Trước đây, căn bệnh này được điều trị bằng phẫu thuật theo kỹ thuật BROOK và BROOK cải tiến, thả miếng thịt tự thân vào động mạch cảnh trong hy vọng bịt tắc lỗ thông động tĩnh mạch. Tuy nhiên kỹ thuật này có tỷ lệ thành công không cao lắm (60% - 70%) và nhiều trường hợp tắc động mạch cảnh trong, hay có biến chứng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nhiều trường hợp đã mổ tắc động mạch cảnh trong nhưng bệnh không khỏi, mắt vẫn bị lồi như cũ.
Để nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện cuộc sống cho bệnh nhân, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai đã nghiên cứu và ứng dụng phương pháp nút mạch để điều trị căn bệnh này.áPG.TS Phạm Minh Thông cho biết: Hiện nay, trên thế giới không sử dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh lý này mà sử dụng phương pháp nút mạch. Theo động mạch đùi, chúng tôi đưa ống thông lên động mạch cảnh trong, sau đó đưa bóng bằng Latex hay Silicon vào xoang hang và bơm bóng bằng thuốc cản quang có kiểm tra bằng chụp mạch số hoá (DSA) đến khi lỗ thông tắc hoàn toàn thì rút ống thông siêu nhỏ và để lại bóng bịt tắc lỗ thông; một số trường hợp được bít lỗ thông bằng vòng xoắn kim loại (coils).
PGS.TS Minh Thông cho biết: Kỹ thuật nút mạch đã được ứng dụng tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai từ năm 1999, đến nay đã điều trị khỏi cho hàng trăm bệnh nhân và không có biến chứng. Bệnh viện Bạch Mai đã phổ biến kỹ thuật này cho Bệnh viện 108, Bệnh viện Việt - Pháp, Bệnh viện Đại học Y dược và Bệnh viện 115...
Đỗ Hằng
TTĐT - CĐT