Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

“KIỂM SOÁT LIPID MÁU HIỆU QUẢ VÀ PHÙ HỢP TRÊN BỆNH NHÂN CHÂU Á”

Là chủ đề buổi sinh hoạt khoa học thu hút nhiều người quan tâm đã diễn ra ngày 22/12/2023 tại Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Bạch Mai. Hội thảo có sự tham gia của các báo cáo viên là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Tim mạch, Nội tiết và Đái tháo đường của Bệnh viện Bạch Mai.

Trong điều trị tim mạch - đái tháo đường, các chuyên gia thường xuyên quan tâm đến bộ ba chỉ số: Huyết áp, Đường huyết và Lipid máu. Tuy nhiên, điều trị lipid tưởng như đơn giản nhất lại không phải như vậy! Trong thực hành lâm sàng thì rối loạn mỡ máu nhiều khi chưa được quan tâm đúng mức, điều trị chưa đạt được đúng mục tiêu đề ra. Trong bài phát biểu khai mạc, TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh: Bên cạnh việc điều trị lipid máu chưa được như mong đợi thì vẫn còn những tranh luận về mục tiêu LDL- Cholesterol, những lo ngại về hậu quả của LDL- Cholesterol quá thấp hay tác dụng phụ của thuốc Statin. Các bài báo cáo trong hội thảo có thể giúp các đồng nghiệp hiểu hơn về chiến lược điều trị Lipid máu, trong đó có bệnh nhân đái tháo đường.


 

TS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trưởng phòng C4 - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai đã trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò của Statin trong điều trị rối loạn Lipid máu và phòng ngừa tiên phát’. Nhóm thuốc Statin là nhóm thuốc chính để điều trị các rối loạn chuyển hóa lipid, hạ mỡ máu, đã được chứng minh có hiệu quả dự phòng tiên phát và thứ phát các bệnh lý tim mạch. Tham luận đi sâu phân tích việc kiểm soát lipid máu trong bệnh tim mạch, hạ LDL- Cholesterol, tăng HDL- Cholesterol bằng việc thay đổi lối sống và sử dụng nhóm thuốc Statin, trong đó có Pitavastatin. HDL- Cholesterol là mỡ tốt có chức năng quan trọng là vận chuyển Cholesterol dư thừa ở các mô, cơ quan, mạch máu về gan để xử lý, tại gan các Cholesterol sẽ được chuyển hóa và thải ra khỏi cơ thể. HDL- Cholesterol có nồng độ cao trong máu sẽ bảo vệ thành mạch, hạn chế xơ vữa động mạch, giảm các nguy cơ biến cố tim mạch. LDL- Cholesterol thì ngược lại được coi là mỡ xấu gây xơ vữa động mạch, có thể dẫn tới bệnh tim mạch, đột quỵ... Cơ chế của nhóm thuốc Statin có tác dụng trên Lipid máu giảm LDL- Cholesterol từ 20% đến 60%, tăng HDL-Cholesterol từ 5% đến 10%. Bên cạnh đó, nhóm thuốc Statin còn cải thiện mức độ rối loạn giãn mạch do nội mô, chống huyết khối, giảm viêm mạch máu, giảm tăng sinh cơ trơn mạch máu và làm ổn định mảng xơ vữa. Điều trị Statin đã được các nghiên cứu chứng minh rõ lợi ích lâm sàng. Việc lựa chọn loại nào trong nhóm Statin được cân nhắc dựa theo hiệu quả giảm LDL- Cholesterol và tăng HDL- Cholesterol, để giảm nguy cơ và các biến cố tim mạch.


 

Tham luận với chủ đề “Lựa chọn Statin phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường” của ThS.BS Phan Thị Minh Tâm - Khoa Nội tiết & Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai đã đem đến những gợi mở hữu ích để điều trị tối ưu bệnh đái tháo đường, đồng thời đề phòng các bệnh lý kèm theo như tim mạch, huyết áp... Những năm gần đây, đái tháo đường đã trở thành vấn đề lớn cho sức khỏe toàn cầu. Các bệnh nhân đái tháo đường thường gặp rối loạn lipid máu, huyết áp cao, nguy cơ bệnh tim mạch. Do vậy việc điều trị bằng nhóm thuốc Statin phù hợp để giảm mỡ xấu (LDL-C), tăng mỡ tốt (HDL-C) có ý nghĩa quan trọng trên các bệnh nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường. Ở nhóm bệnh nhân đái tháo đường từ 40 tuổi đến 75 tuổi bất kể nguy cơ tim mạch xơ vữa 10 năm là bao nhiêu cần được điều trị Statin với cường độ trung bình. Với các bệnh nhân đái tháo đường từ 20 tuổi đến 39 tuổi có yếu tố nguy cơ tim mạch có thể bắt đầu được điều trị Statin. Với những bệnh đái tháo đường có nguy cơ tim mạch cao nên điều trị Statin ở cường độ mạnh với mục tiêu hạ LDL-C xuống dưới 1.8mmol/l. Đặc biệt với những bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ rất cao, có tổn thương cơ quan đích, có từ 3 yếu tố nguy cơ chính thì cần hạ LDL- C dưới 1,4mmol/L. Nếu chưa đạt mục tiêu khi đã dùng statin liều tối đa có thể dung nạp, cân nhắc thêm dùng phối hợp Eztimebe hoặc PCSK9. Với những bệnh nhân tăng Triglyceride máu cần thay đổi lối sống, chế độ ăn, giảm cân, năng vận động và kiêng rượu. Trường hợp tăng Trilyceride máu nặng ( Lúc đói > hoặc = 500mg /dl hoặc 5,67 mmol/l ) cần điều trị bằng thuốc (dẫn xuất của Axit Fibric và dầu cá), giảm cân nặng, giảm chất béo trong chế độ ăn để giảm nguy cơ viêm tụy cấp. Ở những người bị tăng Triglyceride máu vừa phải từ 2,3 – 5,7 mmol/l ) nên thay đổi lối sống và điều trị các yếu tố thứ phát như đái tháo đường, bệnh gan, suy giáp, hội chứng thận hư và tránh các loại thuốc có thể tăng Triglycerid.


 

Phần thảo luận sôi nổi với nhiều câu hỏi trực tiếp từ hội trường và câu hỏi gửi online, trong đó nhiều quan tâm về Statin và nguy cơ phát triển đái tháo đường. Theo các chuyên gia, lợi ích của Statin mang lại cho nhóm những bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu là rất lớn, tùy theo cá thể hóa ở các bệnh nhân, các bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị trên những thông tin cụ thể về cận lâm sàng và lâm sàng. Qua một số nghiên cứu thì Pitavastatin giúp cải thiện nguy cơ tim mạch, cải thiện rối loạn Lipid, có thể có tác dụng có lợi trong kiểm soát đường huyết lúc đói và cải thiện khả năng nhạy cảm với Insulin.

Việc sử dụng nhóm thuốc Statin vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu cho các bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu, có nguy cơ tim mạch cao, đái tháo đường, tăng huyết áp. Kiểm soát tốt 3 yếu tố: Huyết áp, đường huyết và lipid máu sẽ giảm các nguy cơ biến cố tim mạch, đột quỵ, thận hư ... Bên cạnh đó, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện để nâng cao sức khỏe.

Thùy Dương - Thành Dương

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image