Mới đây, sau khi thực hiện tăng viện phí, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các bệnh viện hạn chế tối đa tình trạng nằm ghép và không để bệnh nhân phải nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện. Tuy nhiên, hiện có những bệnh viện thực hiện được việc này nhưng cũng có bệnh viện chưa thực hiện được.
Cơ sở 2 Bệnh viện Nội tiết Trung ương mỗi bệnh nhân nằm một giường.
Điều trị bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã 16 năm, ông Đặng Văn Hạnh, 71 tuổi ở phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định hiểu rõ những thay đổi tích cực của bệnh viện này thời gian qua. Từ chỗ chỉ có 1 cơ sở chật chội tại ngõ Thái Thịnh 2, quận Đống Đa, Hà Nội nay Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã có 2 cơ sở cùng hoạt động nên không còn cảnh 4-5 bệnh nhân một giường như trước đây.
Ông Đặng Văn Hạnh nói: “So với trước đây bệnh viện thay đổi nhiều lắm, mỗi bệnh nhân một giường. Thái độ của y, bác sỹ ở cả cơ sở 1 và 2 đều rất tốt, ân cần chăm sóc bệnh nhân, không vòi vĩnh gì cả".
Máy xạ trị hỏng nhưng bà Đường ngồi ngoài trời cho thoáng.
Theo Tiến sỹ Trần Thị Thanh Hóa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, tại cơ sở 1 chật chội hơn so với cơ sở 2 nhưng hiện nay, lúc đông nhất, bệnh nhân cũng chỉ phải nằm ghép đôi trong 24 giờ: “Từ ngày cơ sở 2 ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội đi vào hoạt động đã giảm tải rõ rệt. Hàng ngày khi giao ban chuyên môn, chúng tôi cập nhật số lượng bệnh nhân và điều chỉnh để cân đối giữa 2 cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân đi lại được dễ dàng trong quá trình điều trị”
Trái với những gì diễn ra tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, là cảnh chật chội, bệnh nhân chen chúc, xếp hàng dài từ tờ mờ sáng tại Cơ sở 1, Bệnh viện K Trung ương (ở 43 Quán Sứ, Hà Nội). Tại đây, máy xạ trị dịch vụ xã hội hóa thì vẫn chạy, nhưng máy do bảo hiểm y tế chi trả lại bị hỏng “theo định kỳ” đã gần tuần nay. Mặc dù vậy, nhiều bệnh nhân vẫn ngồi quanh hàng ghế trước phòng máy hỏng để ít nhất là được hít thở không khí ngoài trời vì trong phòng bệnh quá chật chội, ngột ngạt. Thông thường cứ 2 bệnh nhân nằm tráo đầu đuôi/1 giường, có phòng 3 đến 5 bệnh nhân ngồi truyền dịch, người nào yếu lắm mới được nằm.
Bà Nông Thị Đường, 53 tuổi ở Bảo Linh, Định Hóa, Thái Nguyên đang xạ trị ung thư vú, than thở, việc nằm ghép diễn ra hàng tháng chứ không phải là sau 48 giờ nhập viện: “Điều trị ở đây nằm ghép đôi là chuyện bình thường. Máy thì hỏng, phòng thì chật chội, bị bệnh đã mệt rồi, đông người, thở không được, càng mệt mỏi, khổ lắm!”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra đột xuất tại Bệnh viện K Trung ương
Cảnh tượng vừa nêu đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tận mắt chứng kiến khi kiểm tra đột xuất vào sáng 14/4 vừa qua. Nhiều bệnh nhân đã phản ánh với Bộ trưởng về việc bị nhân viên y tế Bệnh viện K Trung ương nhũng nhiễu, vòi tiền; nạn cò mồi chưa chấm dứt; máy xạ trị liên tục hỏng, bệnh viện thiếu hòm thư góp ý và chưa công khai giá dịch vụ y tế mới…
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN sau buổi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, so với trước đây, Bệnh viện K Trung ương đã có sự thay đổi nhất định. Khi cơ sở 3 chưa đi vào hoạt động, trung bình 5-6 bệnh nhân ung thư nằm một giường, nhưng nay tỷ lệ này giảm hơn một nửa. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận những chuyển biến về giảm tải tại một số bệnh viện lớn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ là khó áp dụng với những bệnh viện tuyến cuối và đầu ngành ung bướu, sản khoa…
Dòng người xếp hàng dài chờ khám bệnh từ tờ mờ sáng tại Cơ sở 1, Bệnh viện K Trung ương.
Đến nay, Bệnh viện K và Phụ sản Trung ương chưa dám ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, còn Bệnh viện Bạch Mai dự kiến chỉ cam kết không nằm ghép đối với một số khoa. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Chúng ta không thể đòi hỏi ở giai đoạn này không còn nằm ghép được. Chỉ có những nơi đã ký cam kết thì cố gắng sau 48 giờ bệnh nhân nhập viện không để họ phải nằm ghép. Còn những bệnh viện như K Trung ương, Phụ sản Trung ương chưa cam kết thực hiện thì cố gắng dần dần. Mục tiêu giảm tải đến năm 2020 …”
Trở lại Bệnh viện K Trung ương, từ khi chịu áp lực giảm nằm ghép, nhiều bệnh nhân ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận phải điều trị ngoại trú. Điều này càng gây khó khăn với những bệnh nhân nghèo vì sau khi truyền hóa chất và xạ trị, bệnh nhân mệt mỏi, đành phải tốn kém thuê nhà trong thành phố để tránh quãng đường xa về quê mỗi ngày. Bà Hoàng Thị Lâm, 58 tuổi ở Phố Nối, Hưng Yên đang chăm chồng bị ung thư vòm họng giai đoạn 4 tại Bệnh viện K Trung ương tâm sự, chỉ mong được nằm ghép, mấy người/1 giường cũng được để đỡ tốn kém: “Nhà tôi mong được điều trị nội trú, kể cả nằm ghép mà có được đâu. Bây giờ đi thuê nhà tốn lắm 3 triệu 1 tháng. Ông nhà tôi điều trị nửa tháng mà đã phải đóng 34 triệu đồng tiền đặt cọc, tiền xạ máy xã hội hóa, tiền thuốc, chưa kể tiền đút lót để được xạ nhanh”.
Như vậy, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc không để người bệnh phải nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện đến nay không phải bệnh viện nào cũng thực hiện được. Đây là thách thức lớn đối với ngành y.
Vẫn biết, giảm tải là một nhu cầu bức thiết hiện nay, nhưng việc này cần được thực hiện bền vững, để tránh dẫn đến hệ lụy: người bệnh này thì đỡ khổ nhưng bệnh nhân khác thì vất vả hơn như trường hợp bà Hoàng Thị Lâm ở Phố Nối, Hưng Yên vừa nêu.
Để giảm quá tải bệnh viện có hiệu quả cũng không chỉ nỗ lực của ngành y tế mà còn đòi hỏi sự quan tâm đầu tư về vật chất và con người của Nhà nước và chính quyền các địa phương, không chỉ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh mà còn cả hệ thống y tế dự phòng để hạn chế bệnh tật gia tăng./.