Mê trận đồ về tên và dạng thuốc kháng sinh
Đến nay (năm 2010) thuốc kháng sinh có 17 nhóm với gần 500 tên thuốc (trong đó có 4 nhóm chuyên biệt là: chống nấm, chống lao, chống phong, trị ung thư; còn lại 13 nhóm là thuốc trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường). Mỗi nhóm lại có các phân nhóm hoặc các thế hệ khác nhau. Ví dụ: nhóm penicillin có 7 phân nhóm, mỗi phân nhóm lại có nhiều tên thuốc gốc khác nhau, mỗi tên thuốc gốc có nhiều tên biệt dược khác nhau. Hay nhóm cephalosporin có 4 thế hệ khác nhau, mỗi thế hệ có nhiều tên thuốc gốc khác nhau (khoảng 40 tên) và nhiều tên biệt dược khác nhau. Ngoài ra còn nhiều biệt dược phối hợp 2 hoặc 3 kháng sinh với nhau hoặc kháng sinh với thuốc chống viêm mạnh (các loại corticoid) để tăng tác dụng.
Dạng thuốc gồm có: thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc dùng tại chỗ. Trong đó nhiều dạng thuốc nhất là thuốc uống và thuốc dùng tại chỗ.
Thuốc uống có: các loại thuốc viên (viên nén thường, viên nén bao phim, viên nhộng). Các loại thuốc nước (bột đóng lọ để pha dung dịch, bột gói để uống, hỗn dịch, sirô)...
Thuốc dùng tại chỗ có: dung dịch, mỡ, kem, gel, trứng. Thuốc nhỏ mắt, nhỏ tai. Thuốc phun sương xịt mũi. Thuốc bôi da. Thuốc đặt âm đạo...
Sốc phản vệ khi tiêm thuốc kháng sinh test hay không test 1.
Các đối tượng phải đặc biệt lưu ý khi dùng kháng sinh
Phụ nữ có thai (đặc biệt là 90 ngày đầu tiên), phụ nữ cho con bú, trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi, người có bệnh gan thận, người có cơ địa dị ứng, người cao tuổi.
An toàn, hiệu quả cho người dùng kháng sinh
- Với người bệnh: Khi cần chữa bệnh bằng thuốc kháng sinh phải được bác sĩ khám bệnh, kê đơn (không tự ý dùng thuốc hoặc nghe người khác mách).
Trước khi dùng thuốc phải xem lại đơn bác sĩ về liều dùng, số lần dùng thuốc trong ngày, cách dùng thuốc, kiêng kỵ; sau đó xem tờ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc về cách dùng, kiêng kỵ, tác dụng phụ... để dùng thuốc cho đúng, tránh những điều đáng tiếc.
- Với bác sĩ: Phải kiểm tra tình trạng bệnh nhân (có thai, tiền sử dị ứng thuốc, các thuốc đang sử dụng...) xác định đúng tác nhân gây bệnh và chọn loại thuốc thích hợp, tránh điều trị kiểu bao vây. Tốt nhất là làm kháng sinh đồ.
Nên uống thuốc kháng sinh khi nào?
- Những loại kháng sinh uống xa bữa ăn: Là những loại thuốc kém bền vững trong môi trường dịch vị hoặc bị giảm hấp thu do thức ăn. Nên uống 1giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Gồm có: nhóm penicillin (penicillin V, ampicillin, amoxycillin... khoảng 30 tên). Nhóm cephalosporin: các thuốc trong nhóm này đều có chữ "cef" đứng đầu tên thuốc gốc, đây là nhóm thuốc được các bác sĩ ưa dùng nhất hiện nay, có khoảng 40 tên thuốc gốc, mỗi thuốc gốc lại có nhiều tên biệt dược. Ví dụ: cefuroxime có các biệt dược như zinnat, zencef, zinmax, zinacef, xorim, tarxim... Nhóm macrolid: tên thuốc gốc thường có nhóm chữ "mycin" đứng cuối, thường dùng nhất là clarythromycin, azithromycin, erythromycin. Các biệt dược của erythromycin thường có nhóm chữ "ery" đứng đầu, như: ery, erywin, erycin, eryfar... Nhóm thuốc chống lao cũng nên uống xa bữa ăn.
- Những loại kháng sinh uống trong hoặc ngay sau bữa ăn: Là những loại không bị giảm hấp thu do thức ăn, hoặc kích thích đường tiêu hoá. Gồm có: nhóm quinolon (milosacin, rosoxacin, ciprofloxacin...). Nhóm nitroimidazol (metronidazol, tinidazol...). Nhóm cyclin (tetracyclin, doxycyclin...).
- Riêng loại viên bao tan trong ruột, không kể thuộc nhóm kháng sinh nào, đều có thể uống bất kể lúc nào no hay đói (tốt nhất là uống lúc đói với 1 cốc nước sôi để nguội).
Tương tác giữa kháng sinh với các thuốc khác
Tùy loại kháng sinh cụ thể, nếu có tương kỵ độc hại hoặc giảm tác dụng thì không được dùng cùng lúc (hoặc không được dùng trong suốt thời kỳ dùng loại kháng sinh đó) ví dụ erythromycin có tới hơn 30 loại thuốc cấm dùng cùng lúc.
Ăn, uống các loại rau quả có vị chua chứa nhiều axít hữu cơ; nên dùng trước 60 phút hoặc sau 120 phút khi uống kháng sinh.
Những hệ lụy của việc dùng kháng sinh bừa bãi Theo Luật dược của Việt Nam, thì kháng sinh là loại thuốc phải được bác sĩ khám bệnh, kê đơn mới được mua (hoặc cấp) và sử dụng. Nhưng do việc chấp hành Luật ở nước ta còn tuỳ tiện, nên cứ ai cần dùng thuốc thì đến các điểm bán lẻ thuốc hợp pháp (nhà thuốc, quầy thuốc) mua bao nhiêu cũng được. Mặt khác, việc kê đơn thuốc kháng sinh của một số bác sĩ cũng tuỳ tiện, không làm các xét nghiệm cần thiết mà chỉ đoán bệnh rồi kê đơn, nhiều khi lại dùng thuốc kiểu "bao vây" không làm kháng sinh đồ. Thậm chí có trường hợp viêm họng do virut lại cho kháng sinh, uống kháng sinh 1 tuần không khỏi lại tiêm kháng sinh 1 tuần mà bệnh vẫn không lui. Những việc làm đó đã làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng lại kháng sinh ngày càng nhiều. Người bệnh thì kiệt quệ sức lực và tiền bạc mà bệnh vẫn không khỏi, có khi còn gây tai biến (dị ứng; rối loạn tiêu hoá; hại gan, thận; suy tuỷ; đứt gân gót; sinh quái thai...), thậm chí tử vong. |
DS. Trần Xuân Thuyết
suckhoedoisong.vn