Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

30 phút tư vấn trực tuyến về dị ứng

Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tư vấn về phòng ngừa và khắc phục tình trạng dị ứng.
Xin chào bác sĩ.

Tôi có một cháu gái 5 tuổi và một cháu trai 1 tuổi. Cứ khi nào thay đổi thời tiết, giao mùa là hai cháu hay bị hắt hơi, sổ mũi, khó thở, ban đêm phải dậy 2, 3 lần. Tôi có nhỏ nước muối sinh lý 0,9% 2-3 ngày thì thấy đỡ dần. Tôi cũng thường xuyên rửa tay cho các cháu, vệ sinh nhà cửa hàng ngày, chỗ ở thông thoáng. Xin hỏi bác sĩ cách phòng ngừa và khắc phục tình trạng này. Xin chân thành cảm ơn!
Nguyen thi thu trang, 35 tuổi, khuong trung - thanh xuan - ha noi 

Bác sĩ Bùi Văn Khánh: 

Theo như thông tin chị cung cấp, tôi nghĩ nhiều khả năng hai con bị mắc chứng bệnh viêm mũi dị ứng. Đây là chứng bệnh hay gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nếu không được chẩn đoán và điều trị dự phòng đúng cách con có nguy cơ tiến triển thành bệnh hen phế quản.

Việc đầu tiên bây giờ cần làm là chị đưa con đến Trung tâm dị ứng để được khám và làm xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng cho các con.

Khi tìm được nguyên nhân gây ra dị ứng rồi bác sĩ sẽ tư vấn chị cách tránh các nguyên nhân đó. Một trong số nguyên nhân hay gặp nhất ở việt nam chính là do dị nguyên bụi nhà. Chị có thể vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, giặt chăn, ga, gối đệm thường xuyên hơn.

Hiện trung tâm dị ứng đã và đang triển khai việc điều trị giải mẫn cảm đặc hiệu với một số nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng, đặc biệt ở bệnh nhân có hen phế quản và cho kết quả điều trị rất tốt. 

Bác sĩ cho em xin hỏi, lúc nhỏ em bị dị ứng với nhiều loại thức ăn như tôm cua cá bột mì. Một thời gian sau em không còn dị ứng với những thức ăn đó nữa ngoại trừ dị ứng với bột mì. Mỗi lần ăn thức ăn có bột mì đều bị nổi mề đay khắp người tới nay vẫn còn. Bác sĩ có cách nào chữa trị giúp em với. Chân thành cảm ơn bác sĩ. 

Le Thanh Duy, 29 tuổi, 24/6f. Hưng Lân. Bà Điểm. Hóc Môn .Tp HCM

Bác sĩ Khánh: 

Theo như em nói thì có vẻ như em dị ứng với nhiều loại thức ăn, và giờ hiện bị dị ứng bột mỳ. Dị ứng bột mỳ là một loại dị ứng khá đặc biệt ở Việt Nam, nó ít gặp và người bệnh biết ít thông tin về nó và khá nguy hiểm vì điều này.

Thông thường dị ứng với bột mỳ liên quan mật thiết với các hoạt động thể lực, nghĩa là sau khi ăn bột mỳ trong vòng dưới 4 tiếng nếu em có cac hoạt động thể lực như đi bộ, chạy, chơi thể thao có thể gây ra các phản ứng nhẹ nhu ban đỏ, ngứa, nặng hơn nhu sốc phản vệ và có thể đe doạ tới tính mạng. Trong trường hợp của em, em nên đến Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai hoặc các cơ sở khác có chuyên khoa dị ứng để được chẩn đoán xác định, sau đó bác sĩ sẽ đưa ra chiến lược điều trị và cách phòng cho em.

Trước mắt khi em chưa qua khám và chẩn đoán được thì em nên tránh ăn những thức ăn có chứa bột mỳ và không tham gia các hoạt động thể lực sau khi ăn, đặc biệt nếu thức ăn nghi ngờ có chưa bột mỳ.

Tôi bị ngứa toàn thân, nổi mẩn từng mảng khi gãi vào là nổi cục. Xin bác sĩ tư vấn uống loại thuốc gì và bôi thuốc gì để khỏi bệnh.  Cảm ơn bác sĩ!
Lý Thị Hồng Hạnh, 42 tuổi, Công ty Cp Bia Thanh Hóa

Bác sĩ Khánh:: 

Những biểu hiện của chị rất thường gặp trong thực tế. Hàng ngày Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có hàng chục bệnh nhân như chị. Theo những thông tin chị cung cấp có thể chị mắc chứng bệnh mày đay. Chứng bệnh này khá thường gặp, ít ai trong số chúng ta chưa một lần bị trong đời. Tuy nhiên nếu bệnh kéo dài trên 6 tuần thì được chẩn đoán là mày đay mạn tính và khi đó bệnh thực sự gây phiền phức cho bệnh nhân.

Để có thể biết nên bôi hay uống loại thuốc gì chị cần đi khám trực tiếp để bác sĩ có thể đưa ra chỉ định điều trị cụ thể sau khi hỏi bệnh, thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân. Chị nên đến các trung tâm y tế có chuyên khoa dị ứng hoặc da liễu để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Xin hỏi bác sĩ cháu nhà em sinh năm 2007, cháu hay bị sẩn ngứa ở đùi và môi. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm da cơ địa và cho thuốc uống và hôi nhưng chỉ đỡ và không khỏi hẳn. Xin hỏi bác sĩ có cách nào tìm đúng căn nguyên của bệnh để đề phòng không ạ?

Tran Thi Quynh Hoa, 46 tuổi, thịnh quang

Bác sĩ Khánh:: 

Cám ơn chị Hoa đã đặt câu hỏi mà nhiều người muốn hỏi. Theo như thông tin chị cung cấp thì con chị có thể bị viêm da cơ địa hay viêm da dị ứng, đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi.

Đây là bệnh kéo dài, một số trẻ sẽ tự hết khi lớn, vấn đề lớn nhất của trẻ là ngứa, đôi khi gãi chảy máu và gây nhiễm trùng để lại sẹo trên da, điều quan trọng là bố mẹ phải học cách và hướng dẫn trẻ lớn cách chăm sóc và bảo vệ da. Vì đây là bệnh không chữa khỏi mà chỉ có thể kiểm soát được bệnh nên bệnh nhân và cha mẹ cần biết cách chăm sóc bảo vệ da và đưa con đi khám khi tổn thương da nặng lên, cũng như tránh các yếu tố khởi phát bệnh như một số loại thức ăn.

Về câu hỏi nguyên nhân thực sự của bệnh thì cho đến nay các nhà khoa học chưa thực sự tìm ra nguyên nhân gây bệnh nhưng nhiều giả thuyết được đưa ra và chứng minh vai trò của yếu tố gene tương tác với yếu tố môi trường gây ra bệnh.

Chào Bác sĩ và Vnexpress, tôi năm nay 31 tuổi, tôi phát hiện mình bị viêm gan B cách nay 5 năm, tôi vẫn kiểm tra định kỳ. Hiện tôi vẫn chưa được chỉ định điều trị đặc hiệu dù định lượng virus của tôi là 10 mũ 9 (bác sĩ khám cho tôi giải thích rằng chức năng gan của tôi vẫn tốt, men gan và siêu âm hỉnh ảnh cho kết quả tốt).  Tôi không thường hay bị dị ứng ngoài da, nhưng gần tuần nay tôi bị mẩn ngứa khắp người, đặc biệt sau tắm và bị nhiều tại vùng lưng, vùng tiếp xúc với quần áo chật, cổ - vai - gáy. Nóng và ngứa thật khó chịu, xin được bác sĩ tư vấn, trân trọng cảm ơn!

Hoàng Anh, 31 tuổi

Bác sĩ Khánh: 

Chào Hoàng Anh. Viêm gan B được coi là một trong nhiều nguyên nhân gây bệnh mày đay mạn tính. Nguyên nhân này đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài. Ngoài ra, bạn có thể có các nguyên nhân khác gây dị ứng mà mình chưa xác định được, có thể nó cùng tồn tại với tình trạng viêm gan B

Trong trường hợp Hoang Anh, em nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa dị ứng hoặc da liễu để được khám và theo dõi điều trị. 

Tôi bi tóc bạc sớm, nhưng mỗi lần nhuộm tóc dù là thuốc nhuộm tóc nào da đầu tôi đều bị nổi mụn và ngứa rất nhiều. Tôi biết đó là do dị ứng thuốc nhuộm. Bác sĩ có cách nào giúp tôi giải quyết vấn đề này được không, vì còn trẻ nên tôi không thể không nhuộm.

Luong Thi Mai, 50/7 vo van kiet p. ntb QI. TPHCM

Bác sĩ Khánh: 

Đây là vấn đề nhiều người gặp phải khi làm đẹp, và sau mỗi lần làm đẹp như vậy đều rất lo lắng, tuy nhiên hiện nay tại Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lầm sàng, Bệnh viện Bạch Mai đã có cách giúp bạn trong vấn đề này. Bạn có thể mua nhiều loại thuốc  nhuộm tóc khác nhau của các hãng khác nhau và phải cùng một màu bác định nhuộm và mang số thuốc này đến Trung tâm để làm xét nghiệm, sau khi làm xét nghiệm sẽ tìm ra được thuốc nhuộm phù hợp với bác.

Trong trường hợp đặc biệt bạn dị ứng với nhiều loại thuốc nhuộm thì bạn cũng có thể điều trị để giảm mẫn cảm với thuốc nhuộm tóc và bạn hoàn toàn yên tâm để làm đẹp.

Chào bác sĩ, tôi đang sống ở xứ lạnh, cứ mỗi khi cuối mùa đông, đầu xuân tôi lại hay bị dị ứng như mắt ngứa, chảy mũi, đau cổ họng. Xin hỏi bác sĩ làm cách nào để tránh tình trạng dị ứng này. Xin cảm ơn. 

Ngo kim, 45 tuổi

Bác sĩ Khánh: 

Chào bác Kim, theo thông tin bác cung cấp có thể bác mắc chứng bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa. Có thể mùa xuân ở nơi bác sống có nhiều loại hoa và chính phấn hoa được phân tán trong không khí khi bác hít phải là yếu tố gây nên các biểu hiện như của bác.

Bác nên đi khám và xác định nguyên nhân, ỏ các nước phát triển luôn có các chế phẩm về phấn hoa để xác định nguyên nhân dị ứng với phấn hoa. Nếu mực độ nhẹ bác có thể được chỉ định một số loại thuốc dùng tại mũi hoặc uống, nếu nặng hơn bác sẽ được điều trị giải mẫn cảm đặc hiệu với các loại dị nguyên này

Ngoài ra bác có thể chủ động phòng tránh bằng cách tránh mũi hít phải các phấn hoa này, như dùng khẩu trang khi ra ngoài đường, đóng kín cửa khi trong nhà...

Chào bác sĩ, nhờ bác sĩ tư vấn giúp em, em đang bị dị ứng mặt, ngứa và hơi sưng, em đã mua uống 2 liều thuốc mà vẫn không khỏi. Thỉnh thoảng em hay bị, nhờ bác sĩ tư vấn giúp để em có thể tránh được gì ứng và cách điều trị mà không phải dùng thuốc. Em cám ơn ah. E Thủy.

Nguyễn thị Thanh Thủy, 30 tuổi, a19, Khu villa Mỹ Mỹ, Phường An Phú, Q2

Bác sĩ Khánh: 

Trong trường hợp này, bạn nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa dị ứng hoặc da liễu để được khám và xác định nguyên nhân gây dị ứng. Khi xác định được nguyên nhân thì có thể tư vấn giúp em cách phóng tránh. Cảm ơn em

Tôi rất hay bị dị ứng, nhưng không xác định là bị dị ứng thức ăn hay mỹ phẩm. Tôi đi kiểm tra thì bác sĩ kết luận dị ứng cơ địa, hay nổi mề đay. Khi gãi nó hiện lên các vết dài màu đỏ và sau khoảng 5 phút không gãi nữa thì khỏi. Tôi đã uống thuốc tây, thuốc tiêu độc nhưng không thấy chấm dứt. Xin bác sĩ cho lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn!

Đỗ Thanh Nhiễu, 45 tuổi, Hà nội

Bác sĩ Khánh: 

Theo thông tin bác Nhiễu cung cấp, có thể bác mắc chứng bệnh mày đay mạn tính. Bệnh này có nhiều nguyên nhân, nhưng có tới 50% các trường hợp không tìm được nguyên nhân. Hiện nay có nhiều hướng dẫn điều trị căn bệnh này trên thế giới. Tại Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi đang áp dụng hướng dẫn điều trị của Hội Dị ứng thế giới kết hợp với Hội Dị ứng Mỹ và đem lại hiệu quả điều trị rất cao cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, tuy nhiên tôi cũng xin nhấn mạnh, mày đay mạn tính là bệnh khó điều trị, đòi hỏi bệnh nhân và bác sĩ điều trị phải phối hợp chặt chẽ để hiệu quả điều trị được tốt nhất.

Thời gian tư vấn đến đây là hết, xin cảm ơn và xin chào. 

Theo vnexpress.net 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image