Niềm hy vọng sống từ sự kỳ diệu của y học
Theo tìm hiểu của PV, tại Việt Nam, một số bệnh viện đã có thể ứng dụng thành công kỹ thuật tiến bộ, mới nhất trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt và ung thư gan, làm tăng thêm cơ hội sống và chất lượng sống cho bệnh nhân. Đó là kỹ thuật cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt và nút mạch u gan bằng hạt vi cầu phóng xạ...
Ngồi lặng lẽ trước cửa phòng chờ bác sỹ điều trị đọc kết quả tái khám, bà Nguyễn Thị M., mẹ của bệnh nhân K.H. (32 tuổi) đang bị ung thư phổi tại trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) không giấu được nước mắt khi chúng tôi hỏi thăm tình hình bệnh tật của con trai bà. “Nó còn trẻ. Mới phát hiện ung thư phổi được 5 tháng nhưng ung thư đã di căn vào xương rồi cô ạ! Trước mặt nó, tôi không dám khóc nhưng thương con vô hạn! Tại sao căn bệnh tử thần lại rơi vào con tôi khi tương lai còn đang chờ nó ở phía trước?”. Tuyệt vọng là tâm trạng chung của bản thân người bị ung thư và người nhà của họ. Tuy nhiên, những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt mà tôi từng được gặp là những người may mắn đã có thể kéo dài cuộc sống nhờ áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị bệnh này.
Bệnh nhân Nguyễn Đình L., 80 tuổi, Hà Nội, một trong hai bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng kỹ thuật này chia sẻ: “Một năm trước tôi có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn, sau khi xét nghiệm tại bệnh viện 108, phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, tôi được chỉ định mổ mở. Nhưng do tuổi cao nên tôi đã không đồng ý. Hiện nay sức khỏe tôi đã hoàn toàn bình thường, thậm chí tôi còn cảm thấy mình khỏe hơn trước”. Bệnh nhân Trần Tự H., 63 tuổi, Hà Nội, người thứ hai được áp dụng kỹ thuật này tâm sự: “Tôi không ngờ quá trình bình phục lại nhanh tới vậy, chỉ sau 1 ngày tôi đã về nhà và sinh hoạt bình thường. Thật sự, phương pháp cấy hạt phóng xạ đã mở ra tia hy vọng sống cho những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt phát hiện sớm”.
Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ngày càng cao và tỉ lệ tử vong cũng rất cao. Theo dữ liệu Globocan 2012, hàng năm ước tính có khoảng 1.275 ca mắc mới nhưng có tới 872 ca tử vong. Ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 10 về tỷ lệ mắc.
Thạc sỹ, bác sỹ Vương Ngọc Dương, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt là phương pháp xạ trị đưa các hạt phóng xạ I-125 kích thước nhỏ 4,5x0,8 mm, phát tia gamma năng lượng thấp, vào trong tổ chức khối u, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ mà không hoặc ảnh hưởng rất ít tới mô lành xung quanh. Nghiên cứu Peter Grim và cộng sự trên 220.000 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt năm 2003 cho thấy sau điều trị xạ trị áp sát với Pd-103 và I-125: Tỉ lệ chất chỉ điểm khối u PSA (chỉ điểm ung thư tuyến tiền liệt trong máu) không tăng trong 9 năm là 83,5%-87%. Tỉ lệ kiểm soát bệnh tại chỗ là 97%. Tỉ lệ sống thêm không bệnh là 97%. Cấy hạt phóng xạ là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, tăng thời gian sống thêm, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm. Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam đã triển khai thành công kỹ thuật cấy hạt phóng xạ I-125 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt”. Theo bác sỹ Dương, hiện tại hai bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng kỹ thuật mới trên sức khoẻ ổn định. Bệnh viện cũng đang tiếp tục có kế hoạch ứng dụng kỹ thuật cho một số bệnh nhân mới.
Giải mã bệnh nhân ung thư gan kéo dài sự sống kỳ lạ
Theo tìm hiểu của PV, bệnh nhân ung thư gan đầu tiên được ứng dụng kỹ thuật này là ông N.V.H. (68 tuổi, Hà Nam). Ông H. được điều trị ung thư gan bằng kỹ thuật nút mạch u gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 vào tháng 12/2013. Trước khi điều trị, bệnh nhân luôn trong tình trạng mỏi mệt, đau tức hạ sườn phải, chán ăn, sút cân không rõ nguyên nhân. Khi đến bệnh viện, kết quả siêu âm cho thấy, bệnh nhân có khối u tại gan với kích thước 62x58mm, nồng độ AFP (chỉ điểm ung thư gan trong máu) là 29,36ng/ml. Người bình thường nồng độ AFP nhỏ hơn 4ng/ml.
Sau khi điều trị bằng kỹ thuật nút mạch u gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90, 6 tháng sau kết quả các chỉ số vô cùng khả quan. Bệnh nhân hết mệt mỏi, đau tức, tăng được 2kg. U gan nhỏ lại với kích thước là 30x20mm, nồng độ AFP còn 3,1ng/ml. Định kỳ, ông H. vẫn đến trung tâm để kiểm tra sức khoẻ và kết quả rất khả quan.
Bác sỹ Trần Hải Bình (trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Xạ trị là phương pháp hiệu quả để phá huỷ mô của khối u và được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư. Xạ trị truyền thống (là tia xạ được chiếu từ bên ngoài cơ thể vào) chỉ đưa đến được một số ít vùng cơ thể và gan chỉ dung nạp được liều xạ trị nhỏ từ bên ngoài cơ thể. Kỹ thuật nút mạch u gan bằng hạt vi cầu phóng xạ là xạ trị chiếu trong chọn lọc, nhằm trúng đích vào khối u. Nó có thể đưa trực tiếp vào khối u liều xạ lớn hơn và tác dụng trong thời gian dài hơn. Kỹ thuật trên được áp dụng với bệnh nhân ung thư gan ở giai đoạn trung gian và tiến triển”.
Theo tìm hiểu của PV, các bác sỹ sẽ đưa một ống mềm nhỏ từ động mạch đùi vào động mạch gan. Các hạt vi cầu phóng xạ được truyền qua ống vào gan. Thời gian thực hiện thủ thuật có thể kéo dài khoảng 45 – 90 phút. Bệnh nhân được xuất viện ngay ngày hôm sau.
Thực tế, nhiều trường hợp bệnh nhân phát hiện ung thư gan tử vong chỉ sau một vài tháng thậm chí vài tuần. Chính vì thế, kết quả khả quan của bệnh nhân điều trị ung thư gan bằng kỹ thuật nút mạch u gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 đầu tiên tăng thêm hy vọng cứu sống người bệnh và tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh sau điều trị ung thư.
|
Nguồn nguoiduatin.vn