Hình ảnh TS.BS Phạm Thị Việt Dung được sử dụng để quảng cáo làm đẹp.
Việc các trang mạng, sản phẩm dùng hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thuốc tạm lắng một thời gian giờ lại nở rộ. Nhiều bác sĩ “sốc” khi thấy hình ảnh của mình quảng cáo tràn lan trên mạng cùng các sản phẩm bán hàng.
Tự do sử dụng hình ảnh của bác sĩ
BS Nguyễn Bá Hưng - Trưởng Khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) - bức xúc khi thấy hình ảnh của mình quảng cáo cho một sản phẩm thuốc cho nam giới: “Một sự lừa đảo trắng trợn khi đưa hình ảnh bác sĩ Hưng và phát biểu bịa đặt gắn kèm với website đen rất phản cảm”.
BS Nguyễn Bá Hưng tiếp: Tôi cảnh báo, sản phẩm Kich Men là sản phẩm lừa đảo. Một sự lừa đảo trắng trợn khi đưa hình ảnh của tôi và phát biểu bịa đặt gắn kèm với website đen rất phản cảm. Tôi đã gọi điện đến Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam để phản ánh thì nhân viên cãi chày cãi cối (đá trách nhiệm cho rằng website đưa thông tin không phải website của công ty) và nhất định không cho gặp người có thẩm quyền để giải quyết, gỡ bỏ”.
Cũng theo BS Hưng, trước khi nói chuyện gỡ quảng cáo, bác sĩ trong vai khách hàng hỏi mua sản phẩm thì nhân viên đon đả chèo kéo bằng được và cũng chính cô nhân viên này khẳng định sản phẩm đó của công ty có quảng cáo trên trang website này.
Theo BS Hưng, không chỉ mình mà một số đồng nghiệp khác cũng bị tương tự. BS Hưng khẳng định: "Chưa biết gì về sản phẩm này, chưa bao giờ có phát biểu thiếu khoa học như thế, đây là một sự lừa đảo họ đã bất chấp tất cả sẵn sàng bịa đặt gán ghép hình ảnh để lừa bịp".
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo khách hàng cẩn trọng với thông tin quảng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam do vi phạm quy định quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.
BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh) - cũng bức xúc khi bị trang facebook "Tăng chiều cao VinMac" sử dụng hình ảnh cá nhân quảng cáo cho sản phẩm. Điều đáng nói, đây là hình ảnh cắt ghép trong một lần BS Khanh trả lời phỏng vấn báo chí.
Chưa hết, kèm theo hình ảnh của BS Khanh là những lời quảng cáo được ghi bên cạnh. Điều này khiến nhiều người nghĩ bác sĩ Khanh đang quảng cáo cho sản phẩm.
Sau khi những hình ảnh này được tung lên, BS Khanh khẳng định: Không hay biết chuyện này. Hơn nữa, bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhi khoa, không khám điều trị các bệnh khác như tim mạch, xương khớp...
Ngoài ra, trang bán hàng còn sử dụng hình ảnh của bác sĩ chuyên khoa hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cùng lời ghép: "Tăng chiều cao 4cm - 5cm/ Chắn chắn cao lên được. Ai lùn thấp bé/ Để lại ngay số điện thoại để được tư vấn/ Thuốc tăng chiều cao nhập khẩu từ Mỹ, các bạn yên tâm nhé...". Vị bác sĩ này cũng khẳng định, không quảng cáo cho nhãn hàng này. Bản thân bác sĩ là chuyên khoa hô hấp và bác sĩ đã từng bị một số nhà thuốc lấy hình ảnh cá nhân cắt ghép quảng cáo sản phẩm.
Sau khi vụ việc được phát hiện, trang quảng cáo đã rút hình ảnh của các bác sĩ xuống. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc lợi dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo cho sản phẩm. Ngoài ra, còn một hình thức quảng cáo mượn hình ảnh bác sĩ khác nữa, đó là việc các bài viết chèn thêm lời tư vấn của bác sĩ vào.
Khi thấy một bác sĩ nói về một loại thuốc nào đó, người tiêu dùng sẽ có cảm giác yên tâm hơn. Trong trường hợp người sử dụng thuốc không thấy hiệu quả, họ cũng chẳng biết kiện ai vì “thuận mua, vừa bán”, song khi đó hình ảnh của người thầy thuốc sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Thông tư 13/BYT về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc, Bộ Y tế nghiêm cấm “lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc”.
Để lách Thông tư 13, hiện nay một số hãng dược đưa hình ảnh bác sĩ “núp bóng” dưới dạng trả lời thắc mắc hoặc tư vấn sức khoẻ cho bạn đọc. "Chiêu” quảng cáo sử dụng tên tuổi và hình ảnh thầy thuốc phổ biến nhất hiện nay là đăng tải bài viết của bác sĩ về một chứng bệnh nào đó kèm theo hình ảnh sản phẩm.
Chẳng hạn, trên một tờ báo mạng, bên dưới bài viết về nội tiết tố sinh dục nam của bác sĩ L.T.T là mẫu quảng cáo loại sâm được cho là “giúp cơ thể sản sinh nội tiết tố nam testosterone một cách tự nhiên, làm chậm mãn dục, phục hồi sinh lực phái mạnh”.
Dĩ nhiên, khó bắt giò được kiểu quảng cáo này vì không vi phạm quy định, nhưng chắc chẳng ai tin quan hệ bác sĩ - công ty dược là “vô tư”.
TS-BS Phạm Thị Việt Dung - Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) - kể: Tôi rất bất ngờ khi một loạt các trang mạng có hình ảnh của mình để quảng cáo làm đẹp. Do không biết những trang thông tin do ai quản lý nên tôi phải khuyến cáo trên trang cá nhân của mình.
“Lưu ý trang facebook không phải của TS-BS Phạm Thị Việt Dung. Hiện tại bác sĩ Dung chỉ có trang fanpage TS-BS Phạm Thị Việt Dung và trang facebook cá nhân Dung Pham. Khách hàng, bạn bè bác sĩ Dung đã phát hiện nhiều trang facebook sử dụng tên và hình ảnh của bác sĩ để quảng bá các dịch vụ làm đẹp hoặc yêu cầu khách hàng gửi ảnh (chụp cả bụng ngực và mặt...) với mục đích không rõ ràng. Trân trọng thông báo để mọi người biết”. TS-BS Dung đưa ra khuyến cáo.
Tác hại khôn lường
TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ: Quảng cáo thực phẩm chức năng trên các website hiện nay là hình thức rất phổ biến. Tuy nhiên, quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội hiện cũng rất khó quản lý, nhiều nội dung không đúng với bản chất thực phẩm.
Trong đó, có không ít trường hợp trang website quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng, khiến người dân tưởng nhầm thuốc chữa bệnh. Rất nhiều sản phẩm, website và doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lập biên bản vi phạm và xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp công ty vi phạm quảng cáo trên website, mặc dù cơ quan chức năng có bằng chứng, nhưng họ chỉ nhận sản phẩm đúng là của công ty nhưng website thì không phải của họ, nên công ty không chịu trách nhiệm.
Cục An toàn thực phẩm luôn khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại các website bị cảnh báo.
Việc sử dụng hình ảnh bác sĩ quảng cáo sản phẩm vẫn chưa được xử lý triệt để. Để tránh “tiền mất, tật mang”, các bác sĩ khuyến cáo người dân có nhu cầu làm đẹp, điều trị bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, không nên tin vào quảng cáo, đặc biệt là các trang mạng xã hội; mua các sản phẩm thực phẩm cần kiểm tra kỹ lưỡng...
Tại khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) quy định phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Ngoài ra, nếu những đối tượng quảng cáo có hành vi quảng cáo lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo sai sự thật thì sẽ bị xử phạt 50 - 70 triệu đồng.
Trong trường hợp này, bác sĩ bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, công an xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, những người bị mạo danh có thể khởi kiện chủ trang fanpage (và nhà sản xuất thuốc nếu nhà sản xuất nhờ trang fanpage quảng cáo giùm) ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án ra quyết định buộc họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).