Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Bệnh lupus ban đỏ cướp đi nữ võ sĩ Hà Giang nguy hiểm thế nào

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn, thường gặp ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh đẻ, dễ nhầm lẫn bệnh khác và không thể điều trị dứt điểm.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, Trưởng khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cho biết,bệnh dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác nên khi có tổn thương cơ quan nghi ngờ như khớp, máu, huyết học..., ít người nghĩ đến lupus để tầm soát. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay có thể điều trị dứt điểm lupus mà chỉ có thể kiểm soát để hạn chế tái phát. Nếu khống chế tốt, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bình thường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ như vi khuẩn, virus... Ở người mắc lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch không giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ gây bệnh mà quay ra chống lại cơ thể bằng cách sinh các kháng thể kháng lại tế bào của hầu hết cơ quan.

hoang-ha-giang-mac-lupus-ban-d-9765-4939-1449558499.jpg

Sau 7 năm chạy chữa bệnh lupus ban đỏ và vật lộn với chấn thương từ tai nạn giao thông năm 2013, cô gái vàng taewondo Hoàng Hà Giang đã qua đời vào tối 7/12 ở tuổi 24.

Theo bác sĩ Trường, phần lớn bệnh nhân khám lupus ban đỏ có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ, đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt, ban đỏ hình cánh bướm (ở hai gò má, bắc cầu qua cánh mũi) nhưng không ngứa... Những trường hợp này nếu không tìm đến đúng cơ sở khám chuyên khoa sẽ dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác. Nhiều người từng bị điều trị oan cả năm, thậm chí vài năm các bệnh khác như dị ứng, thấp khớp, bệnh mắt, thận... 

Nguyên nhân gây bệnh chính thức không được biết rõ. Người ta cho rằng lupus ban đỏ hệ thống được gây ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là các yếu tố:

- Di truyền: Anh chị em ruột của bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người thường.

- Môi trường: Do nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hóa chất, ánh nắng mặt trời…

- Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới. 

Tình trạng bệnh nặng nhẹ còn phụ thuộc vào cơ địa và mức độ mẫn cảm của cơ thể người bệnh. Có những bệnh nhân chỉ cần duy trì thuốc là sức khỏe ổn định, vẫn sinh con, sống cuộc sống bình thường, đạt tuổi thọ cao. Có những người vừa phát hiện bệnh là đã ở giai đoạn nặng, khó cứu chữa, tiên lượng xấu. Tuy nhiên đa số trường hợp phát hiện sớm, điều trị kịp thời vẫn mang lại nhiều cơ hội điều trị, giúp bệnh nhân duy trì sức khỏe tốt hơn.

Người bệnh cần có một cuộc sống lành mạnh, năng vận động, ít sang chấn tâm lý. Tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời thường khởi phát hoặc làm nặng các đợt cấp của bệnh nên cần được tránh tiếp xúc tối đa. Việc ngừng đột ngột các thuốc, đặc biệt corticosteroid cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các đợt cấp của bệnh và do đó cũng cần được tránh. 

Nguồn vnexpress.net 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image