Chính vì vậy các bậc cha mẹ cần theo dõi thường xuyên và phải có kiến thức về răng miệng để giúp quá trình thay răng sữa của trẻ diễn ra thuận lợi nhất.
Hình 1. Răng sữa của trẻ
1. Quá trình thay răng ở trẻ như thế nào ?
Trong cuộc đời của mỗi con người, chúng ta phải trải qua quá trình mọc răng và thay răng: từ bộ răng sữa thành bộ răng vĩnh viễn. Các răng sữa mọc từ tháng tuổi thứ 6 đến 30 của trẻ, và răng sữa sẽ bắt đầu thay khi trẻ 5 đến 6 tuổi, tuy nhiên quá trình thay răng cũng có thể xuất hiện sớm hơn hoặc trễ hơn, tùy vào từng cá thể và có tính chất gia đình.
Có tất cả 20 răng sữa mọc theo thứ tự, bắt đầu từ răng cửa giữa, răng cửa bên, răng hàm nhỏ thứ nhất, răng nanh, răng hàm nhỏ thứ 2 và được hoàn toàn thay thế bởi bộ răng vĩnh viễn khi trẻ 12 tuổi.
Hàm răng của trẻ được coi là phát triển bình thường khi thứ tự của các răng vĩnh viễn sẽ mọc tương tự như răng sữa, nghĩa là chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước và thứ tự thay răng có sự khác biệt giữa hàm dưới và hàm trên.
2. Thời gian thay răng sữa và mọc răng vĩnh viễn
Thời gian thay răng sữa và mọc răng vĩnh viễn trung bình được thể hiện trong sơ đồ (hình 2).
Hình 2: Thời gian thay răng sữa và mọc răng vĩnh viễn
Dấu hiệu nhận biết khi trẻ thay răng: Khi răng của trẻ đến tuổi thay, có thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu: Răng lung lay; Phần lợi sưng, đỏ; Vùng chân răng của trẻ cảm thấy đau, ngứa…
3. Những lưu ý đối với trẻ trong quá trình mọc và thay răng
Vệ sinh răng miệng sau những bữa ăn luôn là một trong những điều quan trọng đầu tiên cần làm đối với trẻ nhỏ, tránh các bệnh có thể gây ra như sâu răng, các bệnh nha chu…
Giúp trẻ tránh các thói quen xấu như nghiến răng, thở bằng miệng, mút tay, lấy lưỡi đẩy vào răng… vì những thói quen này sẽ dẫn đến tình trạng răng hô, móm, răng mọc lệch, răng mọc chen chúc hoặc quá thưa gây ảnh hưởng tới quá trình mọc răng đúng vị trí và thẩm mỹ sau này
Hạn chế đồ ngọt, đồ cứng khó nhai, kẹo cao su.
Khi trẻ đến thời điểm mọc và thay răng, dinh dưỡng cũng là 1 phần rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển răng ở trẻ, cần bổ sung cho trẻ chế độ ăn với giàu chất dinh dưỡng như: Canxi, Flour, Vitamin D, A, B1, C…
Khi phát hiện thấy trẻ có răng mọc lẫy, cha mẹ nên đưa trẻ đi nhổ các răng sữa càng sớm càng tốt để các răng vĩnh viễn có cơ hội trở về vị trí đúng trên cung răng, tránh gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng của răng ở trẻ sau này.
Hình 3: Mọc lẫy ở răng cửa hàm dưới của trẻ.
Kết luận: Quá trình thay răng của trẻ diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm thường xuyên các vấn đề răng miệng ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Một hàm răng chắc, khỏe, đẹp sẽ rất tốt cho trẻ trong tương lai đồng thời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giao tiếp và trong cuộc sống về sau này.
--------------------------------------------------------
Người bệnh có nhu cầu khám và điều trị chuyên khoa Răng Hàm Mặt xin đến đăng ký khám và điều trị tại:
Khoa Răng Hàm Mặt - Nhà A7, Bệnh viện Bạch Mai, 78 Giải Phóng.
Thời gian khám và điều trị: 8h - 16h các ngày từ thứ 2 đến thứ 6.
Số điện thoại: 086.958.7708
BS. Nguyễn Thế Minh - Khoa RHM, BV Bạch Mai