Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

Chụp động mạch vành qua da: Những điều cần biết

Mạch vành là động mạch cung cấp máu cho tim. Chụp động mạch vành là thủ thuật nhằm xác định tình trạng mạch vành, qua đó giúp chẩn đoán các bệnh lý của mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối... Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ có những định hướng chẩn đoán và xử trí kịp thời cho người bệnh.

Kỹ thuật chụp động mạch vành được tiến hành với việc sử dụng các ống thông chuyên dụng để đưa thuốc cản quang vào trong lòng động mạch vành, qua đó hiển thị hình ảnh của hệ động mạch vành trên màn hình tăng sáng, dựa vào các hình ảnh này cho phép đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối...

Để người bệnh có những thông tin cơ bản về chụp động mạch vành qua da, chúng tôi đã trao đổi với TS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trưởng phòng C4, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.

PV: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết khi nào thì bệnh nhân cần chụp động mạch vành qua da?

TS.BS Nguyễn Quốc Thái: Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định chụp mạch vành trong các trường hợp dưới đây:

Hội chứng mạch vành cấp không ST chênh lên

Bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.

Tình trạng đau ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên.

Hội chứng mạch vành mạn tính: Chụp động mạch vành nhằm xét can thiệp khi các thăm dò không xâm lấn thấy nguy cơ cao hoặc vùng thiếu máu cơ tim rộng, hoặc người bệnh đã được điều trị tối ưu nội khoa không khống chế được triệu chứng.

Có thể chỉ định ở những người bệnh nghi ngờ có bệnh mạch vành hoặc đã biết trước có bệnh mạch vành.

Chụp động mạch vành kiểm tra trước phẫu thuật tim, mạch máu lớn ở người lớn tuổi (nam > 45; nữ > 50).

Chụp động mạch vành kiểm tra trước những phẫu thuật không phải tim mạch ở những người bệnh nghi ngờ bệnh mạch vành.

Sau cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoài bệnh viện.

Tình trạng đau ngực tái phát sau can thiệp động mạch vành hoặc sau phẫu thuật làm cầu nối chủ-vành.

Suy tim không rõ nguyên nhân.       

Chụp động mạch vành kiểm tra những bất thường động mạch vành khi trên phim chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành thấy có bất thường

Những người bệnh có rối loạn nhịp nguy hiểm (nhịp nhanh thất, block nhĩ-thất,..).

PV: Vậy trước khi chụp động mạch vành qua da bệnh nhân cần chuẩn bị những gì, thưa bác sĩ ?

TS.BS Nguyễn Quốc Thái: Trước khi tiến hành thủ thuật chụp động mạch vành, bệnh nhân sẽ được giải thích tại sao cần thực hiện kỹ thuật này, phương pháp tiến hành ra sao, biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi thực hiện? Khi đồng ý làm thủ thuật, bệnh nhân sẽ ký vào giấy cam kết thực hiện thủ thuật.

Bệnh nhân được kiểm tra, đánh giá các tình trạng bệnh đi kèm (bệnh dạ dày, bệnh phổi mạn tính), chức năng thận..., tiền sử bệnh lý như tiền sử xuất huyết tiêu hóa, các bệnh rối loạn đông máu, dị ứng các thuốc cản quang….

Chụp động mạch vành qua da có thể được tiến hành qua động mạch quay, hoặc động mạch đùi. Vùng làm thủ thuật sẽ được làm sạch và cạo lông, sát khuẩn sạch và gây tê tại chỗ. Sau đó, bác sĩ sẽ đâm kim để mỡ một lỗ nhỏ vào lòng động mạch tại vùng đó.

Chụp động mạch vành qua đường động mạch đùi

PV: Bác sĩ có thể cho biết: Quy trình chụp động mạch vành qua da sẽ được thực hiện như thế nào?

TS.BS Nguyễn Quốc Thái: Quy trình chụp động mạch vành qua da sẽ gồm những bước sau:

Chuẩn bị bệnh nhân

Không sử dụng các chất kích thích như chè, cà phê và các thuốc làm ảnh hưởng đến nhịp tim.

Các bước tiến hành

Có thể chụp động mạch vành qua 2 đường:

Chụp động mạch vành qua đường động mạch quay.

Chụp động mạch vành qua đường động mạch đùi.

Các ống thông chẩn đoán sẽ được đưa qua đường động mạch quay hoặc động mạch đùi. Các vi ống thông này sẽ đưa trực tiếp vào mạch vành nuôi tim, và thuốc cản quang sẽ được bơm qua các ống thông này vào mạch vành, dưới màn tăng sáng thì hình dáng động mạch vành sẽ hiện lên khi ta bơm thuốc cản quang.

Lưu ý: Sau khi chụp mạch vành cần uống nhiều nước hoặc truyền muối đẳng trương  trong 1-2 ngày để đào thải hết thuốc cản quang theo đường tiết niệu.

PV: Bác sĩ có thể đưa ra khuyến cáo những người nào không nên chụp động mạch vành qua da?

TS.BS Nguyễn Quốc Thái: Không có chống chỉ định tuyệt đối với chụp động mạch vành qua da, những trường hợp không nên chụp động mach vành qua da:

Phụ nữ có thai.

Bệnh nhân suy thận nặng.

Dị ứng thuốc cản quang.

Nhiễm trùng đang tiến triển.

Có rối loạn sinh hoá, điện giải, thiếu máu,...

Suy tim mất bù

Phình tách  động mạch chủ

Tăng huyết áp nghiêm trọng không kiểm soát được./.

Diệu Hiền thực hiện

 

Tên đơn vị

Phòng C4, Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai

Địa chỉ

78 Đường Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại

Phòng C4 với khẩu hiệu “Nơi trái tim được chữa lành bởi trái tim” đã và đang là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân với các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch: Siêu âm tim, can thiệp ĐMV, NVHL, tim bẩm sinh, Stent graft ĐMC, thay van ĐMC qua da, điều trị các RL nhịp tim bằng RF, cấy máy tạo nhịp, ICD, CRT…

Hotline dành tư vấn cho bệnh nhân: 098.828.4115

Bạn cần tư vấn bất cứ thông tin gì, xin liên hệ theo số này hoặc để lại tin nhắn tại đây, chúng tôi sẽ có người giải đáp cho bạn trong thời gian sớm nhất.

Phòng C4, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai

“Nơi trái tim được chữa lành bởi trái tim”

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image