Đủ thông tin căn bản
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa thực hiện “vòng tay định dạng” cho bệnh nhân. Chị Trần Thị Bích Phương, điều dưỡng trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch C8 của bệnh viện, cho biết vòng tay này thể hiện họ tên và có dán “tem” in mã cá nhân được số hóa. Mã này được lập ngay khi nhập viện để phân biệt trong trường hợp các bệnh nhân trùng nhau về họ tên, ngày tháng năm sinh. Có hai loại vòng, trắng và đỏ. Màu trắng là bệnh nhân thông thường, màu đỏ là bệnh nhân nặng. Đây là “nhận diện” cần thiết bởi bệnh nhân nặng có nguy cơ sốc, nhiễm trùng, tai biến, cần chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đặc biệt, theo dõi sát sao.
Theo TS-BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Bệnh viện Bạch Mai, vòng đỏ cũng được sử dụng với bệnh nhân có các yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến trong điều trị. Ví dụ như bệnh nhân có cơ địa dị ứng (dị ứng thức ăn, thời tiết, phấn hoa, dị ứng thuốc). “Cơ địa dị ứng làm tăng nguy cơ tai biến, phản ứng nặng khi dùng thuốc trong quá trình phẫu thuật, điều trị như: thuốc gây mê, gây tê, cản quang, kháng sinh. Trong trường hợp này, vòng đỏ chính là tín hiệu cảnh báo để các bác sĩ kê đơn tránh các thuốc mà bệnh nhân từng bị dị ứng kê đơn; chủ động cho xử trí tình huống dị ứng thuốc có thể xảy ra. Vòng đỏ chính là cảnh báo sớm cho nhân viên y tế đồng thời giúp an toàn hơn cho bệnh nhân”, BS Hùng cho hay.
Một bệnh nhân nam (57 tuổi, quê ở Hà Nam) kể: “Tôi vào điều trị, ban đầu được đeo vòng tay màu trắng với các thông tin cơ bản, nhưng sau khi nhân viên y tế biết tôi có bị dị ứng với hải sản đã đổi sang vòng màu đỏ. Tôi cũng không nghĩ dị ứng thức ăn lại liên quan đến điều trị bệnh. Sau khi được nhân viên y tế giải thích, tôi biết đó là yếu tố có thể gây các phản ứng dị ứng khi dùng thuốc”.
“Ở các bệnh viện hiện đại trên thế giới, vòng đeo dạng này được triển khai từ rất lâu để an toàn trong phẫu thuật, thủ thuật, cho bệnh nhân uống thuốc, tiêm truyền, xét nghiệm. Tại Bệnh viện Bạch Mai, việc đeo vòng nhận diện đã được thí điểm ở các khoa sản, nhi, hồi sức, cấp cứu, phẫu thuật tim mạch - những nơi có bệnh nhân nặng và sẽ triển khai trên toàn bệnh viện. Phương thức này giảm thiểu đến mức thấp nhất những sai sót trong quá trình điều trị như: mổ nhầm, tiêm nhầm”, BS Hùng thông tin thêm.
“Tem in mã cá nhân của người bệnh còn được thể hiện trong bệnh án, trên dụng cụ đựng bệnh phẩm xét nghiệm, trong các gói thuốc chia cho bệnh nhân, trên chai dịch truyền; qua đó tránh được các nguy cơ nhầm lẫn kết quả xét nghiệm, tránh nhầm lẫn khi cấp thuốc cho bệnh nhân”, điều dưỡng Trần Thị Bích Phương cho biết.
Vòng tay mẹ - bé
Tại Khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai, cặp vòng tay màu hồng mẹ - con được gắn cho mẹ và bé ngay sau khi em bé chào đời. PGS-TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Sản cho biết chiếc vòng của mẹ - con cùng được ghi tên mẹ, mã bệnh án của mẹ (mã này được cấp khi mẹ nhập viện), ghi tên của bé. Chiếc vòng được làm bằng chất liệu an toàn, không gây kích ứng cho da em bé còn non nớt, và cũng đảm bảo để không trôi, tuột. “Cặp vòng tay tuy giản dị nhưng thực sự thiết thực và tôi sẽ giữ làm kỷ niệm”, chị Hà (24 tuổi, nhà ở Q.Đống Đa, mới sinh bé gái đầu lòng) chia sẻ.
“Khi các điều dưỡng đón bé đi tắm cũng phải thực hiện đối chiếu mẹ - con, tránh nhầm lẫn. Với các trường hợp em bé có bệnh lý, phải xa mẹ do cần được chăm sóc riêng, vòng tay cũng chính là “cầu nối” mẹ và bé”, TS Nha nói thêm.