Ngày 05/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1467/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 – 2022. Theo đó, Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vắc xin đầu tiên từ ngày 8/3/2021 tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.
Sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương dưới sự giám sát của các đoàn công tác của Bộ Y tế do các Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Đỗ Xuân Tuyên và Trần Văn Thuấn dẫn đầu.
Đánh giá trước tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh
Đối tượng được ưu tiên trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu, thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên.
Vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin của AstraZeneca, một trong ba vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng 117.600 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vắc xin này) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vắc xin được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn. Vắc xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm.
Trong thời gian qua, hệ thống dây chuyền lạnh trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng đã được tăng cường, kho vắc xin tuyến tỉnh, huyện được trang bị mới tủ lạnh chuyên dụng TCW4000AC với trung bình 5-6 tủ/tỉnh và 1-2 tủ/huyện có thể bảo quản vắc xin cho các chiến dịch quy mô lớn. Với vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này, mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp.
Tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở II Kim Chung, Đông Anh
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vắc xin mới, vì vậy ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra. Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm. Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2.
Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin COVID-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Vắc xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vắc xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vắc xin sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải. Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-COV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do COVID-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng.
Người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch COVID-19, trong buổi tiêm chủng phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử tiêm chủng, phản ứng với các loại vắc xin đã từng được tiêm trước đây và tình trạng sức khỏe của bản thân (như: bệnh nền, bệnh mạn tính đang điều trị, các thuốc và liệu trình điều trị dùng trong thời gian gần đây, các biểu hiện sức khỏe bất thường gần đây…) để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn.
Thông tin thêm xin liên hệ: Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia: 098.148.0480
Tin: Đỗ Hằng/ Ảnh: Bộ Y tế