Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

“HIỆU QUẢ KIỂM SOÁT HbA1c VÀ TÁC DỤNG PHỤ CỦA THUỐC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2 TRÊN BỆNH NHÂN”

Đó là chủ đề Chương trình đào tạo liên tục do Khoa Nội tiết & Đái tháo đường và Trung tâm Đào tạo chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 14/11 - hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Đái tháo đường Thế giới 2023.


 

Đây cũng là hoạt động mở đầu cho chuỗi chương trình đào tạo ABCDE về lựa chọn thuốc điều trị đái tháo đường typ 2, dự kiến tổ chức mỗi tháng 1 buổi từ tháng 11/ 2023 đến tháng 4/2024, trực tiếp tại Trung tâm đào tạo, BV Bạch Mai và trực tuyến tới 10 bệnh viện khác.

Chủ đề B dự kiến ngày 21/12/2023 sẽ là: Kiểm soát huyết áp và cá thể hóa cân nặng ở bệnh nhân đái tháo đường như thế nào?

Chủ đề C dự kiến 11/01/2024 sẽ là: Kiểm soát biến chứng và bệnh đồng mắc trên người bệnh đái tháo đường.

Chủ đề D dự kiến ngày 14/3/2024 sẽ là: Tăng tuân thủ dài hạn ở người bệnh đái tháo đường: Tại sao và như thế nào?

Chủ đề E dự kiến ngày 25/4/2024 sẽ là: Lựa chọn điều trị phù hợp cho người bệnh đái tháo đường ở các nước đang phát triển.

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THẾ GIỚI

 


 

Phát biểu khai mạc chương trình, TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết & Đái Tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Ngày Đái tháo đường thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991 đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922. Từ đó, hàng năm, IDF và WHO lấy ngày 14/11 hưởng ứng ngày đái tháo đường thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường, các biến chứng.

Đái tháo đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhược cơ quan.

Đái tháo đường được nhiều người biết đến ở dạng đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Ở Việt Nam, số người bị tiền đái tháo đường cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều người bị đái tháo đường nhưng không hề biết mình mắc bệnh, cho tới khi xuất hiện các biến chứng nặng trên tim, mắt, thận, thần kinh...

Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều. Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, có thể gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc...

KIỂM SOÁT HbA1c TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Trong bài trình bày “Kiểm soát HbA1c cho người bệnh đái tháo đường Việt Nam” của ThS.BS Nguyễn Trang Nhung - Khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ cho biết: Mục tiêu đặt ra trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường là kiểm soát HbA1c < 7%, tuy nhiên hiện chỉ có 30% bệnh nhân đái tháo đường đạt mục tiêu HbA1c. Nghiên cứu cũng cho thấy chi phí điều trị sẽ tăng khi chỉ số HbA1c tăng.


 

Bác sĩ Nhung nhấn mạnh: Kiểm soát đường huyết vẫn là mục tiêu quan trọng trong điều trị đái tháo đường bao gồm: HbA1c, dao động đường huyết và Times in Range (TIR). Bác sĩ Nhung cũng khuyến cáo nên kiểm soát đường huyết tích cực sớm ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 bằng phối hợp thuốc sớm, phù hợp, giảm nguy cơ thất bại thứ phát do diễn tiến tự nhiên của bệnh đái tháo đường. Với nhóm thuốc Sulfonylureas thế hệ mới sẽ mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhanh, chi phí thấp phù hợp trên đối tượng bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 châu Á.

Người ta vẫn nói, viên thuốc là con dao 2 lưỡi, đồng xu hai mặt, có mặt tốt và mặt xấu. Vậy bên cạnh hiệu quả kiểm soát đường huyết thì tác dụng phụ của các thuốc đái tháo đường đã được nghiên cứu và đánh giá như thế nào đã được BSCKII. Bùi Phương Thảo - Phó trưởng Khoa Nội tiết & Đái tháo đường trả lời trong bài báo cáo chủ đề: “Tác dụng phụ của các thuốc đái tháo đường: Lý thuyết và thực tế”.

 


 

Theo BS Thảo: Tác dụng phụ của thuốc là những tác dụng mà chúng ta không lường trước được, bệnh nhân bắt đầu sử dụng thì chúng ta mới biết tác dụng phụ là gì. Nó có thể xảy ra khi chúng ta cho bệnh nhân dùng đúng liều thông thường chứ không phải là do quá liều hay không. Và nó liên quan đến đặc tính của thuốc bên cạnh các đặc tính tốt của thuốc mà chúng ta đã đưa ra. Các tác dụng phụ mà chúng ta hay gặp trên nhóm thuốc Metformin là Tiêu chảy, nhiễm toan acid lactic, khó tiêu trong khi các triệu chứng hạ đường huyết, tăng cân là các tác dụng phụ hay gặp trên nhóm thuốc Sulfonylureas….

Nhóm thuốc Sulfonylureas… có tác dụng hạ đường huyết bằng cách kích thích tụy bài tiết insulin đồng thời làm tăng nhạy cảm insulin tại mô đích; bên cạnh đó lợi ích trong giảm các biến chứng trên mạch máu nhỏ ở bệnh nhân đái tháo đường cũng đã được chứng minh. Các hoạt chất được sử dụng rộng rãi như Gliclazide, Gliclazide MR, Glimepiride, …

Tuy nhiên vì tác dụng theo cơ chế kích thích tụy bài tiết insulin không phụ thuộc nồng độ glucose máu nên tác dụng phụ phổ biến của nhóm thuốc này là gây biến chứng hạ đường huyết, với các biểu hiện như đói, vã mồ hồi, run tay chân, lơ mơ, hôn mê thậm chí có thể dẫn đến tử vong; đặc biệt khi dùng các thuốc có thời gian bán hủy kéo dài và trên bệnh nhân mắc bệnh suy gan, suy thận, cao tuổi,…Để làm giảm nguy cơ này, cần dùng thuốc ở liều thấp tăng dần cho đến liều bằng ½ liều tối đa cho phép.

Insulin là thuốc các tác dụng hạ đường huyết ở dạng tiêm, được chỉ định ở bệnh nhân đái tháo đường typ1, đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường type 2 chưa kiểm soát với thuốc viên. Tác dụng phụ thường gặp và cần chú ý nhất khi chỉ định thuốc đó là nguy cơ hạ đường huyết cao. Bệnh nhân được chỉ định tiêm insulin cần ăn uống đủ bữa, điều độ cũng như điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận để tránh nguy cơ hạ đường huyết. Bên cạnh đó thuốc còn có thể gây tăng cân, dị ứng insulin, loạn dưỡng mô mỡ vùng tiêm làm teo hoặc phì đại mô mỡ vùng tiêm, bệnh nhân cần được hướng dẫn thay đổi vùng tiêm để hạn chế loạn dưỡng mô mỡ tại vị trí tiêm.

Hiện nay có nhiều nhóm thuốc với cả dạng viên uống và dạng tiêm được sử dụng rộng rãi trong điều trị đái tháo đường. Việc lựa chọn thuốc điều trị cần phải cá nhân hóa cụ thể từng bệnh nhân, không những dựa trển hiệu quả giảm glucose máu mà còn trên các lợi ích thận, tim mạch nói chung đồng thời là những thuốc không có hoặc có ít tác dụng phụ cũng như chi phí hợp lí để bệnh nhân có thể tuân thủ điều trị lâu dài.

Mai Thanh - Thành Dương

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image