Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Bài 1: Một số thông tin thường thức về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong số những loại ung thư thường gặp nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, đây là loại ung thư đứng hàng thứ tư ở nước ta với hơn 17.900 người được chẩn đoán và hơn 14.600 người tử vong. Tuy nhiên tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm ở Việt Nam còn chưa cao. Bài viết này cung cấp một số kiến thức thường thức, cơ bản về ung thư dạ dày như các triệu chứng của bệnh, nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ, các xét nghiệm chẩn đoán bệnh từ đó mọi người có thể biết để đi khám, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

1. Các dấu hiệu, triệu chứng của ung thư dạ dày

- Ở giai đoạn sớm: ở giai đoạn này, bệnh thường khó phát hiện do triệu chứng không rõ ràng. Bệnh nhân thường được chẩn đoán sớm một cách tình cờ khi khám sức khỏe hoặc trong các chương trình tầm soát. Ở các quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, … việc tầm soát ung thư dạ dày nhờ nội soi dạ dày được thực hiện rộng rãi và đã giúp phát hiện được ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm và rất sớm nên đã cải thiện, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh này.

ttin thuong thuc ung thu da day

Hình 1: Bệnh ung thư dạ dày gây ra nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe nếu không được điều trị sớm

- Ở giai đoạn muộn: bệnh nhân ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng sau:

+ Đau bụng dai dẳng và sút cân là những triệu chứng thường gặp nhất khi được chẩn đoán. Đau bụng thường gặp ở vùng trên rốn, lúc đầu đau nhẹ, âm ỉ nhưng ở giai đoạn sau bệnh nhân đau nhiều hơn và liên tục. Bệnh nhân sút cân thường vì ăn kém do chán ăn, buồn nôn, đau bụng và thậm chí cả khó nuốt.

+ Khó nuốt: là triệu chứng có thể gặp nếu ung thư ở phần trên dạ dày và đoạn nối thực quản- dạ dày.

+ Buồn nôn hoặc cảm giác no sớm có thể gặp do khối u gây ra. Trong trường hợp ung thư dạ dày lan tỏa, những triệu chứng này xuất hiện do dạ dày mất khả năng co bóp. Triệu chứng này cũng có thể gây ra do tắc nghẽn con đường thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột non (được gọi là hẹp môn vị).

+ Thiếu máu do chảy máu dạ dày số lượng ít, kéo dài với biểu hiện có hồng cầu trong phân khi xét nghiệm không phải là hiếm gặp, trong khi đó chảy máu ồ ạt (gây nôn máu, đi ngoài phân đen) chỉ gặp ở khoảng dưới 20% các trường hợp.

+ Xuất hiện khối ở vùng bụng có thể sờ thấy được, mặc dù ít gặp, nhưng nếu có thì thường ở trường hợp bệnh đã phát triển từ lâu.

+ Bệnh nhân cũng có thể có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh khi đã di căn. Các vị trí di căn hay gặp nhất của ung thư dạ dày là di căn màng bụng (gây cổ chướng), di căn gan và di căn hạch. Ít gặp hơn là các trường hợp di căn buồng trứng, di căn xương, di căn phổi thậm chí di căn não,... Các triệu chứng này được phát hiện khi thăm khám lâm sàng và chụp chiếu, đánh giá toàn thân một cách đầy đủ.

+ Hiếm gặp hơn, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng do u xâm lấn qua các lớp của thành dạ dày gây thủng dạ dày hoặc thậm chí xâm lấn đến các cơ quan ở xung quanh như đại tràng và gây ra tắc ruột.

2. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của ung thư dạ dày

Một số yếu tố như chế độ ăn uống, lối sống, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và yếu tố di truyền đã được chứng minh có vai trò trong ung thư dạ dày.

- Thức ăn chứa nhiều muối, hay được bảo quản bằng muối (như các loại rau muối, thịt muối…) dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày và do đó khiến dạ dày càng dễ bị tổn thương bởi các tác nhân sinh ung thư.

- Vi khuẩn H. pylori: Các nghiên cứu cho thấy nhiễm H. pylori làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày. Nguyên nhân là do vi khuẩn này làm viêm niêm mạc dạ dày dẫn tới teo niêm mạc, dị sản ruột, loạn sản và có thể tiến triển thành ung thư. Điều trị diệt H. pylori cũng giúp làm giảm tỷ lệ tái phát ở ung thư dạ dày giai đoạn sớm sau điều trị. Ăn nhiều thức ăn ướp muối làm tăng nguy cơ nhiễm H. pylori dai dẳng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc đồng thời ăn chế độ ăn nhiều muối và nhiễm H. pylori sẽ càng làm tăng cao hơn nguy cơ ung thư dạ dày.

- Các hợp chất nitroso (hợp chất chứa nhóm-NO) trong một số loại thức ăn, khói thuốc lá cũng góp phần làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Các hợp chất N-nitroso còn được tạo ra do sự chuyển hóa nitrat có trong một số loại thực phẩm và chất chất phụ gia.

- Béo phì: nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vùng tâm vị của dạ dày.

- Hút thuốc lá: Một số nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp khoảng 1,5 lần người không hút thuốc lá. Nguy cơ này giảm dần sau khi cai thuốc 10 năm.

- Nhiễm virus Virus Epstein-Barr (EBV): Một số nghiên cứu (ở Hàn Quốc…) cho thấy có vai trò của loại virus này trong việc gây ra ung thư dạ dày. Sau đó nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh và ước tính có khoảng 5-10% các trường hợp ung thư dạ dày trên toàn thế giới có liên quan đến EBV.

- Yếu tố di truyền: Ung thư dạ dày có liên quan tới yếu tố gia đình xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp.

3. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nên đi khám ở đâu?

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu nghi ngờ nên đến khám ngay tại các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở chuyên khoa ung bướu để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

ttin thuong thuc ung thu da day1

Hình 2: Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân có nhu cầu có thể liên hệ phòng 100B tầng 1 nhà H (mũi tên màu vàng) để được tư vấn, khám, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị bệnh ung thư và tư vấn di truyền.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa lớn của cả nước với các chuyên gia hàng đầu về tiêu hóa và có nhiều trang thiết bị tiên tiến đồng bộ, trong đó có các hệ thống nội soi tiêu hóa hiện đại nên có thể khám và tiến hành nội soi, sinh thiết chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa. Đây là một địa chỉ đã và đang được người dân trên khắp cả nước tin tưởng đến khám.

Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm, cơ sở trang thiết bị hiện đại là một địa chỉ uy tín điều trị cho bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư dạ dày trong nhiều năm qua. Khi đến với trung tâm, bệnh nhân sẽ được đánh giá toàn diện để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cũng như được hội chẩn hội đồng đa chuyên khoa để nhận được phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image