Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên

1. Thế nào là nhồi máu cơ tim cấp và nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên

Tim là trung tâm của hệ tuần hoàn, đóng vai trò như một “cái bơm” hút và tống máu đi nuôi cơ thể. Để đảm bảo hoạt động nhịp nhàng, đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể, tim được cấp máu bởi một hệ thống động mạch riêng, gọi là hệ động mạch vành. Hệ động mạch vành gồm 3 nhánh động mạch chính, cấp máu cho toàn bộ quả tim. Tuy nhiên theo thời gian, dưới tác động của tuổi tác, các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, các động mạch vành không còn trơn nhẵn; thay vào đó là tình trạng hẹp tắc do mảng vữa xơ, dòng chảy trong động mạch vành giảm hoặc ngừng trệ gây ra thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim.

nmct1

Hình 1: Động mạch vành cấp máu cho tim và tình trạng tắc nghẽn động mạch vành do mảng xơ vữa ảnh hưởng đến dòng máu nuôi dưỡng cơ tim.

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý thiếu máu cơ tim cấp tính, do mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành nứt vỡ đột ngột, dòng máu chảy trong lòng động mạch vành ngưng trệ, khiến cho vùng cơ tim tương ứng không được tưới máu. Nếu tình trạng thiếu máu cơ tim kéo dài, vùng cơ tim thiếu máu không còn khả năng hồi phục dẫn đến hoại tử, nguy hiểm hơn có thể xuất hiện các rối loạn nhịp, cơ tim “mủn nát” gây vỡ thành tim, người bệnh đứng trước nguy cơ đột tử ngay lập tức.

Dựa trên hình ảnh điện tâm đồ ghi tại phòng cấp cứu, nhồi máu cơ tim được chia thành 2 loại chính là nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên và nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên. Về mặt bệnh học, trong nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên, các động mạch vành chưa tắc nghẽn hoàn toàn gây mất dòng máu nuôi dưỡng cơ tim, nhưng mức độ hẹp đã rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu oxy cho cơ tim.

nmct2

Hình 2: Hình minh họa nhồi máu cơ tim cấp do nứt vỡ mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành. Với nhồi máu không ST chênh lên, dòng chảy không bị tắc nghẽn hoàn nhưng đã bị ảnh hưởng trầm trọng. NMCT: Nhồi máu cơ tim.

2. Tỷ lệ mắc bệnh và gánh nặng bệnh tật

Nhồi máu cơ tim cấp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong ở Hoa Kỳ. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim ước tính hàng năm ở Hoa Kỳ là khoảng 750000 trường hợp, trong đó 550000 ca nhồi máu cơ tim mới được chẩn đoán lần đầu.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200000 người tử vong vì bệnh tim mạch trong đó 85% là nhồi máu cơ tim và đột quỵ; bệnh có xu hướng trẻ hóa làm gánh nặng cho hệ thống y tế ngày càng tăng lên.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh

Nhồi máu cơ tim cấp thường khởi phát bằng cơn đau ngực cấp tính. Đau ngực điển hình do nhồi máu cơ tim có đặc điểm: đau thắt nghẹt sau xương ức, cảm giác như có ai bóp nghẹt hay có tảng đá đè nặng lên ngực khiến người bệnh phải nín thở, cơn đau có thể lan lên vai trái, lên cằm, xuống cánh tay. Đau ngực do nhồi máu cơ tim thường xuất hiện đột ngột, ngay cả khi nghỉ ngơi, kéo dài hơn 20 phút.

nmct3

Hình 3: Cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim điển hình

Khoảng 20% các bệnh nhân nhồi máu cấp “im lặng”, tức là, không triệu chứng hoặc gây ra các triệu chứng mơ hồ, đôi lúc chỉ là cảm giác mệt, hồi hộp hoặc một cảm giác khó chịu không giải thích được, thường thấy ở bệnh nhân tiểu đường. Ngược lại, một số trường hợp nhồi máu cơ tim cấp khởi phát các cơn rối loạn nhịp nguy hiểm gây ngừng tim, người bệnh đột ngột mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng, đòi hỏi phải được cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức nếu không sẽ tử vong.

Các triệu chứng khác kèm theo: mệt mỏi, vã mồ hôi nhiều đặc biệt trong cơn đau, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác tim đập nhanh hoặc tim đập bỏ nhịp, nôn hoặc buồn nôn, chân tay lạnh.

4. Nguyên nhân sinh bệnh

Bệnh sinh cơ bản của nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu oxy cơ tim, hậu quả của việc dòng chảy trong động mạch vành ngưng trệ hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Nứt vỡ mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành là nguyên nhân phổ biến nhất, ngoài ra, tình trạng co thắt mạch ở vị trí mảng xơ vữa hoặc ở vi mạch tuần hoàn cũng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

nmct4

Hình 4: Mảng xơ vữa trong động mạch vành tiến triển theo thời gian, khi nứt vỡ lấp tắc động mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim

5. Ai có nguy cơ mắc bệnh cao

Nhồi máu cơ tim cấp có khả năng xuất hiện cao hơn ở một số đối tượng:

- Người cao tuổi, nam trên 55 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh

- Người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, rối loạn mỡ máu, ít vận động, ăn mặn, lối sống tĩnh tại, thể trạng béo phì

- Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá;

- Sử dụng chất kích thích: cocaine, amphetamine làm co thắt động mạch vành.

6. Biện pháp phòng ngừa

Đầu tiên cần thiết lập và duy trì một lối sống lành mạnh: Bỏ thuốc lá, không làm dụng rượu bia và các chất kích thích, tập thể dục để đặn hàng ngày, kiểm soát cân nặng, sinh hoạt và làm việc khoa học, tránh các căng thẳng stress, có một chế độ ăn hợp lý: hạn chế đồ chiên, xào, rán, ăn nhiều rau xanh, ăn nhạt…

Những người có các bệnh lý tim mạch như tăng soát huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu cần khám, theo dõi định kỳ bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh kịp thời chế độ ăn, lối sống cũng như sử dụng các thuốc cần thiết.

7. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nên làm gì và khám chuyên khoa nào

Khi có biểu hiện gợi ý nhồi máu cơ tim đặc biệt là đau ngực trái đột ngột, người bệnh cần nhanh chóng gọi sự trợ giúp từ người nhà hoặc trung tâm y tế gần nhất để được đưa đến bệnh viện có đơn vị can thiệp động mạch vành, nhằm thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm men tim và tiến hành các biện pháp điều trị chuyên sâu khi chẩn đoán nhồi máu cơ tim được thiết lập

nmct5

Hình 5: Xử trí người bệnh nhồi máu cơ tim với phương châm: Thời gian là cơ tim – Cơ tim là sự sống

Những người bệnh mắc nhồi máu cơ tim cần được điều trị tại các trung tâm tim mạch có đơn vị can thiệp động mạch vành, đảm bảo đủ khả năng chẩn đoán và tiến hành các can thiệp chuyên sâu như can thiệp động mạch vành qua da, phẫu thuật bắc cầu nối động mạch. Đặc biệt có đủ khả năng cấp cứu và hồi sức tim mạch khi tình trạng suy tim tiến triển nặng.

8. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời thì có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh là gì?

Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, người bị nhồi máu cơ tim cấp có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như:

- Suy tim nặng hoặc sốc tim: Vùng cơ tim bị thiếu máu lớn làm cho chức năng tim suy giảm nghiệm trọng, không còn đủ khả năng hoạt động bình thường. Người bệnh cần được hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn nâng cao như thuốc vận mạch, thuốc tăng co bóp cơ tim…

- Rối loạn nhịp tim: các rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể khiến người bệnh đột tử ngay lập tức như các cơn tim nhanh thất tần số cao, rung thất.

- Hở van tim nặng do tổn thương cấu trúc van tim, người bệnh nhanh chóng rơi vào trạng thái suy hô hấp nặng.

- Thủng cơ tim ở vùng vách ngăn hoặc thành tự do gây vỡ tim: Do tình trạng hoại tử cơ tim, vùng cơ tim mủn nát dẫn đến thủng, vỡ; người bệnh tử vong nhanh chóng nếu không được phẫu thuật kịp thời

9. Các xét nghiệm cần thiết để phát hiện và xác định bệnh

- Điện tâm đồ: là xét nghiệm không xâm lấn, nhanh chóng, đơn giản để phát hiện nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, có tới trên 20% bệnh nhân không có thay đổi trên điện tâm đồ lần đầu, đó là các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên, do vậy cần theo dõi điện tâm đồ để ghi nhận sự biến đổi.

- Siêu âm tim qua thành ngực: Là công cụ quan trọng đóng vai trò trong chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt nhồi máu cơ tim, đánh giá chức năng tim, kích thước các buồng tim, chức năng các van tim

- Chỉ dấu sinh học cơ tim: thường là Troponin T hoặc Troponin I siêu nhạy, được dùng để chẩn đoán, phân tầng nguy cơ và theo dõi bệnh nhân.

10. Phương pháp điều trị

Đối với nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên, việc đánh giá và phân tầng nguy cơ thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tim mạch đóng vai trò then chốt trong chiến lược điều trị bệnh. Những bệnh nhân có nguy cơ cao như: Rối loạn nhịp tim nguy hiểm, rối loạn huyết động, đau ngực không kiểm soát được… cần phải được tiến hành chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu.

Về cơ bản, điều trị nhồi máu cơ tim bao gồm các điều trị cơ bản sau:

- Điều trị nội khoa: Đóng vai trò hỗ trợ, người bệnh được sử dụng các thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu, thuốc chống đông, giảm đau ngực. Trong trường hợp người bệnh nhập viện trong bệnh cảnh suy tim nặng, huyết động không ổn định, cần được hồi sức tim mạch bằng các liệu pháp chuyên sâu trước khi chụp và can thiệp động mạch vành

- Tái tưới máu cơ tim: Có 3 biện pháp tái tưới máu cơ tim cơ bản đó là dùng thuốc tiêu sợi huyết, đặt giá đỡ trong lòng động mạch vành (stent), phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành. Tùy điều kiện thực tế, đặc điểm bệnh nhân, đặc điểm tổn thương động mạch vành mà bác sĩ quyết định phương pháp tái tưới máu phù hợp. Tuy nhiên, với sự tiến bộ không ngừng của tim mạch can thiệp không chỉ ở kỹ thuật mà còn ở các thiết bị hỗ trợ; can thiệp động mạch vành qua da trong điều trị nhồi máu cơ tim ngày càng trở nên phổ biến với những ưu điểm như ít xâm lấn, thời gian can thiệp ngắn, thời gian nằm viện ngắn, ít biến chứng.

nmct6

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image