Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Gần 300 bác sĩ tham gia Hội thảo khoa học “Cập nhật khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”

Ngày 23/8, Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến phối hợp với Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội thảo “Cập nhật khuyến cáo chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”. Chủ toạ hội thảo là GS.TS. Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hô hấp.

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp đã chia sẻ cho các tham dự viên về: “Cập nhật khuyến cáo chẩn đoán và điều trị Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính -  Bộ Y tế 2023”. Trong đó, PGS Phương tập trung phân tích, nhấn mạnh vào các nội dung: Chẩn đoán; Khởi trị; Theo dõi điều trị; Xử trí đợt cấp, Điều trị sau đợt cấpQuy trình lâm sàng... Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Đây là bệnh lý không đồng nhất, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (khó thở, ho, khạc đờm) và các đợt cấp do tình trạng bất thường của đường thở (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản) và/hoặc phế nang (khí phế thũng) gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng và tiến triển.


 

Sau khi sàng lọc và phát hiện ra người bệnh mắc BPTNMT, PGS Phương khuyến cáo các bác sĩ cần theo dõi bệnh nhân như sau: Tái khám định kỳ 1 tháng 1 lần và cần đánh giá phân loại lại mức độ nặng để điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp; Đo chức năng hô hấp mỗi 3 đến 6 tháng; Chụp XQ tim phổi mỗi 6 tháng hoặc khi có các dấu hiệu của đợt cấp hoặc viêm phổi; Đánh giá triệu chứng: ho khạc đờm, khó thở, mệt mỏi, khả năng hoạt động, chất lượng giấc ngủ. Nên sử dụng bộ câu hỏi CAT. Phát hiện sớm các dấu hiệu của đợt cấp và tác dụng phụ của thuốc; Làm thêm một số xét nghiệm thường quy như công thức máu, sinh hóa máu,… để phát hiện, điều trị các biến chứng và các bệnh đồng mắc phối hợp (bệnh tim mạch, ung thư phổi, loãng xương, đái tháo đường...); Đánh giá khả năng hoạt động, hợp tác với thầy thuốc và tái hoà nhập cộng đồng; Giáo dục bệnh nhân về kỹ thuật sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc, tuân thủ điều trị, tránh tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và áp dụng các phương pháp dự phòng đợt cấp. Đặc biệt, mỗi lần khám lại, cần yêu cầu bệnh nhân thực hiện thao tác sử dụng dụng cụ hít và kiểm tra hướng dẫn lại cho bệnh nhân kỹ thuật sử dụng các dụng cụ phân phối thuốc...


 

Trên cương vị Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp chia sẻ về: “Nhận diện và quản lý bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kiểu hình nhiều đợt cấp”. Bài chia sẻ của PGS Giáp gồm 3 phần: Gánh nặng đợt cấp ở bệnh nhân BPTNMT; Nhận diện bệnh nhân BPTNMT kiểu hình nhiều đợt cấp? Quản lý bệnh nhân BPTNMT kiểu hình nhiều đợt cấp: Khuyến cáo và bằng chứng hiện có. Theo đó, PGS Giáp cho biết: Trên thế giới hiện có 384 triệu người mắc BPTNMT, tương đương 12% dân số người lớn. BPTNMT là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên toàn thế giới (với khoảng 3 triệu ca tử vong hàng năm). Trong đó, xấp xỉ 40% bệnh nhân đã tái nhập viện hoặc tử vong trong vòng 90 ngày sau đợt cấp. Dấu hiệu nhận diện đợt cấp là: tình trạng nặng lên trong vòng 14 ngày, được đặc trưng bởi các cơn khó thở và/hoặc ho khạc đờm, có thể kèm tăng tần số thở và/hoặc tăng nhịp tim, thường liên quan đến tăng đáp ứng viêm tại phổi hoặc toàn thân do nhiễm trùng phế quản hoặc do ô nhiễm không khí hoặc do tổn hại khác với phế quản. Với những hệ lụy do đợt cấp mang lại, PGS Giáp khuyến cáo các đồng nghiệp nên: Tối ưu hóa điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng, phòng ngừa đợt cấp và giảm tử vong cho bệnh nhân BPTNMT.


 

Với những nội dung cập nhật và hết sức thiết thực, chương trình đào tạo đã thu hút sự tham gia trực tiếp của 60 bác sĩ tại Hội trường Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai và trực tuyến qua ZOOM của 200 bác sĩ chuyên ngành Hô hấp trên cả nước. Những học viên tham dự đủ thời gian hội thảo và hoàn thiện bài kiểm tra với số điểm từ 5 điểm trở lên (thang điểm 10) sẽ được cấp chứng nhận đào tạo liên tục (CME)./.

Diệu Hiền - Thế Anh

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image