Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

Quy trình Kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không dưới hướng dẫn XQ

Kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ hút chân không dưới hướng dẫn XQ là phương pháp xâm nhập tối thiểu cho phép chỉ một lần chọc kim có thể lấy số lượng mẫu lớn, giảm số lần sinh thiết và cho chẩn đoán chính xác giai đoạn của bệnh.

BSCKII. Lưu Hồng Nhung, Trưởng nhóm X.quang vú, Trung tâm Điện quang sẽ chia sẻ một số thông tin nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về kỹ thuật này.

Các bước thực hiện

Tiếp cận tổn thương:

Với các tổn thương chỉ quan sát được dưới X.quang (vi vôi hoá, bất xứng, rối loạn cấu trúc): tiến hành sinh thiết trực tiếp dưới máy X.quang nhờ hệ thống định vị 3D và hệ thống máy hút chân không có hỗ trợ giá đỡ và cắt tự động.

Dựa trên phim chụp X.quang vú hai tư thế cơ bản (thẳng CC và chếch trong ngoài MLO), bác sỹ xác định vị trí tổn thương trong không gian 3 chiều, xác định tư thế ép vú khi làm sinh thiết là tư thế có tổn thương gần mặt da nhất, đủ độ dày nhu mô vú (độ dày mô vú khi ép phải lớn hơn chiều dài của phần kim cắt).

Chuẩn bị bệnh nhân:

Kỹ thuật viên, y tá (điều dưỡng) sát khuẩn vị trí chọc kim: cồn betadin ít nhất 2 lần

Trải toan vô khuẩn cho vùng cần sinh thiết.

Bọc bàn chụp và bàn ép bằng túi nilon vô khuẩn. 


Sau khi mô vú được ép chặt ở tư thế đã chọn, tiến hành chụp X.quang vú ở hai tư thế chếch bóng -15 độ và +15 độ. Sau khi bác sỹ xác định vị trí tổn thương tương ứng trên hai tư thế chếch, bộ định vị 3D sẽ tính toán toạ độ của tổn thương bao gồm các thông số x, y, z trong không gian 3 chiều. Các thông số này được gửi đến bộ định vị trên giá đỡ kim sinh thiết để di chuyển kim đến vị trí cần sinh thiết.

Gây tê tại chỗ: lidocain- ephrinprine 2%, từ 5- 10 ml: gây tê trong da và dưới da dọc theo vị trí sẽ chọc, dọc theo đường đi dự định của kim sinh thiết; tổn thương gần núm vú cần gây tê nhiều hơn. Sau khi gây tê, tiến hành chụp chếch bóng -15o và +15o lần 2 để xác định khả năng di chuyển tổn thương sau gây tê, có thể phải xác định lại toạ độ tổn thương mới nếu di lệch quá nhiều, gửi lại các thông số x, y, z đến giá đỡ kim sinh thiết.


 

Lấy mẫu tổn thương 


Rạch vết nhỏ ở da bằng lưỡi dao phẫu thuật bằng kích thước mũi kim sinh thiết (3-5mm).

Dưới hệ thống định vị 3D của máy X.quang: Đưa kim sinh thiết vào tọa độ đã chọn, tiến hành bấm máy sinh thiết tự động cắt 6 hoặc 12 mảnh xung quanh vị trí đánh dấu.

Các mảnh bệnh phẩm được lấy ra qua hệ thống hút chân không được trải ra trên một khay và được chụp lại dưới máy X.quang, kiểm tra vi vôi hoá đã được lấy đúng, trong khi mô vú vẫn được ép chặt và kim sinh thiết vẫn được giữ trong vùng tổn thương. Nếu chưa thấy được tổn thương cần lấy sẽ tiến hành lặp lại bước lấy mẫu trên cho đến khi có tổn thương (vi vôi hoá) cần sinh thiết.

Chỉ chọn những mảnh có tổn thương cần sinh thiết để gửi giải phẫu bệnh.

Đặt vật đánh dấu vị trí đã sinh thiết bằng dụng cụ chuyên dụng.

Kết thúc thủ thuật 


Rút kim sinh thiết 


Băng ép cầm máu trong vòng tối thiểu 10 phút, sát khuẩn và băng lại vị trí chọc 


Cố định bệnh phẩm bằng formol và gửi giải phẫu bệnh.

Người bệnh nằm tại giường trong vòng 2 giờ, theo dõi mạch, huyết áp, dặn người bệnh giữ vệ sinh vị trí sinh thiết, thay băng hàng ngày.       

Những vấn đề có thể phát sinh trong và sau quá trình thực hiện kỹ thuật là gì?

Trong quá trình: lấy chưa đúng mẫu (sẽ tiếp tục lấy). BN căng thẳng quá, không thể làm tiếp được (BN sẽ được nghỉ ngơi, và thực hiện lại quy trình)

Sau quá trình: Chảy máu: trường hợp chảy máu nhiều phải băng ép cố định ít nhất 15 phút, nếu chảy máu nhiều phải phẫu thuật cầm máu.

Nhiễm trùng: người bệnh sưng đau nhiều, sốt cao: cho người bệnh uống kháng sinh, chống viêm, dặn người bệnh giữ vệ sinh. 


Tràn khí khoang màng phổi: trường hợp sinh thiết xuyên vào thành ngực: người bệnh có thể biểu hiện khó thở, đau ngực: cần chụp X.quang phổi và chuyển cấp cứu xử trí: thở oxy, hút khí khoang màng phổi nếu tràn khí nhiều.

Phản xạ thần kinh phế vị: người bệnh khó thở, lo lắng, biểu hiện trào ngược, buồn nôn: dừng thủ thuật, giải thích cẩn thận cho người bệnh, ủ ấm, cho người bệnh uống thuốc chống nôn nếu cần thiết. 


Dị ứng thuốc gây tê: người bệnh có biểu hiện dị ứng, mẩn ngứa, khó thở, tim đập nhanh: xử trí các thuốc chống dị ứng, nếu trụy tim mạch dùng Adrenalin và chuyển sang cấp cứu điều trị tích cực.

Nếu muốn được áp dụng kỹ thuật này tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân cần đăng ký với ai, thủ tục này thế nào?

Trường hợp BN đã có đủ các XN: siêu âm, XQ tuyến vú, có chẩn đoán là các tổn thương nghi ngờ (từ BIRADS 3 trở lên). BN cần mang tất cả các kết quả đã có tới phòng Can thiệp tuyến vú - Trung tâm Điện quang BV Bạch Mai. Số hotline (trong giờ hành chính) 091.705.8822. Tại đây, BN sẽ được các bác sỹ thuộc nhóm vú tư vấn và hướng dẫn làm thủ tục để thực hiện kĩ thuật.

Trường hợp BN chưa có bất cứ một XN nào. BN sẽ đến BV Bạch Mai để đăng kí khám (BN có thể khám tại các chuyên khoa sản, chuyên khoa u bướu, khoa khám bệnh theo yêu cầu). BN sẽ được khám, chụp XQ và siêu âm tuyến vú. Khi có kết luận BN, cần phải thực hiện kĩ thuật này, BN sẽ đến phòng Can thiệp tuyến vú - Trung tâm Điện quang BV Bạch Mai. Số hotline (trong giờ hành chính) 091.705.8822 để được hẹn ngày giờ cụ thể.

Diệu Hiền ghi

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image