Theo Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm chủ yếu gồm: bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe cộng đồng.
Đại diện Báo Thanh Niên tặng hoa cảm ơn bác sĩ Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Tại VN, tử vong do các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh, chiếm tới 73% tổng số tử vong, 66% tổng gánh nặng bệnh tật. Mặc dù nguy hiểm nhưng các bệnh không lây nhiễm có thể được phòng chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực, cùng với việc tăng cường năng lực hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh.
Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bảo vệ sức khỏe tim mạch và phòng bệnh không lây nhiễm” được Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ Y tế tổ chức vào lúc 14 giờ ngày 24.12.2018.
Các khách mời đến từ các bệnh viện: Bạch Mai, BV Nội tiết T.Ư sẽ chia sẻ cùng bạn đọc kiến thức phòng ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, COPD, hen.
Mời bạn đọc quan tâm tới chương trình đặt câu hỏi tại box bên cạnh.
MINH HẰNG
Hải Phòng Xin cho biết, bệnh COPD có biểu hiện nào để phân biệt với bệnh lao vì cùng gây ho, khó thở, mệt mỏi. Có trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm không, vì ở tỉnh điều kiện chẩn đoán không hiện đại như ở Hà Nội? Xin cảm ơn bác sĩ!
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai Bệnh lao phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có các triệu chứng hô hấp mạn tính như ho, khạc đờm, khó thở, mệt mỏi... Để chẩn đoán xác định hai bệnh này thì bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm.
Chẩn đoán bệnh phổ tắc nghẽn mạn tính dựa vào lâm sàng, tiền căn tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và kết quả đo chức năng hô hấp. Chẩn đoán lao phổi dựa vào lâm sàng, X-quang phổi và các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguy cơ bị bệnh lao. Do vậy, nên chụp X-quang phổi định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh lao sớm.
Người bệnh lao không nên tiếp tục hút thuốc vì nếu mắc kèm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì tiên lượng nặng hơn.
DUY ANH
Hà Nội Xin bác sĩ cho biết, khí hậu miền Bắc dễ gây bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn hơn so với các nơi có thời tiết nóng như ở phía Nam, đúng không? Vì sao có sự khác biệt đó? Nếu sinh sống tại phía Nam thì khả năng điều trị khỏi bệnh hen cao hơn, đúng không? Cảm ơn bác sĩ!
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai Bệnh hen có thể có yếu tố di truyền. Nhiễm khuẩn đường hô hấp, yếu tố thời tiết như đổi mùa, thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh, mưa phùn gió bấc ẩm ướt... là những yếu tố gây khởi phát cơn hen.
Bệnh nhân sinh sống ở miền Bắc cần chú ý ở những thời điểm giao mùa, khí hậu nóng ẩm làm vi khuẩn và vi rút phát triển là nguyên nhân làm bệnh nhân mắc bệnh hen dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Khí hậu miền Bắc gồm 4 mùa nên thay đổi thời tiết có thể gây kịch phát cơn hen phế quản, đặc biệt là thường xảy ra ở những bệnh nhân không tuân thủ điều trị dự phòng hen.
Bệnh nhân hen chuyển sinh sống ở khu vực miền Nam sẽ tránh được yếu tố kịch phát là thay đổi thời tiết nhưng cũng có thể có các yếu tố kịch phát khác như nhiễm khuẩn, bụi khói, phấn hoa, lông vật nuôi… làm xuất hiện cơn hen cấp.
ÁNH DƯƠNG
Hà Nội Xin bác sĩ cho biết, khi đã được chẩn đoán mắc COPC, cần lưu ý gì về chế độ ăn uống, vận động. Bệnh cần dùng thuốc lâu dài như bệnh hen, đúng không? Xin cảm ơn!
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gặp các rối loạn về dinh dưỡng như teo cơ, sụt cân, giảm khối mỡ, loãng xương… làm giảm sức mạnh các cơ hô hấp, giảm chức năng phổi, dễ dẫn đến tử vong.
Nhìn chung, tính chất bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính càng nghiêm trọng hơn nếu kết hợp với tình trạng suy dinh dưỡng... Những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà bị suy dinh dưỡng dễ vào các đợt cấp của bệnh, làm bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn.
Chính vì vậy, người bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp cơ thể của từng bệnh nhân. Bên cạnh đó, cần theo dõi cơ thể để phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng và can thiệp kịp thời.
Tập thể dục, vận động đều đặn, thường xuyên là yêu cầu cần thiết ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vật lý trị liệu đối với người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có vai trò thiết yếu trong kiểm soát triệu chứng của bệnh này.
BẠN ĐỌC BÁO THANH NIÊN
Xin chào khách mời! Xin cho biết, biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Chẩn đoán bệnh có cần thiết bị hiện đại không? Tôi sống ở Bắc Kạn, gần đây cảm thấy khó thở, mệt mỏi, đã bỏ thuốc lá từ hơn 3 tháng, nhưng thỉnh thoảng khó thở sâu, nặng trong ngực. Vậy, có nhất thiết về Hà Nội khám bệnh hoặc chỉ khám tại tỉnh có thể chẩn đoán được bệnh? Cảm ơn bác sĩ!
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai Biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:
Ho, khạc đờm kéo dài. Đây là triệu chứng thường gặp và không do các bệnh phổi khác như lao phổi, giãn phế quản;... ho dai dẳng hoặc gián đoạn từng đợt (ho kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và trong 2 năm liên tiếp trở lên), ho khan hoặc ho có đờm, thường ho khạc đờm về buổi sáng; ho đờm mủ là một trong các dấu hiệu của đợt cấp do bội nhiễm.
Khó thở: tiến triển nặng dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, thở nặng, cảm giác thiếu không khí, hoặc thở hổn hển, thở khò khè. Khó thở tăng lên khi gắng sức, nhiễm trùng đường hô hấp. Các triệu chứng ho khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian, thường là ho khạc đờm xuất hiện trước sau đó mới xuất hiện thêm khó thở. Khi khó thở mà bệnh nhân cảm nhận được, lúc đó bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Khi phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ COPD, cần chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế có điều kiện (tuyến tỉnh, tuyến T.Ư) để làm thêm các thăm dò như đo chức năng thông khí, chụp X-quang phổi, điện tim... để chẩn đoán xác định và loại trừ những nguyên nhân khác có triệu chứng lâm sàng giống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
NGUYỄN HẢI
Hòa Bình Chào bác sĩ, tôi sống ở Bắc Giang. Xin cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn có thể bị chẩn đoán nhầm với bệnh hen không, vì tôi đọc tài liệu trên mạng thấy bệnh này cũng có nguyên nhân là thuốc lá, khí bụi, bếp than lâu ngày. Xin cảm ơn bác sĩ!
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai
Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là các bệnh hô hấp mạn tính có biểu hiện tắc nghẽn đường thở, có các biểu hiện lâm sàng như ho, khạc đờm, khò khè, nặng ngực... Hai bệnh có các đặc điểm bệnh khác nhau.
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở tuổi trên 40, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc với khói bụi độc hại. Triệu chứng của bệnh luôn tồn tại ngay cả khi người bệnh đã ổn định.
PGS - TS Phan Thu Phương (trái), Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Bạch Mai, đang trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Thanh Niên ẢNH NGỌC THẮNG |
Bệnh hen thường xuất hiện khi còn nhỏ và tuổi trẻ. Triệu chứng chỉ xuất hiện từng lúc, cơn khó thở thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng, giữa các cơn hen, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì. Cơn hen xuất hiện do nhiều yếu tố kích thích như bụi khói, phấn hoa, lông vật nuôi, thời tiết thay đổi, viêm xoang...
Có một số bệnh nhân đồng mắc cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, do bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản từ trước sau có hút thuốc lá, thuốc lào và tiếp xúc với khói bụi. Bệnh tiến triển gồm cả triệu chứng của hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những bệnh nhân này bệnh thường nặng, chi phí điều trị cao và tỷ lệ tử vong lớn hơn nhóm bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đơn thuần.
BÍCH NGÀ
Hà Nội Bệnh có yếu tố gia đình thì làm sao có thể phòng bệnh cho con cái nếu bố hoặc mẹ bị hen? Cảm ơn bác sĩ!
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai Bệnh hen có thể có yếu tố di truyền, nếu gia đình có bố mẹ bị hen thì con cái họ có khả năng mắc bệnh hen.
Vì vậy, nếu trẻ có biểu hiện ho, cò cử, khó thở, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời, phòng tránh các yếu tố nguy cơ, tránh xuất hiện cơn hen cấp có thể nguy hiểm tính mạng.
MINH HẢI
Hưng Yên Tôi có mẹ bị hen, cứ thời tiết thay đổi là bệnh trở nặng. Bệnh hen làm sao để điều trị khỏi? Cảm ơn bác sĩ!
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai Hen phế quản là bệnh có biểu hiện khó thở từng cơn do co thắt phế quản kèm tăng tiết dịch phế quản. Nguyên nhân do dị nguyên kích thích như phấn hoa, lông chó mèo, nấm mốc, bụi các loại…
Bệnh có thể có yếu tố di truyền, nhiễm khuẩn đường hô hấp, yếu tố thời tiết như đổi mùa, thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh, mưa phùn gió bấc ẩm ướt... đều là những yếu tố cho cơn hen khởi phát.
Bệnh hen không chữa khỏi được nhưng có thể kiểm soát được bệnh. Trường hợp mẹ của bạn được chẩn đoán là hen phế quản thì cần đến cơ sở y tế để nhận phác đồ điều trị và cần phải tuân thủ điều trị, tái khám, thực hiện các biện pháp phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây kịch phát cơn hen.
ĐỨC MINH
TP.HCM Cơ quan y tế thường nói đến tác hại của hút khói thuốc lá, hút thuốc lào. Vậy hút xì gà thì có tác hại cho cơ thể không? Tác hại với phổi thế nào?
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai Hút xì gà có hại đến các cơ quan của cơ thể, trong đó có bệnh lý ở đường hô hấp, vì điếu xì gà kích thước lớn hơn và được bọc ngoài bằng chính lá của cây thuốc lá chứ không phải bằng giấy như trong điếu thuốc lá.
Lượng nicotine trong 1 điếu xì gà nhiều gấp 10 lần, amoniac nhiều gấp 20 lần, kim loại Cadmium nhiều gấp 10 lần so với 1 điếu thuốc lá.
Thuốc lá trong điếu xì gà cũng có nhiều nitrate (tiền chất của chất sinh ung thư mạnh là N-nitrosamines).
HẢI HÀ
Hà Nội Xin cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể chữa khỏi được không? Tôi có đọc thấy thông tin bệnh này không có thuốc trị, vậy bệnh viện đang áp dụng phương pháp nào chữa trị cho bệnh nhân mắc COPD? Cảm ơn bác sĩ!
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với đặc điểm diễn biến ngày càng nặng dần, nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm, tuân thủ điều trị sẽ làm chậm tiến triển của bệnh, giúp cải thiện triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của người bệnh.
Đại diện Báo Thanh Niên tặng hoa cảm ơn PGS - TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Bạch Mai ẢNH NGỌC THẮNG |
Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm điều trị dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc.
Điều trị bằng thuốc: tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, thầy thuốc sẽ kê đơn thuốc phù hợp và bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, tái khám theo hẹn để bác sĩ điều chỉnh đơn thuốc phù hợp, giúp đạt hiệu quả điều trị tối ưu.
Biện pháp không dùng thuốc: dừng ngay thói quen có hại như hút thuốc lá, thuốc lào; tiếp xúc khói bụi ô nhiễm; tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe; phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp: tránh tiếp xúc nguồn lây, tiêm vắc xin cúm và phế cầu.
TRƯỜNG GIANG
Hà Nội Xin chào bác sĩ! Bệnh phổi tắc nghẽn tôi mới nghe gần đây nhưng không biết rõ, xin bác sĩ cho biết về bệnh này? Ai có nguy cơ mắc bệnh? Cảm ơn bác sĩ!
PGS
TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô Hấp, BV bạch Mai Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh hô hấp mạn tính, có đặc trưng bởi triệu chứng hô hấp và giới hạn luồng khí bởi bất thường đường dẫn khí và/hoặc phế nang, thường do tiếp xúc với các hạt hoặc khí độc hại.
Yếu tố nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thuốc lá, bên cạnh đó còn có yếu tố nguy cơ tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm, bất thường về di truyền, về sự phát triển của phổi...
BẠN ĐỌC BÁO THANH NIÊN TẠI HÀ NỘI
Xin cho biết, tại y tế xã hiện đã tham gia chăm sóc bệnh mãn tính nào? Bệnh nhân có thể nhận thuốc trị tiểu đường, huyết áp cao tại xã không?
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Chủ trương của Bộ Y tế hiện nay là triển khai hoạt động quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, đặc biệt là đối với bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
Vì vậy, người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường hoàn toàn có thể đến trạm y tế xã để khám và lĩnh thuốc điều trị theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay đang trong lộ trình để triển khai tại các địa phương và những trạm y tế xã đáp ứng yêu cầu về năng lực và các quy định về khám chữa bệnh thì mới cung cấp các dịch vụ này. Cho nên, tốt nhất là bạn liên hệ với trạm y tế xã để tìm hiểu xem tại đó đã cung cấp các dịch vụ này hay chưa.
MINH HẰNG
Hà Nội Xin cho biết, như thế nào là sử dụng rượu nguy hại? Có liên quan đến loại ung thư nào?
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, không có ngưỡng uống rượu bia nào là an toàn đối với cơ thể, chỉ khác nhau ở mức độ nguy cơ cao hay thấp mà thôi.
Bằng chứng khoa học đã cho thấy, uống rượu bia ở mức độ nào cũng có nguy cơ gây mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là 7 loại ung thư sau: khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
MINH QUÂN
Khánh Hòa Xin cho hỏi, Bộ Y tế đã có những giải pháp gì để phòng chống bệnh không lây nhiễm cho người dân chưa? Nếu có, xin cho biết cụ thể?
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Thứ nhất, Bộ Y tế đã ban hành Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm cho giai đoạn 2015 - 2025.
Thứ hai, để phòng chống yếu tố nguy cơ, Việt Nam đã ban hành luật Phòng chống tác hại thuốc lá và đang xây dựng luật Phòng chống tác, hại của rượu bia và các chính sách pháp luật liên quan khác.
Thứ ba, Bộ Y tế đang triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch để phát triển hệ thống y tế, tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu để người dân được dự phòng, phát hiện sớm bệnh và được quản lý điều trị, chăm sóc lâu dài khi mắc bệnh nhằm nâng cao sức khoẻ, bảo đảm chất lượng cuộc sống, giảm tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật.
LÊ HOÀ
bạn đọc của báo Thanh niên Xin cho biết, trẻ nhỏ thích ăn đồ ngọt, béo: bánh kẹo, nước ngọt, có nguy cơ đối với sức khoẻ không? Các đồ này bán rất sẵn trong căng tin nhà trường, trẻ không có lựa chọn khác. Xin chuyên gia có ý kiến về vấn đề nêu trên. Các nhà trường có cần thay đổi các thực phẩm bán cho học sinh hay không?
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Uống nhiều nước ngọt có đường hoặc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn sẽ gây nguy cơ bị thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hoá, từ đó dẫn đến mắc các bệnh không lây nhiễm.
Vì vậy, cần thiết phải có các chính sách để kiểm soát quảng cáo, để giảm tiêu thụ nước ngọt có đường và các thực phẩm không có lợi cho sức khoẻ, đặc biệt là đối với trẻ em ở trong trường học.
Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 46 về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, trong đó nêu rõ: không quảng cáo đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khoẻ ở trong trường học.
KHÁNH QUỲNH
Hà Nội Xin chào khách mời! Tôi là nhân viên văn phòng, ngồi từ sáng tới tối trên máy vi tính, ít vận động, ít có thời gian nghỉ ngơi. Xin chuyên gia cho hỏi tôi phải làm gì, theo chế độ như thế nào để giảm thiểu nguy cơ mặc bệnh trên?
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Thiếu vận động thể lực, đặc biệt là ngồi tĩnh tại một chỗ quá lâu, là nguy cơ hàng đầu gây mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, bạn phải thay đổi hành vi này để phòng chống bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, bạn có thể vận động thể lực bằng những hình thức đơn giản như đi bộ, đi xe đạp, hoặc thay việc đi thang máy bằng đi cầu thang bộ, chứ đừng hiểu lầm phải luyện tập thể thao mới là vận động thể lực.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người cần tích cực vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong 1 tuần để phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
XUÂN THANH
TP.HCM Xin chào khách mời! Hiện nay, bệnh tim mạch đang bị trẻ hóa, xin bác sĩ tư vấn giúp cách phòng ngừa bệnh này đối với các bạn trẻ. Cảm ơn khách mời!
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Bệnh tim mạch là hậu quả của các hành vi nguy cơ lối sống không lành mạnh. Vì vậy, dự phòng tim mạch đối với các bạn trẻ điều quan trọng nhất là không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia, có chế độ ăn hợp lý và tích cực vận động thể lực.
Nếu làm tốt được 4 điều này, bạn đã phòng được tới 80% các trường hợp mắc bệnh tim mạch.
PHƯƠNG THI
TP.HCM Chào chương trình! Trước đây, cơ thể tôi rất khoẻ và không hề bị dị ứng gì hết. Nhưng vài năm gần đây, cơ thể tôi cảm giác mệt mỏi, nhiều lúc như hụt hơi, tức ngực nếu phải đi bộ nhiều. Xin hỏi có cách gì đề chữa trị và thanh lọc cơ thể hoàn toàn khoẻ không ạ? Xin cảm ơn!
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Bạn có biểu hiện mệt mỏi, hụt hơi, tức ngực khi đi bộ nhiều là dấu hiệu của những bệnh hoặc những tình trạng sức khoẻ khác nhau. Để biết được chính xác, bạn cần phải đi kiểm tra sức khoẻ, để bác sĩ khám và kết luận.
NGUYỄN THỊ KIM DUNG
Bình Định Xin chào khách mời! Xin cho biết các dấu hiệu của bệnh tim mạch? Khi sống trong môi trường có khói thuốc lá thì phải làm thế nào để kiểm soát và phòng chống các bệnh có liên quan? Chế độ ăn uống phù hợp cho người bị bệnh tim mạch như thế nào?
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Ở Việt Nam, tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến nhất gây ra các biến cố về tim mạch. Vì vậy, phát hiện sớm và phòng chống tăng huyết áp là rất quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết những người mắc tăng huyết áp đều không có biểu hiện triệu chứng. Do đó, cách quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp và các bệnh tim mạch là thường xuyên đo huyết áp và đi kiểm tra sức khoẻ.
Bác sĩ Trần Quốc Bảo (trái), Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đang trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Thanh Niên ẢNH NGỌC THẮNG |
Khói thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh tim mạch, vì vậy bạn cần tránh xa khói thuốc. Trường hợp nếu có tiếp xúc với khói thuốc thì bạn nên thường xuyên đi kiểm tra sức khoẻ để phát hiện sớm bệnh tật.
Tùy vào từng người bệnh và tình trạng bệnh mà có chế độ ăn phù hợp. Nếu mắc bệnh tim mạch, bạn nên làm theo hướng dẫn của thầy thuốc.
ĐÌNH PHÚ
TP.HCM Chào bác sĩ! Bệnh đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm nhưng liệu có khả năng di truyền không và làm sao để hạn chế nhỏ nhất việc này? Cảm ơn bác sĩ!
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Bệnh đái tháo đường có yếu tố gia đình, tức là người sống trong gia đình có bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột bị đái tháo đường thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.
Bên cạnh đó, có các yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống dẫn đến mắc bệnh như: dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, hút thuốc, thừa cân béo phì...
Vì vậy, để dự phòng bệnh này, điều quan trọng nhất là không hút thuốc, tích cực vận động thể lực, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và kiểm soát cân nặng, không để thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, bạn cần thường xuyên đi kiểm tra sức khoẻ, xét nghiệm đường máu để phát hiện sớm bệnh, đặc biệt là từ 40 tuổi trở lên hoặc trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường.
NGUYỄN THANH
Đà Nẵng Xin khách mời tư vấn về các chế độ ăn uống dành cho người ít có thời gian tập luyện và các cách thức phòng chống bệnh tim mạch. Xin cảm ơn chương trình!
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Các yếu tố nguy cơ phổ biến gây mắc bệnh tim mạch bao gồm: hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực.
Vì vậy, để dự phòng bệnh tim mạch thì bạn phải loại trừ cả 4 yếu tố trên. Đối với dinh dưỡng hợp lý, bạn nên giảm ăn muối, ăn nhiều rau và hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và a xít béo no (nội tạng động vật), cố gắng kiểm soát cân nặng để không bị thừa cân, béo phì.
Bên cạnh đó, bạn vẫn phải tăng cường vận động thể lực, vì đây là yếu tố rất quan trọng để dự phòng bệnh tim mạch.
HOÀNG HẢI
Cần Thơ Xin bác sĩ cho biết phương pháp ngừa mắc đái tháo đường ở trẻ nhỏ; trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh này, biểu hiện bệnh như thế nào cần đi khám? Cảm ơn bác sĩ!
BS TRẦN QUỐC BẢO
Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Cảm ơn câu hỏi của bạn! Người mắc bệnh đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hoá. Việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường quan trọng nhất là xét nghiệm đường máu, thường là cho những người từ 40 tuổi trở lên.
Với những người trẻ hơn, nếu có nguy cơ cao, ví dụ như trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường hoặc bị thừa cân, béo phì, thì nên thường xuyên xét nghiệm máu để phát hiện sớm bệnh.