Gọi tổng đàiĐặt lịch khám
Bệnh viện Bạch MaiNgày đăng: 22/09/2023

“VAI TRÒ CỦA THUỐC BẢO VỆ TẾ BÀO NÃO CHO BỆNH NHÂN ĐỘT QUỴ”

22/09/2023
987 lượt xem
Bài viết chuyên môn
Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học và đào tạo liên tục diễn ra chiều ngày 21 tháng 9 năm 2023 tại Bệnh viện Bạch Mai với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện TW Quân Đội 108 và Singapore.

Hội thảo là một cơ hội tốt để các nhà khoa học, các y bác sĩ, nhân viên y tế và người bệnh có thêm những thông tin bổ ích, góc nhìn mới giúp cho việc điều trị bệnh nhân đột quỵ được tốt hơn.


 

ĐỘT QUỴ LÀ NGUYÊN NHÂN GÂY TỬ VONG THỨ BA Ở VIỆT NAM SAU BỆNH TIM VÀ UNG THƯ

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chủ tọa hội thảo đã nhấn mạnh: “Đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp xảy ra khi một phần của não bị thiếu máu hoặc chảy máu, dẫn đến tổn thương các tế bào thần kinh và mất chức năng của não. Đột quỵ có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: Liệt, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, mất cảm giác, tàn phế, suy giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng, hôn mê và tử vong”.

Đề phòng và điều trị đột quỵ cần phải xác định và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, hút thuốc lá, béo phì, thiếu vận động và stress. Ngoài ra, cần nhanh chóng chẩn đoán và cấp cứu đột quỵ trong vòng 4 đến 5h đầu tiên kể từ khi xuất hiện các triệu chứng như: Yếu đột ngột cánh tay, chân hoặc tê yếu toàn thân; Liệt mặt đột ngột, giảm thị lực đột ngột; Rối loạn ngôn ngữ; Mất cảm giác bộ phận trên cơ thể; Chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu, nôn ói... Chẩn đoán và cấp cứu đột quỵ trong khoảng thời gian vàng để giảm tổn thương não và cải thiện khả năng phục hồi.


 

ĐỘT QUỴ CẦN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ TRONG THỜI GIAN VÀNG VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SỚM

Các báo cáo trong hội thảo đều nhấn mạnh đến thời gian vàng để chẩn đoán, cấp cứu và điều trị đột quỵ và vai trò của việc điều trị kết hợp phục hồi chức năng sớm để bệnh nhân có thể nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong quá trình điều trị, ngoài các biện pháp cơ bản như hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng và phòng ngừa biến chứng, cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ tế bào thần kinh để giúp cải thiện chức năng não bộ, khắc phục di chứng, kết hợp với phục hồi chức năng để đưa bệnh nhân về với cuộc sống một cách tốt nhất có thể.

Tham luận của TS.BS Nguyễn Văn Tuyến - Viện trưởng Viện Thần kinh và CNK Đột quỵ não, Bệnh viện TƯ Quân Đội 108 đã cập nhật những tiến bộ trong điều trị bệnh nhân đột quỵ não. Qua các ca lâm sàng nhồi máu não cấp và chảy máu nhu mô não, TS.BS Tuyến đã trao đổi kinh nghiệm và quan điểm dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, việc tái thông trong thời gian vàng và ngoài thời gian vàng, điều trị bắc cầu, phẫu thuật mở sọ giải áp với MNM diện rộng ác tính, các khuyến cáo kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân xuất huyết não cấp, theo dõi áp lực nội sọ không xâm lấn và các kỹ thuật liên quan đến chẩn đoán hình ảnh... BS Tuyến đi đến kết luận: Phẫu thuật mở sọ sớm trong vòng 48h ở bệnh nhân nhồi máu não giúp giảm tỷ lệ tử vong và thời gian nằm viện; Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật dẫn lưu kết hợp thuốc tiêu sợi huyết khối trong điều trị chảy máu não cấp là xu thế mới cho thấy những kết quả khả quan; Theo dõi áp lực nội sọ không xâm lấn bằng siêu âm ở các bệnh nhân đột quỵ não nặng rất có ý nghĩa trong thực hành lâm sàng.


 

Báo cáo “Tăng tính mềm dẻo thần kinh trong phục hồi chức năng đột quỵ” của PGS.TS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng đưa ra những quan điểm mới về khoa học thần kinh trong phục hồi chức năng đối với người đột quỵ qua nhiều tham khảo tài liệu khoa học của quốc tế và qua chính thực tiễn nghiên cứu của ông. Qua hai thập niên gần đây, khoa học đã nhận ra rằng tính mềm dẻo thần kinh là khả năng thay đổi các mạng lưới thần kinh trong não thông qua sự tăng trưởng và tái tổ chức các neuron (cả cấu trúc và chức năng) tạo ra các kết nối thần kinh mới nhằm thích nghi với sự thay đổi môi trường. Tính mềm dẻo của hệ thần kinh sau đột quỵ não tương thích với quá trình học tập kỹ năng vận động, bao gồm những thay đổi đi kèm: Hồi phục, sửa chữa, thích nghi và bù trừ. Từ đó PGS Khanh đưa ra những phương pháp tăng cường tập luyện cho bệnh nhân sau đột quỵ: Tập luyện trong môi trường giàu tương tác, lặp đi lặp lại với cường độ cao, các kỹ thuật kích thích não không xâm lấn và điều trị bằng thuốc bảo vệ tế bào não. Những phương pháp trên cần thực hiện ngay trong những giai đoạn sớm để sự hồi phục được tốt.

Tham luận của BS Narayanaswamy Venketasubramani - Trung tâm Khoa học Thần kinh Rafles Centre, Singapore đã phân tích tác dụng của một số loại thuốc bảo vệ tế bào não thế hệ mới trên cơ sở tổng hợp phân tích qua những nghiên cứu khoa học và qua thực tế. Thuốc bảo vệ tế bào thần kinh là những thuốc có khả năng bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi bị hư hại do thiếu máu hoặc chảy máu, cải thiện chuyển hóa và tuần hoàn não, kích thích sự phát triển và tái tạo tế bào thần kinh và các mạch máu mới, cân bằng các chất truyền thần kinh và chống oxy hóa. Có nhiều loại thuốc bảo vệ tế bào thần kinh được sử dụng trong điều trị đột quỵ như Citicoline, Piracetam, Vinpocetinne, Edaravonne,Cerebrolysin, Ginkgo biloba và Neuroaid. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng khi kết hợp các thuốc bảo vệ tế bào thần kinh với điều trị thường quy có thể cải thiện kết quả điều trị giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân đột quỵ.

Thùy Dương - Thế Anh

    

   

   


Banner 1Banner 2