Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bệnh viện vệ tinh - Bộ mặt mới cho y tế địa phương

Hiện nay, mô hình bệnh viện vệ tinh đã và đang được triển khai tại có hiệu quả ở nhiều địa phương. Đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, chuyển giao các gói kỹ thuật từ bệnh viện tuyến Trung ương đến các bệnh viện tuyến tỉnh để từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến dưới.

radiovietnam_benh_vien_ve_tinh_5.jpg 

Năm 2005, bà Đỗ Thị Hà ở phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai phải sang Trung Quốc để chữa trị bệnh về khớp - một căn bệnh khá đơn giản nhưng khi đó bệnh viện tỉnh Lào Cai chưa thể chữa trị hiệu quả. Năm 2007, bà Hà được bệnh viện tỉnh giới thiệu về Hà Nội điều trị bệnh suy thận tại Bệnh viện Bạch Mai vì ở Lào Cai chưa thực hiện kỹ thuật mổ cầu tay nối động mạch quay với tĩnh mạch để chạy thận nhân tạo. 

Sau đó vài năm, Bệnh viện Đa khoa Lào Cai được các bệnh viện Bạch Mai,Việt Đức chuyển giao kỹ thuật theo đề án bệnh viện vệ tinh, bà Hà được chuyển về quê điều trị vì lúc này Bệnh viện tỉnh thực hiện được nhiều kỹ thuật khó. 

Bà Đỗ Thị Hà nói: “Trước đây chưa có sự chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh thì trình độ y, bác sĩ ở Lào Cai chưa cao nên nhiều người dân chúng tôi có bệnh thì sang Trung Quốc điều trị. Người Việt điều trị tại bệnh viện Trung Quốc rất đông. Sau đó, tỉnh mời bệnh viện Trung ương về chuyển giao công nghệ và nâng cao tay nghề nên bệnh nhân chúng tôi điều trị tại bệnh viện tỉnh. Chúng tôi mong việc chuyển giao công nghệ ngày một tốt hơn…”

Bác sĩ Hoàng Văn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lào Cai cho biết, từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện được Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao nhiều kỹ thuật khó như mổ nổi soi, nối cầu tay, chạy thận nhân tạo và cấp cứu nội khoa tim mạch... Tiếp đó, từ năm 2013, được Bệnh viện Việt Đức chuyển giao phẫu thuật ổ bụng, tim mạch lồng ngực, tiết niệu, thần kinh, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức và nội soi can thiệp. Đến nay, Bệnh viện Lào Cai đã làm chủ các kỹ thuật hiện đại như tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng, gây mê hồi sức khi mổ cho bệnh nhân đa chấn thương và phẫu thuật thành công máu tụ trong não.

Bác sĩ Hoàng Văn Hiếu cho biết: “Ngày trước cứ phải chuyển bệnh nhân về tuyến Trung ương nhưng sau khi là bệnh viện vệ tinh, được đi đào tạo, được chuyển giao bài bản, chúng tôi đã rất tự tin thực hiện các kỹ thuật hiệu quả, tạo niềm tin người bệnh ở lại yên tâm điều trị tại bệnh viện nên tỷ lệ chuyển tuyến giảm rất nhiều”.

Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trước đây, trong lĩnh vực ngoại khoa, Lào Cai là tỉnh dẫn đầu về tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến Trung ương. Điều này không chỉ hạn chế cơ hội sống của người bệnh vì phải vận chuyển một quãng đường xa hàng trăm km, mà còn gây khó khăn, tốn kém cho người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Do vậy, khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Đức nghĩ ngay đến Bệnh viện Đa khoa Lào Cai. Sau gần 3 năm thực hiện, đến nay tỷ lệ chuyển bệnh nhân lên tuyến Trung ương ở Lào Cai giảm rõ rệt. Đối với các kỹ thuật khó như phẫu thuật chấn thương mạch máu ngoại vi, chỉ còn 20% bệnh nhân phải chuyển tuyến thay vì 100% như trước kia. 

Giáo sư Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Bệnh viện Việt Đức đã chuyển giao cho Bệnh viện Lào Cai 13 kỹ thuật, trong đó có những kỹ thuật rất hiện đại, kỹ thuật sử dụng máy bằng sóng laze để tán các viên sỏi trong đường tiết niệu cho người bệnh mà trước đây phải mổ một đường rất lớn để lấy một viên sỏi rất bé. Bây giờ chỉ sau 15 phút tán sỏi, bệnh nhân hoàn toàn khỏi bệnh. Ngoài ra còn có các kỹ thuật khó khác như mổ máu tụ trong não cũng đã được chuyển giao, kỹ thuật gây mê hồi sức đối với bệnh nhân đa chấn thương, nếu không được hồi sức tốt thì tỷ lệ tử bệnh nhân tử vong rất cao. Bây giờ các đồng nghiệp ở bệnh viện Lào Cai đã làm chủ được kỹ thuật này”.

Từ khi Bệnh viện Lào Cai thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, số tiền phân bổ từ Quỹ bảo hiểm y tế của tỉnh cũng chi hết cho bệnh nhân, không phải trả lại Trung ương hàng trăm tỷ đồng như những năm trước đây. 

Bà Đàm Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết, đầu những năm 2000 trở về trước khi chưa thực hiện đề án bệnh viện vệ tỉnh, ngành y tế Lào Cai nhiều lần bị “giải trình” trước lãnh đạo tỉnh về việc người dân phải sang Trung Quốc chữa bệnh, có tuần Sở Y tế phải ký giấy xác nhận 3 trường hợp cán bộ tỉnh đi chữa bệnh ở nước ngoài. 

Bà Liên cho rằng, bệnh viện vệ tinh như chiếc phao cứu sinh đối với Sở Y tế Lào Cai trước những khó khăn vừa nêu. Giờ đây tỷ lệ người dân Lào Cai sang Trung Quốc chữa bệnh đã giảm hơn 90%: “Đối với các bệnh viện huyện, mặc dù không phải là bệnh viện vệ tinh nhưng cũng được Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức giúp đỡ, trong đó có các huyện nghèo như Xi Ma Cai, Bắc Hà được chuyển giao phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh. Chúng tôi đã được Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Sản Nhi của tỉnh là vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Nhi Trung ương. Một huyện nghèo nữa là Mường Khương được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận làm vệ tinh”.

Bệnh viện Đa khoa Lào Cai đang tập trung đầu tư các thiết bị y tế để tiếp nhận các gói kỹ thuật của 2 chuyên ngành tim mạch và ung thư mà Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao đến năm 2020. Đây là 1 trong số 53 bệnh viện tuyến tỉnh ở 38 tỉnh, thành phố là bệnh viện vệ tinh của 15 bệnh viện hạt nhân tuyến Trung ương. 

Làm chủ các kỹ thuật được chuyển giao, 37,5% số bệnh viện vệ tinh trong cả nước đã có xu hướng giảm tỷ lệ chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. Từ kết quả đáng ghi nhận này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình ra tất cả các địa phương để trong năm nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều có bệnh viện vệ tinh. 

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 25 tỉnh chưa thực hiện được do thiếu nhân lực cũng như cơ sở, vật chất, trang thiết bị y tế. Vì vậy, mục tiêu vừa nêu đang là thách thức lớn đối với ngành y tế, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp chính quyền đầu tư hơn nữa cho các cơ sở y tế địa phương. 

Nguồn radiovietnam.vn 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image