Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Nâng cao chất lượng, đưa kỹ thuật mới vào điều trị các bệnh hiểm nghèo

Công suất giường bệnh thường xuyên quá tải 170-200%, luôn gây áp lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên khoa cấp cứu tuyến cuối Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, các thầy thuốc ở đây đã không ngừng cải tiến hoạt động chuyên môn, coi trọng nghiên cứu khoa học và rèn giũa y đức, nhằm đưa các kỹ thuật mới phục vụ cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp bệnh lý phức tạp, hiểm nghèo…

Đến Khoa cấp cứu (trước đây là Khoa A9), Bệnh viện hạng đặc biệt Bạch Mai, bất kể ngày thường hay dịp lễ, tết, đều ở trạng thái "quá tải" nặng. Cho nên dù đã hẹn trước TS Nguyễn Văn Chi, Phó chủ nhiệm khoa nhưng tôi vẫn phải chờ hơn nửa tiếng đồng hồ mới gặp được anh. Bởi như anh cho biết, vừa phải cùng kíp trực xử lý một ca bệnh xuất huyết não thất phức tạp.

Khoa A9, cách đây mười bốn năm đã tách ra thành mấy đơn vị như: Khoa cấp cứu, Khoa hồi sức, Khoa điều trị tích cực và Trung tâm chống độc, nhưng Bệnh viện Bạch Mai vẫn không tránh khỏi sự quá tải lớn. Ngay Khoa cấp cứu, biên chế giường bệnh là 35 nhưng thường xuyên có hơn 70 bệnh nhân vào điều trị. Các trường hợp cấp cứu được chuyển đến thường là ca bệnh nặng, phức tạp và đã được sơ cứu ở tuyến dưới; nhân lực của khoa còn thiếu nên đội ngũ thầy thuốc ở đây phải "căng mình" ra làm việc.

Chẳng thế mà có lần TS Chi thổ lộ: ba cái Tết gần đây, không có đêm giao thừa nào anh có mặt ở nhà cùng gia đình. Cũng may nhờ có trình độ chuyên môn khá đều tay, với một PGS, năm tiến sĩ, và hơn mười thạc sĩ (phần lớn được đào tạo ở nước ngoài) nên hoạt động của Khoa cấp cứu không ít tình huống "nước sôi lửa bỏng" nhưng vẫn "xuôi chiều mát mái".

PGS.TS Nguyễn Đạt Anh, Chủ nhiệm khoa chia sẻ: phương pháp điều hành của lãnh đạo khoa là không áp đặt hay hô khẩu hiệu mà động viên, tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên phát huy hết khả năng của mình và phần thưởng cao nhất chính là sự hài lòng, cảm mến của bệnh nhân đối với các thầy thuốc. Những trường hợp chuyển đến cấp cứu ở đây phổ biến là các ca tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường biến chứng, nhiễm độc tố nặng…

Vì ở tuyến cao nhất của ngành cấp cứu, bởi vậy đòi hỏi người thầy thuốc phải thường xuyên cập nhật kiến thức, thông thạo kỹ thuật nhằm xử lý kịp thời những trường hợp đang bị đe dọa tính mạng. Không ngừng cải tiến quy trình tiếp nhận, phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, thực hiện phác đồ cấp cứu một cách nghiêm ngặt, đến nay, các bác sĩ đã chủ động được các kỹ thuật thăm dò chức năng và thủ thuật cấp cứu như siêu âm ổ bụng cấp cứu tại giường, siêu âm tim cấp cứu, nội soi phế quản cấp cứu, thủ thuật dẫn lưu não thất cấp cứu…

Phối hợp chặt chẽ với chuyên khoa tim mạch, bác sĩ của khoa đã cấp cứu thành công nhiều người bệnh mắc hội chứng động mạch vành cấp nặng; cũng bằng cách này với các chuyên khoa thần kinh và chẩn đoán hình ảnh, các thầy thuốc ở đây hơn hai năm qua đã phát triển các kỹ thuật can thiệp mạch máu não cấp cứu mới như kỹ thuật Solitaire, Merci nhờ đó đã cứu sống không ít bệnh nhân nhóm nhồi máu não cấp hoặc dị dạng mạch máu não vỡ, mà trước đây khó tránh khỏi tử vong.

Để không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, TS Nguyễn Văn Chi cho biết: khoa coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho bác sĩ và nhân viên kỹ thuật. Một mặt triển khai, thực hiện các đề tài cấp bộ, như "Nghiên cứu Alteplase tiêu sợi huyết cho bệnh nhân đột qụy thiếu máu não cấp tính", "Nghiên cứu tiêu sợi huyết não thất cho người bệnh xuất hiện não thất", "Biện pháp thông tắc động mạch phổi cấp tính", đồng thời củng cố và làm chủ các kỹ thuật, thủ thuật trong việc điều trị hồi sức cấp cứu cho người bệnh (kỹ thuật theo dõi huyết động xâm nhập cấp cứu, kỹ thuật dẫn lưu não thất cấp cứu và theo dõi áp lực sọ não liên tục cho bệnh nhân sau can thiệp sọ não cấp cứu, kỹ thuật thay thế thận liên tục cấp cứu…).

Mặt khác, nhằm hạn chế tình trạng quá tải ở tuyến trên, hằng năm khoa cấp cứu phối hợp Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Bạch Mai), tổ chức năm đến tám lớp (khoảng 200 học viên) đào tạo chuyên đề cấp cứu cơ bản và chuyên sâu; công tác chăm sóc bệnh nhân cấp cứu cho các bác sĩ, y tá tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa còn lắm khó khăn Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang… Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả việc luân chuyển cán bộ từ tuyến trên (Đề án 1816 của Bộ Y tế) xuống hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn, quy trình kỹ thuật cấp cứu cho các cơ sở y tế thuộc các địa phương Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ.

Theo TS Nguyễn Văn Chi, thời gian qua tuy đã đạt được một số thành tích, lời khen nhiều hơn tiếng chê nhưng để xứng đáng là chuyên khoa tuyến cuối, khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai vẫn phải tiếp tục khắc phục các hạn chế, bất cập như chất lượng và năng lực chuyên môn của đội ngũ điều dưỡng viên chưa thật đồng đều, các quy trình kỹ thuật trong quá trình cấp cứu cần bảo đảm chặt chẽ hơn. Việc bàn giao giữa các ca trực (nhất là vào các ngày cuối tuần, ngày lễ) về bệnh nhân, bệnh án, chế độ kê đơn thuốc bảo hiểm y tế, khâu thanh quyết toán cho bệnh nhân… cũng là những điều cần quan tâm cải tiến cho gọn nhẹ, chuẩn xác hơn nhằm không ngừng nâng cao sự hài lòng của người bệnh…

Theo Nhân dân điện tử 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image