Gọi tổng đàiĐặt lịch khám
Bệnh viện Bạch MaiNgày đăng: 04/04/2025Tác giả: Nguyên Hà - Thế Anh

Theo dõi Glucose máu liên tục, bước tiến mới trong điều trị đái tháo đường

04/04/2025
3391 lượt xem
Bài viết chuyên môn

Kiểm soát đường máu cho bệnh nhân đái tháo đường, nhất là làm thế nào để theo dõi thường xuyên rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến kết quả điều trị, duy trì chất lượng cuộc sống người bệnh.

Những cập nhật mới trong theo dõi đường máu

Tại Hội thảo khoa học Triển khai theo dõi Glucose máu liên tục cho bệnh nhân đái tháo đường” do Bệnh viện Bạch Mai vừa tổ chức, nhiều thông tin, kiến thức cập nhật, kỹ thuật mới về kiểm soát đường máu đã được các chuyên gia, bác sĩ chia sẻ.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: Đái tháo đường là bệnh lý không lây nhiễm phổ biến, gây ra những gánh nặng bệnh tật nặng nề cho cộng đồng cùng nhiều biến chứng nguy hiểm. Việt Nam có tỷ lệ người mắc đái tháo đường cao, đứng hàng thứ 17 trên thế giới.

Khoa học phát triển, công nghệ hiện đại đã mang lại nhiều sự thuận tiện, lợi ích cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Việc áp dụng những kỹ thuật mới trong thực tế điều trị tại các cơ sở y tế nói chung và Bệnh viện Bạch Mai nói riêng là một bước đột phá. Để đạt được kết quả điều trị bệnh đái tháo đường tốt nhất, Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới.

“Với những chia sẻ, cập nhật kiến thức, những kinh nghiệm điều trị thực tiễn trên ca lâm sàng cụ thể của các chuyên gia, bác sĩ Khoa Nội tiết - Đái tháo đường trong hội thảo, hi vọng mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các bác sĩ, đồng nghiệp, cán bộ y tế hoạt động trong ngành, thúc đẩy chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng tốt hơn”, PGS Vũ Văn Giáp chia sẻ.

Theo đó, các chuyên gia đã chia sẻ hai nội dung quan trọng là (1) Hướng dẫn triển khai theo dõi Glucose máy liên tục của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam; và (2) Thực tế triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai với ca lâm sàng cụ thể.

Trong hướng dẫn điều trị của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2025, Kỹ thuật đo glucose máu liên tục (CGM) và Insulin Pump được đánh giá là những bước tiến lớn trong quản lý, điều trị bệnh nhân đáo tháo đường. Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế chấp thuận quy trình kỹ thuật và cho phép triển khai kỹ thuật sử dụng đo Glucose máu liên tục (CGM), Insulin Pump và kết hợp CGM với Insulin Pump. Trên cơ sở đó, Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam đã đưa ra một quy trình hướng dẫn sử dụng với các bệnh viện, cơ sở y tế và cả bệnh nhân để thực hiện kỹ thuật này đạt hiệu quả cao nhất.

Với bệnh nhân đái tháo đường, glucose máu thường dao động liên tục trong một ngày và có nguy cơ bị hạ glucose máu. Theo Hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế năm 2020, bệnh nhân đái tháo đường được yêu cầu đo từ 2-6 lần glucose máu/ngày, đặc biệt là những bệnh nhân phải tiêm insulin nhiều mũi, đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, khi thử nhiều như vậy vẫn không thể phản ánh được hết, chính xác dữ liệu glucose máu của người bệnh cả ngày. Và việc đo glucose máu mao mạch đầu ngón tay có rất nhiều bất lợi, không phát hiện được thời điểm hạ glucose máu và bệnh nhân thường không quen, sợ nên không đo đủ số lần quy định trong ngày. Thêm vào đó, hạ glucose máu thường xảy ra vào ban đêm, có thể gây nhiều biến chứng nặng, thậm chí là đột tử.

Kỹ thuật đo Glucose máu liên tục (CGM – Continuos Glucose Monitoring) mang lại nhiều lợi ích

Theo dõi Glucose máu liên tục (CGM là) một thiết bị dùng để đo glucose máu người bệnh vài phút 1 lần liên tục trong 24 giờ/ngày, cả ngày lẫn đêm. Cảm biến có kích thuớc nhỏ gắn vào da người bệnh, thường là ở mặt sau cánh tay hoặc vùng bụng.

“CGM có lợi ích rất lớn trong kiểm soát Glucose máu hiệu quả và an toàn ở các bệnh nhân đái tháo đường trong thời gian dài. Hiểu xu hướng Glucose máu để người bệnh có thể quản lý việc ăn uống, tập thể dục thể thao và dùng thuốc tốt hơn, mà lại không cần thử máu đầu ngón tay, tránh căng thẳng và đau đớn”, TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

TS. BS Bảy cũng nhấn mạnh “Có thể chỉ định CGM cho hầu hết các bệnh nhân đái tháo đường typ 1 và typ 2,  đái tháo đường thai kỳ. Các thông số chính cần quan tâm: Thời gian gắn, số lần quét hàng ngày và đặc biệt quan trọng là các mục tiêu thời gian glucose máu nằm trong khoảng mục tiêu (TIR), thời gian glucose máu thấp hơn mục tiêu (TBR), thời gian glucose máu cao hơn mục tiêu (TAR) và dao động glucose máu. Vấn đề kết nối giữa bác sỹ và bệnh nhân khi sử dụng CGM là cực kỳ quan trọng. Các bác sĩ cần biết phân tích các thông số glucose máu trên CGM để điều chỉnh phác đồ điều trị. Các bệnh nhân đeo CGM cần được hướng dẫn cách sử dụng để tối ưu hóa các lợi ích của CGM”.

Từ thực tế điều trị ca bệnh lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai, BSCKII. Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường cũng chỉ ra: “CGM với nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ kiểm soát đường máu ở người bệnh đái tháo đường, linh hoạt hơn và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh đái tháo đường. Các hiệp hội đều đồng thuận khuyến cáo sử dụng cho nhiều đối tượng người bệnh đái tháo đường, đặc biệt người bệnh đái tháo đường typ 1, typ 2, đái tháo đường ở phụ nữ có thai tiêm nhiều mũi Insulin, người bệnh có đường máu dao động, hay hạ đường máu Cần có sự hỗ trợ, đào tạo và tương tác với người bệnh để mang lại hiệu quả tối ưu khi sử dụng CGM.

Đặc biệt, bác sĩ Thảo cũng giới thiệu quy tình sử dụng CGM tại Bệnh viện Bạch Mai và minh họa một ca lâm sàng điều trị thành công bệnh đái tháo đường mang thai nhờ sử dụng CGM, đã mang thêm góc nhìn thực tế, kiến thức tham khảo hữu ích cho các bác sĩ, đồng nghiệp, những người cùng làm nghề.

Chương trình thu hút được sự quan tâm chú ý, tham gia của đông đảo các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế, những người hoạt động trong lĩnh vực y dưới hai hình thực trực tiếp và trực tuyến.


Banner 1Banner 2