Lớp đào tạo đã thu hút hàng trăm y bác sĩ và các học viên đến từ nhiều bệnh viện, trung tâm y tế với các tham luận khoa học của các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Bạch Mai và Quốc tế. Chủ tọa chương trình là PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân - Phó Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam.
Mở đầu chương trình, BSCKII. Bùi Phương Thảo - Khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai đồng thời là giảng viên Bộ môn Nội - ĐH Y Hà Nội đã có tham luận với chủ đề “Cường giáp ở phụ nữ có thai”. Nội dung của tham luận tập trung vào các vấn đề: giải phẫu và sinh lý điều hòa hormone tuyến giáp, các thay đổi sinh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai, cường giáp ở phụ nữ mang thai, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị. Phụ nữ mang thai có thể gặp các rối loạn chức năng tuyến giáp, nếu không được chẩn đoán và theo dõi điều trị có thể gây ảnh hưởng cho cả mẹ và thai nhi. Cường giáp ở phụ nữ có thai thường khó chẩn đoán, cần có sự kết hợp lâm sàng, các xét nghiệm chức năng tuyến giáp và kháng thể. Điều trị cường giáp ở phụ nữ có thai bằng các thuốc KGTTH cần có sự cân nhắc về loại thuốc, liều thuốc theo từng quý của thai kỳ và theo dõi sát định kỳ 2 đến 4 tuần để điều chỉnh thuốc kịp thời, tránh gây suy giáp cho thai nhi và trẻ sơ sinh.
Tiếp nối chương trình, TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết & Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên Bộ môn Nội - Đại học Y Hà Nội đã trình bày bài giảng “Chẩn đoán và điều trị suy giáp ở phụ nữ có thai”. Bài giảng nhấn mạnh: Cần phát hiện sớm suy tuyến giáp ở phụ nữ có thai, các biểu hiện nhiều khi lầm tưởng là hiện tượng thai nghén, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, theo dõi định kỳ thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bào thai có thể phát triển không bình thường. Các bệnh nhân suy giáp cần được điều trị tăng liều khoảng 30% ngay khi biết có thai. Thuốc Levothyroxin dạng bào chế nên được sử dụng. Các bệnh nhân cần uống thuốc Levothyroxin lúc đói, cách xa các thuốc sắt, canxi hay vitamin tổng hợp. Các bà mẹ sau sinh cần được đánh giá lại chức năng tuyến giáp thời điểm 6 tuần sau sinh và điều chỉnh các liều thuốc.
“Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa” là bài giảng thứ 3 trong chương trình do GS.BS Thanh D Hoàng đến từ Trung tâm Quân y quốc gia Hoa Kỳ Walter Reet, Trưởng phân môn Nội tiết - ĐH Sức khỏe Quân đội Hoa Kỳ, một chuyên gia quốc tế hàng đầu về phẫu thuật tuyến giáp. Bài giảng của GS.BS Thanh đã có những phân tích cụ thể: Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có nguồn gốc từ tế bào mô nang tuyến giáp, trong đó thể nhú chiếm 85%, thể nang chiếm 12% và u biệt hóa chỉ dưới 3%. Mục tiêu điều trị ban đầu là: Phẫu thuật lấy toàn bộ khối u nguyên phát, tổ chức xâm lấn ngoài bào giáp và hạch di căn; giảm nguy cơ bệnh tái phát và di căn; Điều trị bổ trợ sau phẫu thuật với Iod phóng xạ khi có chỉ định; Cho phép phân loại giai đoạn và phân tầng nguy cơ bệnh chính xác; Theo dõi lâu dài để phát hiện tái phát; giảm thiểu tử vong liên quan đến điều trị. Bài giảng cũng đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng mang tính chuyên môn sâu như: Vai trò của chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm trong giai đoạn trước phẫu thuật; Phương pháp phẫu thuật với ung thư tuyến giáp thể nang được chẩn đoán bằng sinh thiết theo các mức độ xâm lấn và khuyến cáo phẫu thuật, nạo vét hạch theo các mức độ; Việc điều trị phóng xạ sau mổ cần dựa trên nguy cơ tái phát; Điều trị di căn; Điều trị biến chứng của liệu pháp phóng xạ ; Điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa kháng với liệu pháp phóng xạ...
Bài giảng thứ tư trong chương trình với chủ đề “Phẫu thuật tuyến giáp” do BS Michael I. Oretes đến từ Trung tâm Y khoa, ĐH Quân đội Hoa Kỳ, kiêm Giám đốc Chương trình đào tạo Tai mũi họng tại Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reet - Hoa Kỳ đã trình bày những vấn đề cần lưu ý trong suốt quá trình phẫu thuật tuyến giáp: Chú ý dây thần kinh thanh quản, tuyến cận giáp, nạo vét hạch cổ trung tâm và các biến chứng có thể xảy ra sau mổ như chảy máu, liệt dây thanh quản, suy tuyến cận giáp... Trong đó nạo vét hạch cổ trung tâm có những ưu điểm trong điều trị và phòng ngừa: giảm tái phát bệnh, cải thiện tỷ lệ sống sót, giảm tỷ lệ tái phẫu thuật, phân loại đúng để tránh điều trị phóng xạ. Tuy nhiên kỹ thuật chuyên sâu này cũng cần chú ý đến việc hạ hoặc tăng canxi máu, liệt dây thần kinh thanh quản tạm thời hoặc lâu dài.
Bài giảng thứ 5, GS.BS Thanh D Hoàng đã dành thời gian chia sẻ về “Cấp cứu trong bệnh lý tuyến giáp” với những lưu ý về cơn bão giáp và hôn mê phù niêm qua những dẫn chứng sinh động lâm sàng rối loạn chức năng tim mạch, tiêu hóa, sự khuếch tán các triệu chứng cơ năng và thực thể của nhiễm độc giáp kèm theo tình trạng mất bù toàn thân có khả năng đe dọa tính mạng. GS.BS Thanh cũng đưa ra các chiến lược chung để điều trị cơn bão giáp bằng thuốc, cắt tuyến giáp hoặc phóng xạ, trong đó, điều trị triệt căn được ưu tiên. Lưu ý có nhiều trường hợp có thể phòng ngừa được dựa trên các tác nhân. Việc chẩn đoán sớm là các rất cần thiết.
Chương trình đào tạo “Nâng cao về bệnh lý tuyến giáp và tuyến thượng thận” đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của giới chuyên môn và hàng trăm học viên, mang lại những kiến thức khoa học cập nhật mới nhất, những góc nhìn đa chiều, kết hợp đa chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến giáp và tuyến thượng thận.
Thùy Dương