Responsive Image

DetailController

Giới thiệu chuyên môn

Nguyên lý hoạt động của phương pháp kích thích điện một chiều xuyên sọ

Nguyên lý chung của các phương pháp kích thích não không xâm lấn là tác động nhằm tăng cường tính mềm dẻo của hệ thần kinh sau tổn thương não cấp và mạn tính. Các kỹ thuật kích thích não không xâm lấn bao gồm: kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS), kích thích điện một chiều xuyên sọ (tDCS); kích thích điện xoay chiều xuyên sọ và xung siêu âm xuyên sọ (TPU). Trong đó, kích thích từ trường xuyên sọ và kích thích điện một chiều xuyên sọ thường được ứng dụng trong phục hồi chức năng bệnh nhân sau đột quỵ. Trong bài này chúng tôi đề cập đến phương pháp tDCS.

1. Cơ sở sinh lý tDCS đến tế bào thần kinh

Vào những năm 1960, Bindman và cộng sự đã thực hiện các thí nghiệm tạo ra hiệu ứng phân cực kéo dài sau khi kích thích điện vào vỏ não của động vật, mở ra các nghiên cứu ứng dụng lâm sàng của kích thích điện. Sau đó, Priori và cộng sự phát triển một hướng tiếp cận mới về kích thích não không xâm lấn bằng cách dùng dòng điện một chiều yếu hay còn được biết đến là kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ (tDCS). Các hiệu ứng điện sinh lý còn được phát hiện kéo dài tới 90 phút và các hiệu ứng cảm biến và nhận thức lên đến 30 phút sau khi kích thích trong thời gian 20 - 30 phút.

dquy bai2

Cơ sở sinh lý của tDCS và đặc biệt là bằng chứng cho thấy tDCS điều chỉnh cường độ hoạt động của synap trong vỏ não vận động. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy sự phân cực của vỏ não có khả năng điều chỉnh mức độ kích thích vỏ não và tốc độ dẫn truyền của nơ-ron thần kinh và những tác động này có thể tồn tại lâu hơn thời gian kích thích trong vài giờ. Các nghiên cứu ở người cho thấy rằng tDCS điều chỉnh tính dễ bị kích thích ở vỏ não do biến đổi synap.

Dòng điện một chiều giúp tăng cường hoạt động của các kênh canxi và canxi điện áp để tạo ra sự khử cực màng tế bào của các cấu trúc tế bào thần kinh. Ảnh hưởng đến thụ thể methyl - D-aspartate (NMDA) và làm tăng nồng độ canxi sau synap. Tính dễ bị kích thích màng tăng cũng dẫn đến giảm mức độ hoạt động của một enzyme chịu trách nhiệm sản xuất axit gamma-aminobutyric (GABA), do đó làm giảm hoạt động của hệ GABA-ergic. Cả NMDA và GABA đều có tác dụng trung gian lâu dài liên quan đến tính dẻo của tế bào thần kinh. Độ dẻo thần kinh là khả năng của não để điều chỉnh chức năng của nó đối với các tình huống bất thường. Phục hồi chức năng của các mô thần kinh bị tổn thương bằng cách tổ chức lại và hình thành các kết nối mới giữa các tế bào thần kinh còn nguyên vẹn gây ra sự thay đổi kích hoạt thần kinh liên quan đến vận động vỏ não và xa hơn của cả hai bán cầu não. Kích thích độ dẻo có nghĩa là kích thích vùng thần kinh còn nguyên vẹn tối ưu hóa chức năng của nó để bù lại tế bào đã bị tổn thương. Sự gia tăng tính dễ bị kích thích là cơ sở giải thích kích thích điện một chiều cực dương có thể thúc đẩy phục hồi chức năng não trong khu vực mục tiêu. Ngược lại, kích thích điện một chiều cực âm làm giảm hoạt động của kênh natri và canxi, dẫn đến giảm hoạt động của thụ thể NMDA. Ngoài ra, hoạt động glutamine giảm dẫn đến ít tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh kích thích glutamate.

Như vậy tDCS như một liệu pháp phục hồi chức năng vận động sau đột quỵ liên quan đến việc đặt điện cực hoạt động (cực dương hoặc cực âm) lên vùng vỏ vận động mục tiêu với điện cực tham chiếu trên vùng hấp thụ đối bên (thường là vùng trên ổ mắt).

2. Kỹ thuật tDCS tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai

Phương pháp này đã được ứng dụng phối hợp trong chương trình phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ não nhiều năm nay. Một nghiên cứu trên bệnh nhân Nhồi máu não tại TT PHCN Bạch Mai năm 2019 cho thấy phục hồi chức năng chi trên kết hợp tDCS giúp cải thiện 14,4% chức năng chi trên theo thang điểm ARAT và tăng 38 điểm khả năng độc lập ADL theo thang điểm Barthel Index. Người bệnh nhồi máu não dưới 1 tháng hoặc tổn thương vùng vỏ não có xu hướng cải thiện chức năng chi trên và khả năng độc lập ADL tốt hơn nhóm còn lại. Ngoài ra, 90% trường hợp tiên lượng phục hồi chức năng chi trên có ý nghĩa lâm sàng nếu trước can thiệp tDCS người bệnh đã có cử động cổ tay.

Hiện nay, kỹ thuật tDCS đã được thông qua trong quy trình hướng dẫn kỹ thuật PHCN của Bộ Y tế và đang được xét duyệt thanh toán Bảo hiểm Y tế. Tại TT PHCN BV Bạch Mai hiện đưa tDCS phối hợp với chương trình tập luyện phục hồi chức năng thường quy cho người bệnh sau đột quỵ não có chỉ định và người bệnh chưa cần chi trả thêm chi phí cho kỹ thuật mới này.

Người bệnh có nhu cầu tư vấn và sử dụng kỹ thuật tDCS có thể đến khám và điều trị trực tiếp tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, 78 Giải Phóng, Hà Nội.

BS. Bùi Thị Hoài Thu - TT Phục hồi chức năng

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image