Ca cấp cứu “trên trời”
GS-TS Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện một nhóm bác sĩ vừa thực hiện thành công ca cấp cứu “trên trời” nhờ phác đồ chống sốc mới mà ông và đồng nghiệp vừa hoàn thiện. Các bác sĩ kể lại, trên chuyến bay VN 416 của Vietnam Airlines đi từ Hà Nội tới Seoul (Hàn Quốc), sau bữa ăn nhẹ trên độ cao 10.000m, hành khách Nguyễn Văn Tr (54 tuổi) mẩn ngứa toàn thân, sau đó buồn nôn, khó thở, thở rít và nhanh chóng tím tái.
Trên máy bay có 1 nhóm bác sĩ Việt Nam, mọi người nhanh chóng xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, không ai có thuốc sốc phản vệ để cấp cứu cho bệnh nhân. Máy bay dù có hạ cánh khẩn cấp cũng mất 45 – 60 phút, trong khi tính mạng của bệnh nhân chỉ tính bằng giây. May mắn, tiếp viên đã tìm được một va li chứa đồ cấp cứu có 2 ống Adrenalin – “vũ khí” chống sốc phản vệ hiệu quả nhất theo phác đồ chống sốc mới mà các bác sĩ Việt Nam mới được chia sẻ. Chỉ sau vài phút được tiêm thuốc, bệnh nhân đã thở trở lại, môi và các chi hồng hào.
Cấp cứu sốc phản vệ tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai).
Bác sĩ Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cùng tham gia ca cấp cứu trên trời cũng cảm thấy khó tin khi giúp bệnh nhân vượt qua cái chết trong gang tấc. Theo bác sĩ Học, dù có đủ các bác sĩ, nhưng nếu không nhờ phác đồ mới, trong đó chủ lực là thuốc Adrenalin thì các bác sĩ cũng bó tay.
Theo GS Bình, sốc phản vệ muôn hình, muôn vẻ, khi cơ thể có những “yếu tố lạ” xâm nhập thường xảy ra phản ứng để chống lại. Tuy nhiên, đối với một số người, phản ứng này lại có tác dụng ngược, khiến bệnh nhân bị sốc. Các phản ứng sốc có thể là mẩn ngứa, phù miệng, lưỡi, họng hoặc co thắt phế quản, gây ngạt thở; giãn mạch khiến mạch máu không tuần hoàn, không thể cung cấp oxy cho các cơ quan, cũng không thải được độc tố ra ngoài; chậm hơn khiến cho mạch máu thoát dịch (nước trong mạch máu ngấm ra ngoài) gây phù ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn… Nguyên nhân sốc phản vệ cũng rất nhiều như côn trùng đốt, dị ứng thức ăn, sốc do các chế phẩm máu, thuốc, hoá mỹ phẩm…
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cấp cứu một trường hợp bệnh nhân nữ hơn 20 tuổi dị ứng với bún dọc mùng. Chỉ ăn vài miếng bún có dọc mùng, bệnh nhân đã bị khó thở. Người bán hàng vội nhờ xe ôm đưa bệnh nhân vào viện nhưng do ngạt thở lâu, bệnh nhân đã thiếu oxy não, tim ngừng đập, khi được cấp cứu, tim đập trở lại nhưng não đã hỏng, sống thực vật.
Giải pháp cấp cứu mang tên Adrenalin
GS Bình chia sẻ, phác đồ cấp cứu sốc phản vệ mà Bộ Y tế ban hành từ năm 1999 chỉ có bác sĩ mới có thể xử lý, quy định chẩn đoán sốc phản vệ cũng rất chậm trễ (khi đã tụt huyết áp) hoặc phải xét nghiệm tìm nguyên nhân dị ứng, sốc. Đợi đến lúc như vậy thì việc cấp cứu trở nên quá muộn.
Do đó, khoa Hồi sức tích cực đã đưa ra phác đồ cấp cứu sốc phản vệ mới. Đánh giá trên 161 ca sốc phản vệ tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ sở y tế khác do khoa Hồi sức tích cực thực hiện từ tháng 6.2014 đến tháng 6.2015 cho thấy, 154 bệnh nhân điều trị phản vệ theo phác đồ mới cấp cứu phản vệ có dùng Adrenalin không có ca tử vong nào. So với 7 bệnh nhân không theo phác đồ thì 2 trường hợp phản vệ nhẹ còn sống, 5 trường hợp nặng đều tử vong. “Phác đồ này hướng dẫn cán bộ y tế, kể cả bác sĩ, điều dưỡng, y tá có thể nhận biết được các dấu hiệu sốc phản vệ từ sớm để kịp thời cấp cứu. Đồng thời tiêm Adrenalin tức khắc với liều nhỏ để chặn các cơn khó thở, huyết áp hạ, sau đó mới xử lý các biện pháp cấp cứu khác. Sự nhanh chóng, chính xác này giúp bệnh nhân thoát được lưỡi hái tử thần” – GS Bình cho biết. Hiện phác đồ cấp cứu sốc phản vệ bằng Adrenalin đã được trình Bộ Y tế để được phê duyệt và đưa vào sử dụng rộng rãi.
Cũng theo GS Bình, Adrenalin là thuốc khá độc, có tác dụng phụ nên các bác sĩ thường e ngại sử dụng. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân sốc phản vệ, chỉ cần tiêm từ từ để “giảm sốc” sẽ không có nguy hiểm mà còn cứu mạng cho họ. Những bệnh nhân nặng có thể phải sử dụng rất nhiều Adrenalin mới sống sót. “Kỷ lục” dùng Adrenalin thuộc về một bé gái 14 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) bị dị ứng khi ăn nhộng. Cô bé nhanh chóng bị mẩn ngứa, huyết áp tăng vọt, khi đến viện đã hôn mê. Các bác sĩ tiêm Adrenalin nhưng bệnh nhân sau đó vẫn bị sốc. Cuối cùng, sau 7 ngày điều trị, cô bé đã dùng tới 450 ống Adrenalin mới thoát khỏi nguy kịch, trong khi bệnh nhân bị sốc nhẹ chỉ cần ½ -1 ống.
Theo GS Bình, hiện nay ở nhiều nước đã trang bị các “bút tiêm” có chứa Adrenalin để người dân có thể xử lý các ca sốc phản vệ ngoài đời. Với “bút tiêm” và một vài hướng dẫn đơn giản, bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng tiêm thẳng vào bắp đùi khi bệnh nhân bị sốc phản vệ. Nhưng giá thành “bút tiêm” khá cao, từ 80-120 USD. Vì thế, GS Bình đề xuất nên trang bị thuốc cấp cứu sốc phản vệ hàng đầu là Adrenalin có thể trang bị ngay trên máy bay, cứu hoả, cấp cứu 115… hoặc người làm việc độc lập như cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng, hải quân… Những gia đình có người có tiền sử dị ứng nên để 1 ống Adrenalin hàm lượng thấp dùng để tiêm bắp. Còn người có tiền sử dị ứng nên mang theo ống thuốc này khi đi xa. Như vậy mới có thể tạm thời xử lý cấp cứu cho bệnh nhân trước khi đưa đến các cơ sở y tế lớn.
Nguồn Danviet.vn