Luôn nghi ngờ mất tiền - Đi khám phát hiện bị sa sút trí tuệ
Chia sẻ về ca lâm sàng: ThS.BS Nguyễn Văn Hải, Phòng Sức khoẻ Tâm thần người cao tuổi và Y học giấc ngủ (M8), Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Mới đây, Viện có tiếp nhận cụ bà N.T.H, 80 tuổi, được con gái đưa vào viện trong tình trạng luôn nghi ngờ có người ăn cắp đồ, trộm tiền và trở nên cáu gắt với tất cả người thân trong gia đình. Bà H lấy chồng và sinh được 5 người con, hiện tất cả đã có gia đình riêng, tiền sử hoàn toàn bình thường. Cách đây 7 năm, chồng mất vì ung thư, bà H đang ở cùng con trai cả, gia đình hòa thuận. Khoảng 4 năm nay, người bệnh hay quên không uống thuốc, hay kể lại chuyện ngày xưa cũ, nấu cơm quên bật nút…. Các triệu chứng ngày càng tiến triển nặng dần, thậm chí có lần đi ra ngoài không nhớ đường về. Đặc biệt, bà H thường xuyên hoài nghi, dễ cáu gắt với mọi người trong gia đình, thường xuyên cất tiền nhưng không tìm lại được, nghi ngờ con dâu lấy cắp tiền của mình. Khoảng 3 tháng trở lại đây, bà H thường xuyên lo sợ vì cho rằng có người đến ăn cắp đồ đạc trong nhà mình, bệnh nhân mang đồ đạc bên ngoài vào nhà khóa chặt cửa đề phòng bị mất cắp. Vài ngày, bà H lại đòi thay khóa một lần. Lo lắng bị mất trộm, nhiều đêm bà H không ngủ, đi lại quanh nhà để trông đồ đạc. Dù được con cháu khuyên ngăn nhưng bà H không nghe, ngược lại còn cáu gắt, đòi đánh người nhà nên được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe tâm thần để thăm khám.
Bác sĩ Hải cho biết: sau khi thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ nhận thấy, người bệnh tỉnh, tiếp xúc được, có sa sút trí tuệ, hoang tưởng bị thiệt hại, dễ cáu gắt và đêm ngủ ít. Từ những biểu hiện trên, bà H được chẩn đoán bị sa sút trí tuệ trong bệnh Alzheimer khởi phát muộn với triệu chứng phụ thêm chủ yếu hoang tưởng, có bệnh lý tăng huyết áp.
“Sau khi có chẩn đoán, người bệnh được điều trị suy giảm nhận thức, chống loạn thần. Sau 17 ngày điều trị, người bệnh tỉnh, tiếp xúc được, hết hoang tưởng, cảm xúc và hành vi tạm ổn định, ngủ được nhiều hơn. Hiện người bệnh đã được xuất viện, theo dõi và điều trị ngoại trú”, bác sĩ Hải thông tin.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Alzheimer
TS.BS. Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Sức khoẻ Tâm thần người cao tuổi và Y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Alzheimer là bệnh lý tâm thần phổ biến ở người cao tuổi và đây là nguyên nhân hàng đầu gây sa sút trí tuệ - hậu quả của quá trình thoái hóa dẫn đến chết tế bào thần kinh.
Theo thống kê của WHO, năm 2020 ước tính có khoảng 55 triệu người trên toàn thế giới bị sa sút trí tuệ, với gần 10 triệu ca mắc mới mỗi năm, trong đó Alzheimer chiếm 60-70% các trường hợp. Đáng nói, số người mắc sa sút trí tuệ tăng gấp đôi sau mỗi 20 năm, lên 82 triệu năm 2030 và 152 triệu năm 2050.
Tại Viêt Nam, dân số hiện đang già hóa và thống kê cho thấy có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi mắc sa sút trí tuệ, chiếm 5% dân số ở độ tuổi này. Sa sút trí tuệ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 7 và là nguyên nhân gây ra tình trạng khuyết tật và phụ thuộc hàng đầu ở người cao tuổi.
Theo bác sĩ Mai, bệnh Alzheimer thường khởi phát âm thầm, khiến nhiều người không nhận ra mình đang mắc phải, hoặc nhầm lẫn những dấu hiệu quên nhớ với quá trình lão hóa tự nhiên.
Bác sĩ Mai tư vấn, một số dấu hiệu nhận biết sớm Alzheimer như sau:
- Suy giảm trí nhớ: khó khăn trong việc nhớ các sự kiện gần đây, quên những việc vừa làm, hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin, quên các từ ngữ hoặc tên gọi quen thuộc, quên vị trí để chìa khóa, mắt kính hoặc các vật dụng thường ngày khác, quên tắt bếp khi nấu ăn…;
- Giảm tiếp thu thêm thông tin mới;
- Giảm sự tập trung, chú ý;
- Giảm khả năng lập kế hoạch;
- Giảm vốn từ, giảm sự lưu loát khi nói và viết…;
Với những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh lý mạch máu não hay nghiện rượu, hút thuốc, lười vận động sẽ tăng nguy cơ bị Alzheimer. Ngoài ra, bệnh Alzheimer cũng có liên quan đến yếu tố gen, tuổi tác và giới tính. Theo đó, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn, hay phụ nữ có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn nam giới.
“Một vấn đề cũng hết sức lưu ý đó là những người cô đơn, cô lập xã hội ví dụ như cách ly trong đại dịch COVID-19, không tham gia vào các hoạt động xã hội, ít tương tác giữa các cá nhân có thể tăng nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ.
Do vậy, “khuyến khích mọi người tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, duy trì mối quan hệ với gia đình bạn bè, tăng sự tương tác giữa các cá nhân trong gia đình và ngoài xã hội giúp giảm nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ”, bác sĩ Phương Mai tư vấn.
Ngoài tham gia vào hoạt động xã hội, việc quản lý bệnh nền, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, không dùng chất kích thích cũng giúp dự phòng sa sút trí tuệ. “Khi bản thân hoặc người thân đang cảm thấy khó khăn khi ghi nhớ hoặc nhận thấy các thay đổi khác về khả năng nhận thức, tốt nhất đừng bỏ qua các triệu chứng đó, nên sớm đến khám và tư vấn các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần.
---------------------------------------
Nếu bạn hoặc người nhà, người thân có các dấu hiệu liên quan đến sa sút trí tuệ hoặc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, muốn tư vấn cách phòng ngừa, điều trị thì có thể đến khám và tư vấn tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai
Địa chỉ: Cổng số 3 - Bệnh viện Bạch Mai, đường Phương Mai, phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Số điện thoại: 02435765344 – 0984104115
- Email: nimhvn@gmail.com
- FB: Nimh.Vietnam
Diệu Hiền