Theo WHO, đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh
không lây phát triển nhanh nhất trong thế kỉ 21, không những ở các nước phát
triển mà cả ở các nước đang phát triển. Trước đây tuổi mắc ĐTĐ phổ biến ở người
cao tuổi, thì đến nay những điều tra sàng lọc đã phải quan tâm đến những người
trên 35 tuổi, đặc biệt là phải trú trọng đến tình trạng phổ biến ở những người
sau 40 tuổi kèm theo thừa cân béo phì, rối loạn lipid máu. Đây là những đối
tượng đã có dấu hiệu rối loạn dung nạp đường huyết và tăng nhanh khả năng mắc
ĐTĐ do thiếu hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý cũng như không biết cách luyện tập
đúng phương pháp khi kiểm soát đường huyết đi kèm cùng với những bệnh khác
trong hội chứng chuyển hóa.
Ở Việt Nam, tỷ lệ ĐTĐ cũng đang có xu
hướng gia tăng nhanh, trên toàn quốc tỷ lệ ĐTĐ đã tăng từ 2,7% năm 2002 lên mức
5,4% năm 2012, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, tỷ lệ ĐTĐ đã gia tăng ở mức báo
động, chiếm 12,4% năm 2010.
Hiện nay ngoài giải pháp sử dụng thuốc,
thì các giải pháp dự phòng và điều trị ĐTĐ, đặc biệt ĐTĐ týp 2 đã được quan tâm
nhiều trong những năm gần đây. Một số nghiên cứu ở Việt Nam đã cho thấy chế độ
ăn hợp lý phối hợp với vận động thường xuyên là những giải pháp hiệu quả để
kiểm soát đường huyết, góp phần vào dự phòng và hỗ trợ điều trị ĐTĐ tốt nhất.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng: mục tiêu dinh dưỡng điều trị đối với người ĐTĐ là nhấn mạnh vai trò của lối sống trong kiểm soát glucose, lipid, lipoprotein và huyết áp. Cải thiện sức khỏe thông qua việc lựa chọn thực phẩm và hoạt động thể lực dựa trên tất cả các khuyến cáo dinh dưỡng để điều trị ĐTĐ.
Dinh dưỡng hợp lý kết hợp với vận đồng thường xuyên để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường
Để huy động cộng đồng tham gia các hoạt
động dinh dưỡng có hiệu quả nói chung và trong dự phòng ĐTĐ nói riêng, Tháng
Dinh dưỡng năm 2016 sẽ được tổ chức với chủ đề “Dinh dưỡng hợp lý, vận động
thường xuyên để phòng chống đái tháo đường”.
Tháng Dinh dưỡng là hoạt động được tổ
chức bởi Mạng lưới Dinh dưỡng cộng đồng khu vực Đông Nam Á (SEA-PHN) được
thành lập năm 2014, gồm các thành viên: Việt Nam, Indonexia, Malaysia, Thái Lan
và Philippine. Hàng năm các thành viên của SEA-PHN đều tổ chức triển khai Tháng
Dinh dưỡng, với chủ đề tùy thuộc vào tình hình của mỗi nước. Với ý nghĩa như
vậy, theo PGS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam: tại nước ta,
Tháng Dinh dưỡng năm nay cần dấy lên những hoạt động thúc đẩy nâng cao nhận
thức cho mọi người dân về vai trò của dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường
vân động thường xuyên nhằm dự phòng giảm tỷ lệ mắc mới ĐTĐ cũng như kiểm soát
đường huyết cho bệnh nhân ĐTĐ, góp phần hạn chế những diễn biến nặng, những tổn
thương nội tạng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ĐTĐ tại Việt
Nam, đồng thời tăng cường học hỏi, truyền bá những kinh nghiệm phòng chống ĐTĐ
cho các nước trong khu vực.
Theo đó, trong Tháng Dinh dưỡng sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như: ngày 5/5 tại Thái Bình đã diễn ra Hội nghi khoa học Dinh dưỡng lâm sàng khu vực miền Bắc do Bộ Y tế phối hợp hợp với Hội Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng và Đại học Y dược Thái Bình tổ chức. Tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nhấn mạnh đến vai trò của dinh dưỡng trong công tác điều trị tại các bệnh hiện nay, đồng thời PGS Khuê cũng đánh giá tình hình công tác thực hiện Thông tư 08/2011/BYT về hướng dẫn công tác dinh dưỡng tiết chế trong các bệnh viện, để từ đó đẩy mạnh hơn nữa công tác dinh dưỡng lâm sàng.
Dự kiến trong những ngày tới, Tháng Dinh
dưỡng sẽ có thêm các hoạt động như: Lễ phát động Tháng Dinh dưỡng triển khai
vào ngày 28/5 tại Nghệ An. Ngày Vi chất dinh dưỡng 1-2/6 sẽ do Viện Dinh dưỡng
Quốc gia triển khai trên toàn quốc, tại TP HCM sẽ có Chương trình truyền thông
về “dinh dưỡng cho bệnh không lây và phòng chống ĐTĐ”…
Nguồn Suckhoedoisong.vn