Responsive Image

DetailController

Bài viết chuyên môn

Rối loạn lo âu ở trẻ: Nguyên nhân sinh bệnh và dấu hiệu nhận biết

ThS.BS. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần Nhi và Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết: Mỗi ngày, có đến 50% số bệnh nhi đến khám sức khoẻ tâm thần của chính BS Thiện được chẩn đoán mắc các vấn đề cảm xúc, trong đó có các rối loạn lo âu. Còn theo Thống kê của CDC về sức khỏe tâm thần trẻ em ở Hoa Kỳ năm 2016 – 2019 cho thấy, các vấn đề lo âu, hành vi và trầm cảm là những chẩn đoán phổ biến nhất ở trẻ em. Trong đó lo âu chiếm 9,4% (xấp xỉ 5,8 triệu) và độ tuổi 12 - 17 tuổi có tỷ lệ lo âu chiếm cao nhất.

Đưa con trai đi khám, phát hiện ra cả 2 mẹ con cùng bị rối loạn lo âu

BSCKII. Cao Thị Ánh Tuyết, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về ca lâm sàng: Bệnh nhi nam, 13 tuổi được gia đình đưa đến khám vì có những biểu hiện nghi rối loạn tâm thần. Theo lời kể của bà mẹ: bệnh nhi vốn là người sống hướng nội. Gần đây, con thường xuyên lo lắng nhiều chuyện trong cuộc sống và học tập. Con luôn lo lắng bản thân mình học kém sẽ ảnh hưởng đến thi đua của lớp. Khi ra đường, con luôn sợ bị tai nạn. Ngoài ra, con thường hay có biểu hiện đi ra cửa kiểm tra nhiều lần xem đóng chưa, hoặc cầm một đồ vật phải nhấc lên nhấc xuống rồi mới cầm... Ban đầu gia đình nghĩ con cẩn thận, nhưng khi các biểu hiện trên lặp đi, lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài nên đã đưa đi khám. Ngoài những biểu hiện trên, nam sinh này còn xuất hiện các triệu chứng như bị run tay chân, hồi hộp, trống ngực.

Sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán, nam sinh này bị rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn nghi thức và có chỉ định điều trị. Bác sĩ Ánh Tuyết chia sẻ thêm: sau khi con được chẩn đoán bị rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn nghi thức, mẹ cũng xuất hiện những biểu hiện như hồi hộp, lo lắng, run tay chân và được các bác sĩ thăm khám ngay tại viện. Qua các bài test, bác sĩ kết luận mẹ bệnh nhi cũng bị rối loạn lo âu lan tỏa, nhưng không bị lo nghĩ quá nhiều vấn đề nhỏ nhặt như con.

Nguyên nhân sinh bệnh

Theo BSCKII. Nguyễn Hoàng Yến, Phó Phòng điều trị tâm thần nhi và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai: các yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn lo âu ở trẻ bao gồm:

- Các yếu tố nhận thức và học tập;

- Các yếu tố sinh học, thần kinh;

- Yếu tố di truyền và các yếu tố xã hội, môi trường.

Một vấn đề bác sĩ Yến lưu ý, với trẻ trong thời kỳ 2-5 tuổi, nếu thường xuyên có các biểu hiện như:

- Trẻ ít thể hiện khi đối mặt với sự mới lạ;

- Thiếu nụ cười, ít nói chuyện;

- Ít tương tác;

- Giao tiếp bằng mắt hạn chế;

- Chậm thân thiện với người lạ hoặc trẻ cùng lứa tuổi;

- Không sẵn sàng khám phá những tình huống mới,…

Có thể những trẻ này sẽ có nguy cơ bị rối loạn lo âu cao gấp 2 - 4 lần so với những trẻ khác.

Về nguyên nhân gia tăng số trẻ mắc rối loạn lo âu tới khám, điều trị, bác sĩ Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần, Phó Trưởng Bộ môn tâm thần (Trường Đại học Y Hà Nội) cho rằng số người đi khám nhiều hơn một phần là do hiểu biết về căn bệnh này nhiều hơn và người dân quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần. "Nhiều bệnh nhân cho biết luôn căng thẳng, mệt mỏi vì mất kết nối và trẻ cảm thấy cô đơn trong gia đình. Đơn cử như việc "con chưa nói, chưa trình bày thì bố mẹ đã mắng mỏ, lấn át, không nghe con nói tiếp" - bác sĩ Thiện chia sẻ.

Dấu hiệu nhận biết

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến cho biết về cơ bản trạng thái lo lắng là điều bình thường. Nhưng với một số trẻ, sự lo lắng kéo dài, quá mức, ảnh hưởng đến hành vi và suy nghĩ, gây trở ngại cho học tập, gia đình và quan hệ xã hội là cần đưa trẻ đến bác sĩ để khám, đánh giá tình trạng này. Các dấu hiệu của rối loạn lo âu thường là trẻ né tránh các hoạt động học tập và xã hội, như đến trường, tiệc tùng, cắm trại… và luôn cần sự trấn an quá mức hoặc lặp đi lặp lại khi đi ngủ, đi học hoặc nỗi sợ hãi về những điều tồi tệ xảy ra. Trẻ sẽ học sút, vì thiếu tập trung trong lớp hoặc gặp khó khăn trong việc hoàn thành các bài kiểm tra trong thời gian quy định.

Trẻ bị rối loạn lo âu có thể biểu hiện bằng các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, khó nuốt, cảm giác mắc nghẹn, nôn hoặc buồn nôn, đau ngực, khó thở, đau dạ dày, tê và ngứa ran ở ngón tay hoặc ngón chân do thở gấp hoặc đau kịch tính. Đặc biệt là có sự bùng nổ và hành vi chống đối bởi một tác nhân kích thích gây lo âu. Nghiên cứu cho thấy một tỉ lệ đáng kể trẻ em, những trẻ có vấn đề về cân nặng hoặc ăn uống có chọn lọc, cho biết có lo âu.

Đáng lưu ý khi nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ lo âu có thể có ý định tự sát. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng ý tưởng hoặc hành vi tự sát ở trẻ lo âu có liên quan đến sự tuyệt vọng và trầm cảm kèm theo. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm bệnh và biết nơi điều trị để đưa trẻ đến thăm khám, tư vấn. Bác sĩ Thiện cho biết: "Bệnh lý này nếu điều trị sớm sẽ rất hiệu quả, việc điều trị sẽ có thể dùng thuốc, tư vấn và điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, trẻ đã có thể khỏi bệnh”.

Để dự phòng rối loạn lo âu ở trẻ, phụ huynh nên điều chỉnh hoạt động, lối sống ở trẻ; cần tập luyện thể thao thường xuyên, khoảng 30 phút/ngày; ăn uống đủ chất; ngủ đúng giờ, đủ 8-10 tiếng/ngày tùy lứa tuổi; tập yoga hoặc thư giãn tinh thần; giải quyết các vấn đề gây lo lắng ngay từ ban đầu; tập thở thư giãn 4 thì (hít vào 3 giây, nín thở 3 giây, thở ra 3 giây, giữ 3 giây), nâng cao các kỹ năng đối phó với căng thẳng và các  kỹ năng xã hội.

-----------------------------

Nếu bạn hoặc người nhà, người thân có các dấu hiệu liên quan đến rối loạn lo âu hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, muốn tư vấn cách phòng ngừa, điều trị thì có thể đến khám và tư vấn tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

Địa chỉ: Cổng số 3 - Bệnh viện Bạch Mai, đường Phương Mai, phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.

  • Số điện thoại: 0243.576.5344 – 098.410.4115
  • Email: nimhvn@gmail.com
  • FB: Nimh.Vietnam
  • Website: www.nimh.gov.vn
  • Đặt lịch khám online: Bcare.vn

 

Diệu Hiền

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image