện tại bệnh nhân đang phải thở máy, điều trị nhiễm khuẩn, lọc máu liên tục,…với chi phí lên tới 35 triệu/ngày do không có Bảo hiểm y tế. nên chi phí rất lớn có thể phải lên tới vài trăm triệu đồng.
Thản còn rất trẻ, lại là trụ cột gia đình nên chúng tôi hy vọng em sẽ mau chóng hồi phục. Nhưng với số tiền trên là quá sức đối với 1 gia đình thuần nông như gia đình em, nên chúng tôi tha thiết mong các nhà hảo tâm chung tay cứu giúp Thản, cho em có thêm cơ hội được sống và trở về với gia đình”.
Bồn chồn đứng ngồi không yên ngay cửa phòng cách ly, chị Nguyễn Thị Thoa (chị gái ruột của anh Thản) thỉnh thoảng lại kiễng chân ngó vào ô cửa kính của buồng bệnh, nơi em trai của chị đang từng giây, từng phút chiến đấu giành giật mạng sống với tử thần.
Rưng rưng 2 hàng nước mắt, chị Thoa nghẹn ngào kể về hoàn cảnh gia đình, “bố em về quê từ hôm qua để vay tiền, nhưng ông vừa gọi điện lên bảo vẫn chưa vay được. Nhà cửa rộng vườn đã mang cầm cố hết rồi, 10 ngày qua gia đình em chia nhau đi gõ cửa hỏi vay khắp nơi. Giờ gia đình em không biết phải lấy gì để cứu em ấy đây?”.
Chị Thoa cho biết thêm, nhà chị có 2 chị em, chị Thoa đã lấy chồng ở riêng, vợ chồng chị chỉ làm nông, nên kinh tế cũng khó khăn. Khi em trai gặp nạn “thập tử nhất sinh” chị cũng không giúp được nhiều.
Vợ anh Thản mới sinh mổ, con chưa đầy tháng tuổi nên không thể lên viện chăm chồng được. Giờ ở viện chỉ có người chị gái đang mang bầu 3 tháng trông em trai.
“Em trai em trước làm thuê ở xưởng mộc trên Hà Nội, nhưng sau dịch Covid-19 không có việc, nên em nó về quê nghỉ. Em ấy đã có vợ và có 2 cháu, đứa lớn mới được 2 tuổi và đứa nhỏ mới sinh.
Hôm 1/6 em nó chạy xe máy về gần đến nhà thì ngã xuống ao nước, chiếc xe máy đè vào người khiến Thản vùng vẫy mà vẫn không thoát ra được nên bị chìm xuống. Đến khi có người đến cứu thì em nó đã hôn mê rồi…”, chị Thoa nói trong những tiếng nấc nghẹn đau đớn.
Chứng kiến bệnh nhân đang ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, chị Nguyễn Thị Lanh, cán bộ phòng Công tác Xã hội bệnh viện Bạch Mai, không giấu được cảm xúc của mình, giọng chị run run:
“Bệnh nhân còn quá trẻ, lại đang là trụ cột của gia đình khiến chúng tôi thấy rất ái ngại và xót xa vô cùng. Do không có Bảo hiểm y tế, nên chi phí điều trị cho bệnh nhân quá lớn.
Những ngày qua, gia đình đã làm hết mọi cách cũng chỉ mới đóng được hơn 200 triệu đồng tiền viện phí. Số tiền nợ cũng gần 200 triệu đồng. Trong khi sắp tới bệnh nhân có khả năng cao phải chạy ECMO vô cùng tốn kém. Nên chúng tôi khẩn thiết mong báo Dân trí cùng các bạn đọc chung tay cứu giúp anh ấy…”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Mọi sự quan tâm xin liên hệ về địa chỉ: Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai - tầng 4, tòa nhà 16 (Trung tâm hội nghị Quốc tế Bạch Mai), 78 đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP. Hà Nội – ĐT: 0243.2151.883;
Hoặc gửi về tài khoản: Bệnh viện Bạch Mai số 0541101065007, tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thăng Long, 34 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội (ghi rõ ủng hộ Bệnh nhân là Nguyễn Thanh Thảnđang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, (Bệnh viện Bạch Mai) Chúng tôi cam kết món quà của các nhà hảo tâm sẽ được sử dụng đúng mục đích hoặc trao tận tay tới bệnh nhân.
Trân trọng cảm ơn!