Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Khám ngay cho trẻ từng “nghiện” uống C2 nhiễm chì

PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ từng “nghiện” những sản phẩm được cảnh báo có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép bởi chì là chất cực độc, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em.

Gần 1.200 thùng nước giải khát C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì cao vượt ngưỡng công bố đã bị tiêu hủy nhưng đã có vô số những sản phẩm như thế được bán ra thị trường với tổng số tiền lên đến gần 3,9 tỉ đồng. Số sản phẩm không thể thu hồi này đồng nghĩa với việc đã có rất nhiều người “trót” uống phải loại nước chết người này. Phân tích về những nguy cơ đối với sức khỏe, PGS. Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Quy định hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05mg/lít, sẽ an toàn cho người sử dụng, lượng chì có thể được thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, mồ hôi. Nhưng đã vượt ngưỡng cho phép thậm chí từ 4 đến 9 lần thì đương nhiên gây hại cho sức khỏe, nhất là đối với trẻ em. Tuy nhiên, PGS. Duệ cũng lưu ý mức độ ngộ độc đến đâu thì còn tùy thuộc vào số lượng nước có chì vượt ngưỡng uống vào cơ thể và tùy thuộc vào chức năng thận của mỗi người. Nếu thận tốt thì việc đào thải chì tốt, còn nếu đào thải không tốt, chì sẽ đọng trong cơ thể, ngấm vào máu, vào xương và gây ngộ độc.

nhng_ngi_tng_nghin_ung_c2_rng__nhim_ch_nn_n_cc_c_s_y_t__kim_tra.jpg

Những người từng nghiện uống C2, rồng đỏ nhiễm chì nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra

PGS. Duệ nhấn mạnh, chì là kim loại nặng được liệt vào mức độc mạnh vì có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể người, tích lũy lâu dần sẽ gây bệnh. Triệu chứng của ngộ độc chì không đặc hiệu nên dễ bị nhầm với các bệnh khác. Rất nhiều trẻ ngộ độc chì nhưng không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt, rất khó phát hiện và dễ bị bỏ qua, sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và tinh thần của trẻ. Nhẹ thì sẽ giảm chỉ số IQ (chỉ số thông minh), ảnh hưởng đến khả năng học tập, tiếp thu kiến thức. Nặng hơn thì sẽ dẫn đến rối loạn về sự phát triển ý thức, rối loạn tâm thần của trẻ. Đặc biệt, những trẻ bị ngộ độc chì nặng hơn nữa sẽ bị trì độn, không có khả năng học tập, không có khả năng tự phục vụ mình và nhận biết về xung quanh, giống như những trẻ bị bệnh Down (trì độn bẩm sinh).

Ngộ độc chì có thể chữa được nhưng kết quả chữa phụ thuộc vào mức độ ngộ độc, thời gian bị ngộ độc, phương pháp giải độc. Ngộ độc càng nhẹ và phát hiện càng sớm, điều trị giải độc càng sớm, càng tích cực thì bệnh nhân hồi phục càng tốt. Nếu phát hiện muộn, bệnh nặng, đặc biệt nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ, khi đã có các biểu hiện thần kinh, trí tuệ giảm sút thì hồi phục kém hơn. Thế nên vì quyền lợi và sức khỏe của mình, những trường hợp người tiêu dùng “trót” sử dụng nhiều các loại nước giải khát này, cần chủ động đi đến các cơ sở y tế kiểm tra, thăm khám để có hướng xử lý kịp thời trước khi quá muộn, đặc biệt đối với các trường hợp người tiêu dùng là trẻ em.

PGS. Phạm Duệ cũng cho biết: "Hiện tại, Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị lấy mẫu máu và nước tiểu của người dân đến khám và sẽ đưa lên Viện hóa học, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xét nghiệm sàng lọc. Ngoài ra không có thêm công đoạn gì và người bệnh cũng không phải nhịn ăn để lấy mẫu phẩm xét nghiệm. Kết quả sẽ được trả trong vòng 2 - 3 tuần". Mỗi mẫu xét nghiệm hết 200 nghìn đồng, thường xét nghiệm cả trị liệu là mẫu máu và mẫu tiểu hết khoảng 400 nghìn đồng. Nếu trường hợp bệnh nhân nhiễm độc chì thì việc điều trị sẽ chia thành nhiều đợt và rất phức tạp.

M.T

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image