Responsive Image

DetailController

Câu chuyện ngành y

Mùa hiếu hạnh: Chăm sóc sức khỏe cho mẹ cha

Hiếu kính cha mẹ là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Mùa vu lan, tại Bệnh viện Bạch Mai, các bậc sinh thành vô cùng hạnh phúc khi được các con đưa đi khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ… Với ca khám bệnh ngoài giờ hành chính (từ 17h đến 21h), các con vẫn hoàn thành công việc để hết giờ thì về nhà làm tròn chữ hiếu - đưa cha mẹ đi kiểm tra sức khỏe.

Chỉ 2 tiếng đã hoàn thành từ khâu lấy số đến nhận đơn thuốc

“Tôi thực sự rất vui khi con gái có hiếu, sẵn sàng sắp xếp công việc để đưa mẹ đi khám. Cách thủ đô cả 500km, tôi không thể ngờ từ lúc bước chân đến cổng viện và kết thúc khám, tôi chỉ mất có 2 tiếng”. Đó là lời tâm sự của bà Mai Thị Tân - 63 tuổi, trú tại phường Thanh Trương, Thành phố Điện Biên. Hơi thấy mệt trong người, bà Tân điện thoại nói chuyện với con gái - chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh. Vậy là con gái động viên mẹ xuống Bệnh viện Bạch Mai khám tổng thể cho ra bệnh. Để thuyết phục được mẹ xuống thủ đô, chị Quỳnh Anh cũng phải đưa ra lý do tiện công muốn khám luôn vấn đề dị ứng của mình.

Ba mẹ con bà cháu bà Tân nhận kết quả xét nghiệm và đơn thuốc sau 2h 

Bà Tân cùng con gái và cháu ngoại gặp bác sĩ nghe dặn dò

Qua truyền thông, chị được biết Bệnh viện Bạch Mai mới triển khai mở thêm khung giờ khám bệnh từ 17h đến 21h. Nhấc máy liên hệ với tổng đài 1900.888.866, chị Quỳnh Anh đặt được cho cả 2 mẹ con khám vào ca chiều tối. 15h ngày 6/8, gia đình 3 người (mẹ, con gái và cháu ngoại), mới lên máy bay từ Điện Biên xuống Hà Nội. Gần 18h, ba bà cháu mới đặt chân đến trước cửa nhà K1 - Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai. Bà Tân được hướng dẫn khám chuyên khoa tim mạch và cơ xương khớp với các chỉ định xét nghiệm máu, chụp CT cột sống thắt lưng + chụp tim phổi thẳng; Chị Quỳnh Anh khám chuyên khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng. Hai mẹ con mỗi người một ngả nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo của các hướng dẫn viên trong tà áo dài xanh nên mọi y lệnh được thực hiện nhanh chóng. Đến 20h (chỉ sau 2 tiếng), cả hai mẹ con đã hoàn thành việc khám, nhận đơn thuốc và lời dặn dò của bác sĩ để rời Bệnh viện Bạch Mai.

Tâm lý người già rất quan trọng

Khi được hỏi lý do vì sao lại chọn đưa cha mình đi khám vào ca tối, anh Hoàng Đắc Chiến - con trai cụ Hoàng Việt Hưng, 72 tuổi (Phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Qua người quen, tôi được biết Bệnh viện Bạch Mai mới triển khai khám ngoài giờ từ 1/8/2024 nên số người đến còn chưa đông. Vì vậy, tôi quyết định đăng ký đưa bố đi khám buổi chiều tối. Tâm lý của người già rất quan trọng. Khi đi khám mà thấy không gian sạch sẽ, thoáng đãng, được tiếp đón chu đáo từ cửa, không bị áp lực khi nhìn thấy cảnh quá đông bệnh nhân, giảm thời gian chờ đợi và nóng nực thì các cụ đã có tinh thần hơn rồi. Mình có thể tăng chi phí một xíu nhưng hiệu quả mang lại cho mình lớn hơn rất nhiều so với những gì mình bỏ ra thì rất đáng quý”.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường thăm khám cho cụ Hoàng Việt Hưng

Từ lúc bước chân gặp PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đến lúc kết thúc có đơn thuốc và lời dặn dò của Phó giáo sư Cường, hai cha con ông Hưng - anh Chiến mất 1, 5 tiếng. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm vi sinh, hóa sinh, huyết học, hai cha con lại có những khoảnh khắc an yên, thanh bình để tâm tình, trao đổi với nhau. Chia sẻ với người thực hiện bài viết này, cụ Hưng cho biết: con cái hiếu thuận là người già chúng tôi rất mừng. Tôi mới chỉ báo với con là bố mệt, vậy mà 10 phút sau, con trai đã gọi lại báo là chiều đưa tôi đi Bệnh viện Bạch Mai khám. Đến đây vào khung giờ này, tôi thực sự rất hài lòng. Bệnh viện khang trang, tiếp đón chu đáo, bác sĩ giải thích rất tận tình và bố con tôi không phải xếp hàng chờ đợi lâu”.

Cụ Hưng và con trai

"Cha mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác"

Khi viết bài này, người viết bài chợt nhớ đến khoảnh khắc tham dự Lễ Vu lan báo hiếu tại chùa. Sau phần tụng kinh, giảng pháp là đến mục “bông hồng cài áo”. Người còn cha mẹ được cài hồng đỏ; người chỉ còn cha hoặc mẹ thì cài bông hồng màu vàng; người mất cả cha lẫn mẹ thì cài bông hồng trắng... Khi đó thì cả người cài hoa trắng, hoa vàng hay hoa đỏ mắt đều dưng dưng ngấn nước, dù là người già hay người trẻ; phụ nữ hay đàn ông... Có lẽ vì ơn cha nghĩa mẹ luôn dễ chạm đến trái tim mỗi người. Người khóc vì nhớ mẹ cha, người khóc vì thương và có người khóc vì hối lỗi chưa kịp báo hiếu cha mẹ.

Đứng tại sảnh Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, nhìn cảnh các con nắm tay đưa cha mẹ đi khám, người thì xúc cháo cho cha, người thì bá vai mẹ trò chuyện ấm áp, tôi nhớ đến lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Cha mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để cha mẹ vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng quá muộn”. Vâng, “Cha mẹ là Phật sống trong nhà”. Phật không ở đâu xa, ở ngay trong nhà mình, hiếu kính cha mẹ chính là tôn kính với Phật: Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.

Con gái đưa mẹ đi khám

Lễ Vu Lan ngày nay không phải chỉ nằm trong sinh hoạt tín ngưỡng với những lễ nghi, cúng bái, cầu siêu mà còn là dịp để nhắc nhớ đạo hiếu, vai trò làm con, bổn phận của bố mẹ đối với việc sinh, dưỡng, giáo dục con. Khi là con cái có hiếu với mẹ cha thì nhân quả cũng sẽ là quả ngọt khi mình về già giống câu chuyện “Bỏ cha vào rừng”./.

Bài và ảnh: Diệu Hiền

Chuyện: Bỏ cha vào rừng

Ngày xưa có hai vợ  chồng sống với người cha già và đứa con trai nhỏ. Một hôm, người vợ nói với chồng:
- Nhà ta nghèo khó quá, làm lụng cực nhọc suốt tháng quanh năm mà chẳng đủ ăn. Nay cha già cả không làm được việc gì nữa, thật là gánh nặng cho gia đình. Anh hãy đóng một chiếc xe chở cha bỏ vào rừng để gia đình ta bớt đi gánh nặng. Dù sao cha cũng không còn sống được bao lâu nữa.

Người chồng nghe vợ bàn như thế, vội đi tìm gỗ đóng xe, định bụng chở cha bỏ vào rừng. Thấy cha loay hoay đóng xe, đứa con nhỏ hỏi:
- Cha đóng xe làm chi vậy?
Người cha bảo:
- Để chở ông nội con vào rừng.
Đứa con lại hỏi:
- Sao lại chở ông nội vào rừng?
- Vì ông nội già rồi - Người cha đáp.
Đứa con vô tư nói:
- Ông nội già nên cha đem ông nội vào rừng. Vậy sau khi chở ông nội vào rừng rồi, cha nhớ mang xe về cho con, để đến lúc cha già con chở cha vào rừng nhé!
Người cha giật mình khi nghe đứa con nhỏ nói, anh ta vội quẳng chiếc xe đi và bỏ ý định mang cha vào rừng. Từ đó về sau hai vợ chồng kia hết lòng hiếu thảo với cha mình./.

Chùm ảnh con đưa cha mẹ đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai:

Khám từ khung giờ 17h đến 21h hiện chưa quá đông bệnh nhân

 

 

Những người con hiếu thuận

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image