Gần đây, trên mạng xã hội và nhóm các bệnh nhân ung thư lan
truyền thông tin việc dùng lá đu đủ phơi khô, nấu nước uống có thể chữa khỏi bệnh
ung thư đang làm nhiều người bán tín bán nghi. Bên cạnh lá đu đủ thì linh chi, mật
gấu, sừng tê giác, xạ đen… cũng được cho rằng có thể chữa được ung thư. Nhiều bệnh
nhân đã rời bệnh viện về nhà học công thức làm thuốc và tự chữa bệnh cho mình.
Lá đu đủ - “thần hiệu” chữa bệnh ung thư?
Theo TS.BS Lê Chính Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt
nhân & Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, bài thuốc dùng lá đu đủ để điều trị
ung thư được dịch từ một bài báo nước ngoài nói về một người Úc tên là Stan
Sheldon bị ung thư phổi trầm trọng (năm 1962).
Ông đã được một thổ dân Australia tiết lộ phương thuốc cổ truyền của họ
là dùng lá đu đủ sắc nước uống. Ông Stan Sheldon uống liên tục trong 2 tháng
thì phổi trong trở lại, sức khỏe bình phục. Thông tin về bài thuốc này đã lan
truyền nhanh chóng đến Việt Nam nhưng sau đó cũng nhanh chóng rơi vào quên
lãng, không có bất cứ công trình nào nghiên cứu, công bố thêm về bài thuốc bí
truyền này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận lại rầm rộ nhắc đến
bài thuốc “lá đu đủ chữa ung thư” khi có thông tin GS Nguyễn Xuân Hiền, 93 tuổi,
nguyên Chủ nhiệm khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giới thiệu
đang sở hữu công thức bài thuốc và muốn cơ quan chức năng nghiên cứu để công bố
rộng rãi cho người dân. Được biết ông đã hướng dẫn cho gần 300 người sử dụng. Kết
quả nhiều bệnh nhân đỡ một phần, đỡ hoàn toàn hoặc kéo dài thêm sự sống.
Trong suốt 2 năm nghiên cứu, ứng dụng từ năm 2005-2007, GS
Nguyễn Xuân Hiền đã hướng dẫn cho 12 bệnh nhân và kết quả cho thấy: 4 trường hợp
(3 u phổi, 1 chửa trứng) uống trên 5-6 tháng thì sức khỏe ổn định, lên cân, u
thu nhỏ, hết hạch cổ, đỡ ho, đau; 3 trường hợp u phổi khác uống được hơn 2-3
tháng thì u nhỏ đi, sức khỏe tốt hơn; 1 trường hợp bị u phổi khác uống được 2
tháng, bệnh tiếp tục tiến triển, đau, ho nhiều; 3 trường hợp chết (1 u phổi, 1
u dạ dày, 1 u gan) chỉ uống chưa được 2 tháng sau đó chuyển thuốc Đông y khác;
1 trường hợp u đại tràng di căn chỉ uống chưa được 2 tháng, kết quả không mấy
tiến triển.
TS. Nguyễn Văn Nhường, Trưởng khoa Đông y – Bệnh viện Bạch
Mai cho biết đã từng nghiên cứu một số tài liệu về việc dùng lá đu đủ điều trị
ung thư. Nhưng các thử nghiệm này thường được áp dụng trên động vật như chuột,
thỏ… Hiện vẫn chưa có cuộc thử nghiệm chính thức nào trên cơ thể con người được
công bố. Trong thành phần chính của lá đu đủ có một chất gọi là Papain, chất
này có khả năng phá hủy các protein giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa nguồn chất đạm
này trong dạ dày. Ngoài ra, chất Papain này còn có khả năng trung hòa các độc tố,
do côn trùng cắn, tăng cường hệ miễn dịch chống lại dị ứng thức ăn và sự phát
triển các khối u. Với đặc tính dược lý thì hy vọng lá đu đủ có thể kết hợp với
các phương pháp điều trị truyền thống cũng như các loại thảo dược khác góp phần
hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, cho tới nay nước sắc lá đu đủ
chữa ung thư vẫn chưa được khoa học công nhận, vì thế rất khó biết nó có tác dụng
thực sự hay không, nếu có thì ở chừng mực nào và các phản ứng phụ có thể xảy
ra?
Chưa có cơ sở khoa học
Về lý thuyết, bất kỳ một loại thuốc nào đưa ra thị trường phải
tiến hành theo 3 bước (pha) chuẩn. Bước 1, nghiên cứu thử nghiệm trong phòng
thí nghiệm và trên động vật. Bước 2, sau khi có kết quả thử nghiệm trên động vật,
thuốc đó sẽ được tiến hành thử nghiệm trên người tình nguyện theo dõi trong thời
gian 5 năm. Bước 3, sau khi thuốc được hội đồng thẩm định đánh giá có hiệu quả,
đơn vị đứng ra nghiên cứu mới xin đăng ký bản quyền và đưa ra thị trường. Như vậy,
để có mặt một loại thuốc mới rõ ràng phải mất một thời gian tương đối dài, qua
nhiều khâu kiểm duyệt chặt chẽ. Vì thế, việc cho rằng nước sắc lá đu đủ chữa được
ung thư chỉ là cảm tính không dựa trên y học thực chứng.
Hơn nữa, theo các bác sĩ ở Bệnh viện K, Viện Dược liệu và Hội
Đông y Việt Nam đề tài nghiên cứu về tác dụng chữa ung thư của bài thuốc lá đu
đủ đã được triển khai cách đây mấy năm nhưng đều thất bại. Và đến thời điểm
này, chúng ta chưa có công bố chính thức nào. Hiệu quả của nó vẫn chỉ dừng lại ở
mức độ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian và theo các tài liệu không chính thức
được công bố lẻ tẻ.
Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều bước
tiến vượt bậc. Ngoài phẫu thuật, hóa chất, xạ trị còn có nhiều loại thuốc đáp ứng
điều trị rất tốt. Nhiều người chỉ truyền hóa chất, khối u đã gần như hết hẳn.
Theo lời khuyên của TS.BS Lê Chính Đại khi có dấu hiệu bất thường, người dân
nên đi khám ở bệnh viện, nếu có phát hiện ra ung thư thì nên điều trị theo Tây
y. Mặc dù ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu phát hiện và điều trị sớm thì
nhiều loại ung thư có khả năng khỏi bệnh tới 90%.
Mai Thanh