Responsive Image

DetailController

Tin hoạt động Bệnh viện

Người chiến sỹ áo trắng

Người chiến sỹ áo trắng

Tháng 10-1944, tại Pắc Bó-Hà Quảng (Cao Bằng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng ra thành lập. Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. 

Từ đội quân đầu tiên với 34 chiến sỹ, 70 năm qua Quân đội ta từng bước phát triển, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh cùng với toàn Đảng, toàn quân tiến hành thắng lợi tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, lập nhiều chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế.

Góp sức trong công cuộc bảo vệ đất nước đó, phải kể đến những “người chiến sỹ áo trắng”. Không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng những người chiến sỹ áo trắng luôn sát cánh bảo vệ sức khoẻ cho chiến sỹ, cho đồng bào và chăm sóc sức khoẻ người thân ở hậu phương để nơi tiền tiến, các chiến sỹ yên tâm chiến đấu.

qddsc4830 (2).jpg

 

Lãnh đạo, quản lý một bệnh viện có bề dày truyền thống hơn 103 năm, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc bệnh viện cũng đã từng tham gia trong quân đội. Cởi bỏ quân phục trở về với đời thường, người bác sỹ quân y vẫn mang theo mình những giá trị tư tưởng người lính Cụ Hồ. Tính cách luôn chủ động sẵn sàng và quyết tiến của anh Bộ đội cụ Hồ đã đi vào huyết quản của những người lính một thời khói lửa như PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, đó cũng chính là một trong những chìa khóa giúp ông vận hành Bệnh viện Bạch Mai lên những tầm cao mới. Bên cạnh hoạt động chuyên môn của bệnh viện, mỗi khi có sự kiện khẩn cấp, đích thân PGS. Quốc Anh lập tức cùng đoàn công tác lên đường ứng cứu từ những nơi tiền tiêu của Tổ quốc như Đảo Lý Sơn đến Hà Giang, hay như gần đây nhất là hỗ trợ cho các nạn nhân trong vụ lật xe ở Lào Cai.

 

Ôn cố tri tân

Trong bức thư viết tháng 2-1955, Bác Hồ nêu rõ: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Bác Hồ cũng đã nhiều lần căn dặn cán bộ: Trên đời này không có gì sung sướng, vẻ vang hơn là được phục vụ nhân dân. Sức khỏe là vàng, không có sức khỏe thì con người không thể làm bất cứ việc gì. Chính vì vậy, muốn đất nước ngày càng phát triển thì trước hết nhân dân phải có sức khỏe tốt. Và đó là nhiệm vụ của ngành Y tế: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đó là lý do Người khẳng định công việc của những người trong ngành Y tế là một “nhiệm vụ rất vẻ vang”.

_dsc4893.jpg

 

Trong kháng chiến chống Pháp, dưới sự quan tâm lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Chính phủ với đường lối kháng chiến kiến quốc đúng đắn, cán bộ ngành Y tế đã khắc phục mọi khó khăn, cố gắng bền bỉ đưa công tác y tế của đất nước tiến lên. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, công tác y tế của nước ta thời kỳ này “đã đi dần vào con đường phục vụ quảng đại nhân dân”. Lịch sử ghi danh những chiến sĩ áo trắng không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Biết bao tấm gương y, bác sĩ - chiến sĩ kiên trung, dũng cảm đã xuất hiện trên khắp chiến trường, nhiều người đã để lại một phần máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, cũng có không ít người đã vĩnh viễn ra đi, để lại bao niềm đau nỗi nhớ cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Ngày 2-1-1947, Người đã có thư khen ngợi sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ cứu thương, trong đó có đoạn: “Tôi được báo cáo rằng: Các thầy thuốc và khán hộ đều hết lòng săn sóc thương binh một cách chu đáo. Thế là các bạn cũng trực tiếp tham gia kháng chiến cứu quốc”. Trong “Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt” (ngày 28-3-1964), Người đánh giá rằng: “Công tác y tế đã có nhiều thành tích, đã ngăn chặn được nhiều dịch bệnh và bệnh xã hội cũ, sức khỏe của nhân dân được nâng cao. Trẻ em ngày càng được săn sóc chu đáo hơn”. Công tác y tế thời kỳ này không chỉ là một mặt trận kháng chiến mà còn là một mặt trận đấu tranh chống lại bệnh tật, đem lại sức khỏe cho toàn dân, vì cuộc sống của nhân dân.

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Y tế đã nêu cao tinh thần cống hiến hết mình và nỗ lực không ngừng để vừa góp phần xây dựng cuộc sống mới, vừa trở thành hậu phương vững chắc cung cấp đầy đủ thuốc men cho toàn quân, vừa kề vai sát cánh với các chiến sĩ sẵn sàng cứu chữa kịp thời thương bệnh binh, bảo đảm sức khỏe cho họ tiếp tục kiên cường đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Rất nhiều sinh viên y khoa mới tốt nghiệp cũng xung phong vào các chiến trường khốc liệt, đem tài sức của mình kề vai sát cánh với những người lính ngoài trận địa, góp phần vì sự nghiệp cách mạng cao đẹp của nước nhà. Hàng trăm nghìn tấn thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế đã được vận chuyển vào miền Nam qua đường Hồ Chí Minh.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất một nhà, ngành Y tế đã khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân. Phương châm đổi mới của ngành y tế là kế thừa, nâng cao chất lượng, kết hợp phòng bệnh và chữa bệnh, lấy dự phòng làm chính, đông tây y kết hợp để xây dựng nền y học Việt Nam phát triển bền vững.

qd_dsc4851.jpg

 

Hoà chung thành tích đó, những cựu chiến binh của Bệnh viện Bạch Mai lại sát cánh bên người đồng chí, đồng đội, người thủ trưởng, PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh để tiếp tục cùng nhân dân chiến đấu với bệnh tật, đưa họ trở về với gia đình trong tâm thái mạnh tinh thần, khoẻ thể chất!

Mỗi năm đến dịp 22/12, những người chiến sỹ áo trắng năm xưa  lại tụ họp để ôn lại kỷ niệm xưa. Và trong lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quân đội Nhân dân, Hội Cựu chiến binh Bệnh viện Bạch Mai vinh dự nhận Giấy khen của Hội Cựu chiến binh Quận Đống Đa vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” năm 2014 .

Phát biểu tại lễ mit tinh, TS. Nguyễn Mai Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện thay mặt cho Cán bộ đoàn viên Công Đoàn Bệnh viện Bạch Mai xin  được cảm ơn các Đ/c từng là những quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với truyền thống chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, và của chính các Đ/c trong Hội cựu chiến binh BV Bạch mai nói riêng, đã góp phần rất lớn làm lên chiến thắng của dân tộc. Không chỉ những chiến công trong thời chiến, ngay cả thời bình, chính các  Đ/c lại là những người đã phát huy truyền thống tốt đẹp của bệnh viện và tiếp tục xây dựng, phát triển bệnh viện lên tầm cao mới: Một bệnh viện đa khoa hoàn  chỉnh hạng đặc biệt như ngày hôm nay./.

Đỗ Hằng 

 

 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image