Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

CHỌC HÚT DIỆT NANG TUYẾN VÚ DƯỚI HƯỚNG DẪN SIÊU ÂM

Chọc hút diệt nang tuyến vú là phương pháp sử dụng kim chọc hút lấy bệnh phẩm tại nang tuyến vú dưới hướng dẫn của siêu âm, sau đó tiêm cồn hoặc chất gây xơ để điều trị. Đây là phương pháp ít xâm lấn và tỷ lệ tái phát thấp.

BSCKII. Lưu Hồng Nhung, Trưởng nhóm X.quang vú, Trung tâm Điện quang - Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ một số thông tin nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ về về kỹ thuật này.

Hiệu quả của kỹ thuật chọc hút diệt nang tuyến vú so với các kỹ thuật khác?

- Trước đây có nhiều phương pháp điều trị tổn thương nang lành tính như mổ bóc bỏ nang, chọc hút nang đơn thuần.

Mổ bóc bỏ nang: là phương pháp xâm phạm nhiều nhu mô vú, để lại sẹo xấu và thời gian nằm viện dài hơn.

Chọc hút nang đơn thuần: tỷ lệ tái phát cao chiếm tới trên 80%.

- Điều trị diệt nang vú bằng các phương pháp can thiệp tối thiểu như tiêm cồn hoặc các chất gây xơ hóa sau chọc hút nang là phương pháp ít xâm lấn và tỷ lệ tái phát thấp.

Bệnh nhân nào có chỉ định và bệnh nhân nào chống chỉ định với kỹ thuật này?

Chỉ định này áp dụng với những bệnh nhân:

+ Nang tuyến vú đơn thuần lành tính có triệu chứng

- Nang tuyến vú đơn thuần lành tính là nang có 5 dấu hiệu điển hình theo Thomas gồm: trống âm, bờ rõ, vỏ mỏng, có tăng sáng phía sau, có bóng cản âm bờ viền.

- Nang tuyến vú có triệu chứng: là các nang gây ra các triệu chứng như đau, khó chịu, gây lo lắng cho người bệnh.

+ Các nang tuyến vú ở các vị trí gây mất thẩm mỹ mà bệnh nhân muốn điều trị: đó là các nang lớn nổi gồ trên bề mặt da ở các vị trí ảnh hưởng tới thẩm mỹ của người bệnh.

Chống chỉ định với các trường hợp:

+ Đang có tình trạng nhiễm trùng (viêm tấy, phù nề…), áp xe, đang chảy máu.

+ Nang không đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn của nang điển hình: nang có bờ dày, thành có nụ sùi, bờ nang không đều, thùy múi….

+ Bệnh nhân dị ứng với thuốc gây tê và cồn.

Quy trình thực hiện kỹ thuật này như thế nào?

Lựa chọn cách tiếp cận tổn thương:

Bác sỹ xác định lại vị trí tổn thương trên siêu âm, chọn đường vào phù hợp nhất sao cho khoảng cách từ lỗ vào trên da đến tổn thương là gần nhất.

Tổn thương cần được nhìn thấy toàn bộ và rõ ràng trên siêu âm trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.

Đánh dấu vị trí lỗ vào trên da.

Chuẩn bị bệnh nhân

Sát khuẩn vị trí chọc kim

Trải toan vô khuẩn cho vùng cần thực hiện thủ thuật.

Bọc đầu dò siêu âm bằng túi nylon vô trùng.

Gây tê tại chỗ bằng lidocain 1-2%

Tiến hành

Dùng kim luồn 20G hoặc 22G và xilanh 5 ml hoặc 10 ml hút gần toàn bộ dịch trong nang.

Lấy dịch nang phết lam kính gửi giải phẫu bệnh, tính số lượng dịch trong nang hút ra.

Kim luồn 20G vẫn được cố định trong nang, bơm 90% số lượng cồn tuyệt đối vào nang dưới hướng dẫn của siêu âm, tránh để bơm cồn ra ngoài nang vào nhu mô xung quanh (đảm bảo đầu kim vẫn nằm trong nang).

Nút kim luồn tránh để cồn chảy ra ngoài, đợi và theo dõi bệnh nhân trong 10 phút, sau đó hút toàn bộ cồn dưới hướng dẫn siêu âm.

Kết thúc

Rút kim luồn và sát trùng, băng gạc vị trí chọc kim

Giải thích cho bệnh nhân cẩn thận về việc lấy kết quả và thời gian tái khám theo dõi.

Bệnh nhân cần lưu ý điều gì khi thực hiện kỹ thuật này?

- Bệnh nhân không cần nhịn ăn hoặc ăn kiêng trước và sau can thiệp

- Ngay sau can thiệp có thể có triệu chứng như nóng rát vùng ngực, chóng mặt nhẹ nhưng sẽ hết trong vòng vài tiếng đồng hồ

Phương pháp này có ưu điểm? hạn chế gì?

Ưu điểm:

- Diệt chính xác nang cần diệt (nang to, nang nhiễm trùng)

- Diệt được nhiều nang trong một lần

- Không làm tổn thương nhu mô vú

- Không để lại sẹo

- Nhanh chóng thuận lợi, thời gian diệt nang 10 phút

- Bệnh nhân gần như không cảm thấy đau đớn gì

Hạn chế: không có

Những vấn đề có thể phát sinh trong và sau quá trình thực hiện kỹ thuật là gì?

- Dị ứng thuốc gây tê: hiếm gặp, người bệnh có biểu hiện dị ứng, mẩn ngứa, khó thở, tim đập nhanh. Xử trí các thuốc chống dị ứng, nếu phản ứng nặng có biểu hiện toàn thân, sử dụng phác đồ chống sốc và chuyển sang cấp cứu điều trị tích cực.

- Phản xạ thần kinh phế vị: gặp trong khoảng 7% các trường hợp, người bệnh khó thở, lo lắng, biểu hiện trào ngược, buồn nôn: dừng thủ thuật, giải thích cẩn thận cho người bệnh, ủ ấm, cho người bệnh uống thuốc chống nôn nếu cần thiết.

- Trào dịch cồn ra mô xung quanh do kim bị tuột ra ngoài nang. Bệnh nhân sẽ đau rát, sau đó khỏi rất nhanh

Kỹ thuật này đòi hỏi chuyên môn của bác sĩ và công nghệ ra sao?

- Cần bác sỹ chẩn đoán hình ảnh chuyên khoa về vú, có chứng chỉ về can thiệp vú dưới hướng dẫn siêu âm, có kinh nghiệm điều trị diệt nang tuyến vú dưới hướng dẫn siêu âm.

- Máy siêu âm có đầu dò phẳng tần số cao 10MHz trở lên.

- Xilanh, kim tiêm, chất gây xơ, lam kính, ống nghiệm….

Nếu muốn được áp dụng kỹ thuật này tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân cần đăng ký với ai, thủ tục này thế nào?

- Trường hợp BN đã có đủ các xét nghiệm: siêu âm, XQ tuyến vú, có chẩn đoán là nang tuyến vú, BN cảm thấy đau nhức, khó chịu với nang đó. BN cần mang tất cả các kết quả đã có tới phòng Can thiệp tuyến vú, Trung tâm Điện quang BV Bạch Mai. Số hotline (trong giờ hành chính) 091.705.8822. Tại đây, BN sẽ được các bác sỹ thuộc nhóm vú tư vấn và hướng dẫn làm thủ tục để thực hiện kĩ thuật.

- Trường hợp BN chưa có bất cứ một xét nghiệm nào, BN sẽ đến BV Bạch Mai để đăng kí khám (BN có thể khám tại các chuyên khoa Sản, chuyên khoa U bướu, khoa khám bệnh theo yêu cầu). BN sẽ được khám, chụp XQ và siêu âm tuyến vú. Khi có kết quả, BN quay lại gặp BS khám ban đầu để xin chỉ định. Sau đó BN cầm chỉ định tới phòng Can thiệp tuyến vú – Trung tâm Điện quang BV Bạch Mai. Số hotline (trong giờ hành chính) 091.705.8822 để được thực hiện kĩ thuật ngay trong ngày.

 

Diệu Hiền ghi

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image