Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

NHỮNG TIẾN BỘ VÀ THÁCH THỨC TRONG ĐIỀU TRỊ  ĐA U TỦY XƯƠNG

ĐA U TỦY XƯƠNG LÀ BỆNH LÝ UNG THƯ MÁU DÒNG TƯƠNG BÀO, GÂY PHÁ HỦY TỦY XƯƠNG, TẠO THÀNH NHIỀU Ổ TIÊU XƯƠNG, GÂY GẪY XƯƠNG BỆNH LÝ, RỐI LOẠN CHỨC NĂNG NHIỀU CƠ QUAN TRONG CƠ THỂ NHƯ SUY THẬN, THIẾU MÁU, SUY GIẢM MIỄN DỊCH VÀ CÓ THỂ TỬ VONG.

Nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị căn bệnh nguy hiểm này, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Những thách thức trong điều trị đa u tủy xương”. Hội thảo quy tụ những chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực huyết học với 2 hình thức trực tiếp và trực tiếp đã nhận được sự quan tâm của các thầy thuốc, học viên trong chuyên ngành huyết học, ung thư.

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu đã nhấn mạnh: Đa u tủy xương là bệnh máu ác tính thuộc chuyên ngành huyết học, thời gian gần đây đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị. Tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện lớn đã áp dụng nhiều phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị tương đương với thế giới. Tuy nhiên, những thách thức vẫn luôn đặt ra cho các thầy thuốc trong những ca bệnh phức tạp, những nhóm bệnh nhân khác nhau. Hội thảo hôm nay nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Trung tâm Huyết học và Truyền máu - Bệnh viện Bạch Mai và cũng là nơi trao đổi, cập nhật những thông tin, kinh nghiệm, phương pháp tiến bộ nhất để điều trị căn bệnh ác tính về máu.

TS.BS Vũ Đức Bình - Phó Viện trưởng, Trưởng khoa Bệnh máu Tổng hợp, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã trình bày bài báo cáo “Tổng quan và các thách thức trong quản lý và điều trị đa u tủy xương ở Việt Nam”. Bệnh đa u tủy xương là bệnh lý ung thư huyết học phổ biến với tỷ lệ mắc mới hàng năm khoảng 34 ngàn ca, ước tính tử vong là trên 12 ngàn ca. Và dự đoán tới năm 2040, số trường hợp đa u tủy xương sẽ tăng gần gấp đôi. Đây là một bệnh ác tính không chữa khỏi, tuy nhiên với những tiến bộ trong y học, người bệnh có thể kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các yếu tố nguy cơ cao được xác định trong đa u tủy xương bao gồm: Các bất thường về di truyền tế báo, các yếu tố về mặt xét nghiệm, các đặc điểm lâm sàng (BN cao tuổi, xuất hiện các tế bào lơ xê mi dòng tương bào, xâm lấn của các u tương bào ngoài tủy), nguy cơ về mặt điều trị được xác định khi bắt đầu điều trị (Kháng trị nguyên phát, bệnh tiến triển nhanh trong vòng 18 tháng). Các bác sĩ cũng cần xác định các yếu tố liên quan tới người bệnh như: Khả năng di chuyển, bệnh kết hợp, khả năng nhận thức, các loại thuốc kết hợp, hỗ trợ xã hội, sức khỏe tâm lý, thể chất. Tác giả cũng đưa ra những hướng dẫn cho điều trị u đa tủy xương mới chẩn đoán trên hai nhóm bệnh nhân (Đủ điều kiện ghép tế bào gốc hoặc không đủ điều kiện ghép tế bào gốc). Với nhóm bệnh nhân không đủ điều kiện ghép tế bào gốc cần xem xét các yếu tố tuổi tác, các bệnh lý kết hợp như tim mạch, tăng huyết áp, suy thận, đái tháo đường, các bệnh lý về xương, sự chuyển hóa thuốc…Với bệnh nhân khỏe mạnh sử dụng phác đồ 3 thuốc tiêu chuẩn với liều lượng giảm có sẵn để cải thiện khả năng dung nạp: Daratumumab, Lenalidomide và Dexamethasone (DRD), Lenalodomide và Dexamethasone (VRd ). Với bệnh nhân ốm yếu cần cân nhắc bắt đầu bằng liệu pháp phối hợp: Lenalidomide và Dexamethasone (RD) và thêm tác nhân thứ 3 nếu có thể dung nạp. Với bệnh nhân giảm chức năng thận: Lenalidomide điều chỉnh dựa trên CrCl. Với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch thì tránh Carfizomib và sử dụng điều trị dự phòng dự phòng huyết khối bằng liệu pháp dựa trên Lenalidomide….

Về thách thức, điều trị u đa tủy xương là điều không thể tránh khỏi, bệnh nhân qua càng nhiều line điều trị thì tình trạng kháng thuốc càng phổ biến, mục tiêu đặt ra là kiểm soát bệnh, kéo dài thời gian sống thêm, cân bằng giữa hiệu quả và độc tính. Điều cần lưu ý là điều trị không tối ưu từ đầu làm tăng chi phí sau này và giảm thời gian sống. Tại Việt Nam, thuốc điều trị đa u tủy xương gồm các nhóm điều hòa miễn dịch, ức chế Proteasome, Anthracylin, Alkyl, Stroid, Kháng thể đơn dòng, Ức chế BCL-2.

TS.BS Hàn Viết Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai trình bày báo cáo “Vai trò và ứng dụng đánh giá bệnh tồn dư tối thiểu trong u đa tủy xương”. Theo báo cáo, đa u tủy xương là bệnh ung thư máu phổ biến thứ 2 sau U Lympho. Tại Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng các line thuốc điều trị chính là hóa chất cổ điển, các thuốc IMDs, các chất ức chế proteasome, các kháng thể đơn dòng, Car-T Cell, mục tiêu là đạt được sự lui bệnh. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân sẽ tái phát, một trong những lý do là sự tồn tại “Bệnh tồn lưu tối thiểu” (Minima Residual disease viết tắt là MRD).

Việc đánh giá MRD giúp ước lượng chính xác khối lượng tế bào ác tính còn sót lại, đánh giá mức độ đáp ứng điều trị tiên lượng tái phát giúp các bác sĩ lâm sàng đưa ra quyết định chọn chiến lược điều trị. Các phương pháp đánh giá MRD dựa vào đếm tế bào dòng chảy: MFC (Multiparameter Flow cytometry), sinh học phân tử (NGS,ASO,PCR) và chẩn đoán hình ảnh: Chụp cộng hưởng từ (MRI ), Chụp ghi hình cắt lớp positron (PET/CT). Qua theo dõi những bệnh nhân điều trị đa u tủy xương ở Bệnh viện Bạch Mai, BS. Trung cho biết có đến 90% bệnh nhân đáp ứng với phác đồ đầu tay và việc xác định yếu tố tồn dư tối thiểu luôn được quan tâm để áp dụng những liệu trình điều trị phù hợp và hiệu quả.

TS.BS Nguyễn Thanh Bình - Bệnh viện TƯ Quân Đội 108 có bài báo cáo “Kinh nghiệm quản lý và điều trị đa u tủy xương tại Bệnh viện TƯ Quân đội” đã đưa ra những ca lâm sàng với những phân tích các phác đồ điều trị dựa trên những hướng dẫn của Bộ Y tế mới nhất. Bên cạnh đó là những chú ý về quản lý nhiễm trùng, huyết khối, tương tác và tính gây quái thai. BS Bình đưa ra nhận định: Bệnh nhân mới chẩn đoán và có đủ điều kiện ghép tế bào gốc tự thân có xu hướng dịch chuyển sang điều trị bước đầu 4 thuốc trong tương lai bao gồm Daratumumab phối hợp với các phác đồ kinh điển như: Bortezomib, Thalidomide và Dexamethasone (VTD), Bortezomib Cyclophosphamide và Dexamethasone (VCD)  hay Bortezomib, Lenalidomide và Dexamethasone (VRD) để đáp ứng sâu hơn. Ghép tế bào gốc tự thân vẫn đóng vai trò quan trọng giúp kéo dài PFS. Việc lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cần được đánh giá trên từng cá thể bệnh nhân bao gồm thể trạng, các phác đồ đã điều trị, các nhóm thuốc hiện có và điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Quản lý tốt các tác dụng không mong muốn và điều trị hỗ trợ đóng vai trò quan trọng nâng cao QoL và hiệu quả điều trị. Hiện nay, mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức khi điều trị bệnh nhân tái phát và kháng trị thuốc.

Qua hình thức trực tuyến, hội thảo đã theo dõi thuyết trình và cùng thảo luận sôi nổi với GS.TS Hermann Einsele - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ung thư máu của Cộng hòa Liên Bang Đức. Nhiều câu hỏi về các nhóm thuốc điều trị, tái phát sau điều trị thuốc hoặc tái phát sau ghép tế bào, bệnh nhân kháng thuốc tiên phát hoặc thứ phát được tập trung thảo luận.

Thời gian gần đây, những tiến bộ y học với 2 phương pháp chính dùng các loại thuốc điều hòa miễn dịch, thuốc chống viêm và thuốc chống hủy xương phối hợp, Ghép tế bào gốc kết hợp với thuốc, xạ trị và phẫu thuật điều trị hỗ trợ (nếu cần) đã giúp cải thiện thời gian sống còn và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân đa u tủy xương. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là chưa có phương pháp nào có thể làm khỏi bệnh hoàn toàn và việc tái phát là gần như sẽ xảy ra. Điều mấu chốt là bác sĩ đưa ra phương án điều trị tốt nhất phù hợp từng giai đoạn bệnh và phối hợp tối ưu ngay từ đầu trên từng cá thể người bệnh. Các liệu pháp miễn dịch ngày càng đóng vai trò trung tâm trong điều trị đa u tủy xương và trở thành các liệu pháp chăm sóc cơ bản. Với những phương pháp tiên tiến nhất áp dụng vào thực tế, căn bệnh đa u tủy xương tuy rằng khó điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có xu hướng dần thuộc về nhóm mạn tính.

                                      Bài: Thùy Dương, Ảnh: Thế Anh  

        

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image