Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

STRESS – SÁT THỦ THẦM LẶNG

images

Thấy mệt mỏi, cảm giác có bệnh mà đi khám khắp nơi, uống đủ loại thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm. Khó ngủ, mất ngủ, tinh thần uể oải, suy giảm trí nhớ, mất hứng thú với công việc, với gia đình và với cuộc sống… Làm thế nào để lấy lại tinh thần, để ngủ ngon và tìm ra căn nguyên của bệnh?

Vái tứ phương nhưng không tìm ra bệnh

Gần 40 tuổi, là mẹ của 2 con, nhìn bề ngoài, chị Nguyễn Thúy Hồng hoàn toàn bình thường như bao người phụ nữ khác: Trang phục, đầu tóc gọn gàng, giao tiếp mạch lạc, tư duy rõ ràng. Ít ai ngờ, chị Thúy Hồng đang điều trị rối loạn dạng cơ thể tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Khoảng 4 năm trước, sau một thời gian lo lắng, căng thẳng do cuộc sống gia đình, chị Thúy Hồng có cảm giác đau đầu ở vị trí 2 bên thái dương và lan tỏa ra khắp đầu. Cơn đau đầu kèm theo triệu chứng khó ngủ, ngủ không sâu giấc khiến chị Hồng thường bị rơi vào trạng thái hồi hộp, vã mồ hôi, tức ngực và mắc chứng dạ dày trào ngược… Những triệu chứng thực thể khiến chị Hồng không còn hứng thú trong công việc, giảm sự quan tâm đến con cái và không thiết vận động, giảm hứng thú với việc ăn uống và trí nhớ suy giảm rõ rệt. Chị Hồng đi khám bệnh ở khắp nơi, từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh rồi lên bệnh viện tuyến trung ương, ai mách thuốc gì thì uống thuốc đó nhưng bệnh không thuyên giảm. Bản thân tiền sử sức khỏe của chị Hồng hoàn toàn bình thường, không mắc các bệnh nội khoa mạn tính, không sử dụng các chất gây nghiện và gia tộc nội ngoại 3 đời không ai mắc bệnh lý tâm thần hay động kinh…

Bệnh đến từ áp lực cuộc sống

Gia đình đưa chị lên Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, qua các bài test đánh giá, bác sĩ nhận định chị Hồng bị mắc stress (+++) dạng cơ thể. Vậy stress là gì? TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các bệnh liên quan Stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Stress là một thuật ngữ tiếng Anh dùng trong vật lý để chỉ một sức nén mà vật liệu phải chịu đựng. Hiện nay stress là một thuật ngữ được dùng rộng rãi. Tuy nhiên nhiều tác giả sử dụng với những sắc thái khác nhau. Theo Hans Selye “ stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể với những tình huống căng thẳng”. Theo J. Delay “ stress là một trạng thái căng thẳng cấp diễn của cơ thể buộc phải huy động các khả năng phòng vệ để đối phó với tình huống đang đe dọa”. Theo TS. Minh Tâm: Khái niệm chung về stress bao gồm hai khía cạnh:

  • Tình huống stress: chỉ tác nhân xâm phạm hay kích thích gây ra stress: những tác nhân vật lý, hóa học, tâm lý, xã hội
  • Đáp ứng stress: dùng để chỉ trạng thái phản ứng với stress: phản ứng sinh lý và phản ứng tâm lý

Trong điều kiện bình thường, stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý. Stress đặt chủ thể vào quá trình dàn xếp thích ứng, tạo ra một cân bằng mới cho cơ thể sau khi chịu những tác động của môi trường. Nói cách khác, phản ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể thích nghi. Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra được một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, hành vi sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài

          Với trường hợp của bệnh nhân Thúy Hồng, do áp lực cuộc sống dẫn đến cơ thể mất cân bằng và mắc chứng rối loạn dạng cơ thể.

     Căn nguyên của stress

          TS. Minh Tâm cho biết: có hai thể stress. Một là Stress bệnh lý cấp tính xuất hiện từ một tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể như: người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm… Khi đó, người bệnh có sự hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể. Thứ hai là stress Bệnh nguyên, bệnh sinh phát sinh từ sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân

Một người bình thường mắc hội chứng stress khi đột ngột mất người thân, tổn hại kinh tế nặng nề hoặc có những stress không mạnh nhưng trường diễn, lặp đi lặp lại nhiều lần gây nhiều căng thẳng nội tâm. Stress xuất hiện có thể do một stress duy nhất hoặc do nhiều sang chấn kết hợp với nhau gây ra. Nó có thể xuất hiện ngay sau khi bị stress (phản ứng stress cấp) hoặc sau một thời gian “ngấm” stress (rối loạn sự thích ứng).

TS. Tâm nhấn mạnh: Stress có thể là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh nhưng cũng có thể chỉ là yếu tố thúc đẩy một bệnh sẵn có phát sinh. Tính chất gây bệnh của stress còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của chủ thể bị stress, stress càng bất ngờ càng dễ gây bệnh

images

Làm thế nào để ứng phó với stress

Stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh. Với người có nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.

Một cơ thể khoẻ mạnh, một môi trường tích cực sẽ hỗ trợ tốt cho nhân các Vì vậy. TS.BS. Dương Minh Tâm đưa ra lời khuyên cho chúng ta là cần có một cơ thể khỏe mạnh. Mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện….  

  • Tên nhân vật đã được thay đổi

Đỗ Hằng

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image