Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Gối đinh lăng ‘thần thánh’: Chớ tin quảng cáo ‘có cánh’

Những chiếc gối lá đinh lăng bán với giá 200K -250K dành cho trẻ nhỏ được người bán gắn cho những công dụng “thần kỳ” như: giúp trẻ ngủ ngon không giật mình quấy khóc, không ra mồ hội trộm, giảm sốt… Tuy nhiên, theo khẳng định của lương y, lá đinh lăng chỉ có tác dụng là vị thuốc chữa bệnh khi nó được sắc uống. Gối đinh lăng không hề có tác dụng giảm mồ hôi trộm, giúp ngủ ngon...

Quảng cáo thổi phồng công dụng

Thời gian gần đây trên trang mạng xã hội chị em có con nhỏ thường share cho nhau sản phẩm gối đầu cho trẻ nhỏ có công dụng "thần thánh”.

Theo lời quảng cáo từ người đăng quảng cáo, những chiếc gối đinh lăng có công dụng “diệu kỳ”: Giúp kích thích vỏ não và hệ thần kinh trung ương tạo cho bé một giấc ngủ ngoan, sâu giấc. Những chiếc gối lá đinh lăng còn giúp cho trẻ không còn bị giật mình, ra mồ hôi trộm và làm giảm nguy cơ sốt cao… Những chiếc gối này còn giúp khử mùi mồ hôi, lưu lại hương thơm trên đầu và tóc bé suốt cả ngày.

goi-dinh-lang-ok-170056004.jpg

Tác dụng "thần kỳ" của gối đinh lăng được đăng trên facebook.

Mỗi chiếc gối “thần thánh” trên được bán với giá không hề rẻ, từ 200.00-250.000 đồng (chưa kể tiền ship). Trong vai một người mua hàng, PV đã gọi điện tới số điện thoại 0936.158.xxx chuyên cung cấp dụng vụ gối đinh lăng cao cấp cho trẻ nhỏ.

Theo lời tư vấn của người bán đã đưa những công dụng của lá đinh lăng lên mây làm mát đầu, chống ra mồ hôi, không giật mình, ngủ sâu giấc,… Người bán còn chia sẻ thêm mới ra sản phẩm mới gối chống bẹp đầu và giật mình bằng lá đinh lăng giá chỉ 190.000 đồng có tặng kèm thêm một vỏ gối và 1 vòng dâu.

Có nên dùng lá đinh lăng để gối đầu?

Lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh, Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho hay: “Những tác dụng giúp ngủ ngon, chống giật mình, ra mồi hôi trộm…của gối đinh lăng hầu như không có tài liệu y học cổ nào ghi chép lại”.

Theo vị Lương y này thì rễ và lá đinh lăng được dùng làm thuốc chữa bệnh quý trong đông y. Trong đó rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết; Lá đinh lăng có vị đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt giải độc thức ăn, nấu ăn cho sản phụ để lợi sữa…

Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cũng khẳng định: “Lá đinh lăng chỉ có tác dụng chữa bệnh khi được sắc uống còn dùng để gối đầu thì hầu như không có tác dụng. Từ xưa đến nay hầu như các cụ không dùng loại lá này để làm gối”.

“Do vùng đầu và gáy trẻ rất nóng trẻ lại nằm nhiều. Nếu những chiếc gối lá đinh lăng lâu ngày không được vệ sinh sẽ tăng nguy cơ ẩm mốc dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ngứa ngáy, viêm da cho trẻ”, Lương y Bùi Hồng Minh cho biết.

Theo Lương y Bùi Hồng Minh, lá đinh lăng không có tính độc làm gối đầu cũng không sao. Cũng tương tự như ngày xưa các cụ không có bông thì dùng rơm rác cho vào bao tải may thành gối.

“Trong trường hợp mẹ muốn làm lá đinh lăng gối đầu cho con, thì nửa tháng phải mang lá phơi sao lại một lần để tránh ẩm mốc. Do nguyên liệu là lá cây tươi nên tuổi thọ của những chiếc lá này cũng sẽ không được dài, chỉ lên dùng từ 7-8 tháng phải thay gối mới. Vì vậy các bậc cha mẹ không nên bỏ số tiền quá lớn để mua một chiếc gối không có tác dụng gì”, Lương y khuyên.

Đừng vội tin quảng cáo tào lao

Còn theo PGS,TS, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết:“Chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định khi trẻ gối chiếc gối đinh lăng sẽ giúp kích thích vỏ não và hệ thần kinh trung ương giúp trẻ ngủ ngon, không giật mình. Gối một chiếc gối đầu để hết mồ hồi trộm lại càng không có. Phụ huynh chớ tin theo những lời quảng cáo tào lao để rồi mua những chiếc gối đắt tiền”.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng mùi hương thơm của chiếc gối lá đinh lăng không phải đứa trẻ nhỏ nào cũng thích. Ở trẻ nhỏ hệ hô hấp chưa hoàn thiện thường xuyên phải ngửi mùi hắc từ chiếc gối, đặc biệt là gối bị ẩm mốc có thể gây kích ứng đường hô hấp. Da của trẻ nhỏ cũng rất nhạy cảm, nếu gối đinh lăng không đảm bảo chất lượng có thể gây kích ứng, dị ứng da cho trẻ.

“Trường hợp trẻ hay ra mồ hôi trộm khi ngủ mẹ cần phải kiểm tra có mặc quá nhiều quần áo cho con không? Hay nhiệt độ phòng để quá nóng… dễ khiến cho trẻ đổ mồ hôi. Để hạn chế mồ hôi trộm cho trẻ thì nên mặc cho trẻ quần áo mỏng thoáng mát…Chứ không phải dùng một chiếc gối lá là hết được mồ hôi trộm ở trẻ”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng nói.

Phó Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Hà Nội Phạm Phú Tiêu Tương khuyên không nên dùng gối lá đinh lăng hay gối vỏ đỗ để gối cho trẻ. Vì các loại gối này thường khó có thể vệ sinh thường xuyên nên rất dễ bị ẩm mốc, nhiễm vi khuẩn… có thể ảnh hướng tới hệ hô hấp, da của trẻ.

“Trẻ nhỏ xương cổ còn rất yếu chỉ cần dùng một chiếc khăn mỏng, chất liệu thấm hút mồ hôi làm gối để trẻ có thể thoải mái nghiêng, lắc đầu khi nằm. Tốt nhất lên dùng ngay chiếc khăn xô gấp làm đôi để trẻ gối. Một chiếc khăn bạn có thể giặt và vệ sinh thường xuyên tốt hơn cho trẻ”, Phó Chủ tịch Hội Nữ hộ sinh Hà Nội cho hay .

Nguồn Xaluan.com

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image