Tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân tìm đến thăm khám tình trang đau cổ, vai, gáy, thậm chí đột quỵ, nhồi máu cơ tim… mới phát hiện mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Đây là một hội chứng rất nhiều người mắc nhưng không hề hay biết, nhất là những người thừa cân, béo phì, vòng cổ lớn…
PGS.TS Phan Thu Phương – Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn là tình trạng phổ biến, bệnh nhân ngừng hoặc giảm thở liên tục trong lúc ngủ.
Đây là một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, trong đó người bệnh lặp đi lặp lại các chu kì ngừng thở rồi thở lại trong khi ngủ.
Khi ngừng thở, não sẽ đánh thức người bệnh dậy để hít thở, nhưng lúc tỉnh giấc này quá ngắn khiến chúng ta không biết hoặc không nhớ được.
Điều này dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn, có thể gây ra các triệu chứng như nhức đầu buổi sáng và buồn ngủ ban ngày.
Ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn ảnh hưởng đến mọi người và ở mọi lứa tuổi, với tỷ lệ mắc tăng ở người trên 60 tuổi. Tỷ lệ mắc ngưng thở khi ngủ ước tính là từ 2% - 14%.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn dẫn đến một gánh nặng lớn về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Bệnh nhân ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn không được điều trị sử dụng nguồn chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, hiệu quả làm việc kém hơn, tai nạn lao động và tai nạn giao thông nhiều hơn.
Có nhiều tình trạng sức khỏe liên quan đến ngưng thở khi ngủ như mệt mỏi, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, rối loạn nhịp tim và trầm cảm.
Ngưng thở khi ngủ gây ra tình trạng mệt mỏi, trầm cảm, buồn ngủ ban ngày...
Bác sĩ Phương cũng chỉ rõ, người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ có biểu hiện lâm sàng như: Ngáy to, thở hổn hển trong khi ngủ, béo phì, vòng cổ lớn, hay buồn ngủ quá mức vào ban ngày, buồn ngủ nhưng không ngủ được, khó tập trung…
Khi xuất hiện những cơn ngừng thở từng lúc trong khi ngủ, thời gian mỗi lần ngừng thở khoảng từ 10 giây trở lên. Đặc biệt khi động tác hô hấp hoạt động trở lại bình thường thường phối hợp với sự thức dậy ngắn.
Trong khi ngừng thở, bệnh nhân sẽ bị giảm nồng độ oxy trong máu và tim, làm giảm nguồn cấp oxy cho não dễ dẫn đến đột quỵ tái phát, nếu thiếu oxy đến tim có nguy cơ gây bệnh nhồi máu cơ tim…
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời hội chứng ngừng thở khi ngủ sẽ dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, gây biến chứng nguy hiểm như: Tai biến mạch máu não, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ, mất tập trung khi học tập, lao động hoặc tham gia giao thông...
Những người thừa cân, béo phì nên đến viện đo đa ký giấc ngủ để phát hiện và điều trị sớm hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Các bảng câu hỏi sàng lọc có thể được sử dụng để đánh giá ngưng thở khi ngủ, mặc dù độ chính xác của chúng bị hạn chế.
Tiêu chuẩn chẩn đoán ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn là đo đa ký giấc ngủ tại các trung tâm giấc ngủ.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể điều trị và phòng người được bằng những cách như:
- Nếu ở mức độ nhẹ có thể điều trị đơn giản bằng các cách như: Người bị bệnh cần xây dựng một lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý; với những người thừa cân, béo phì, cần tập thể dục thường xuyên, đều đặn. Tránh các chất kích thích như: Rượu, thuốc lá, thuốc an thần…
- Nên ngủ ở tư thế nghiêng, có thể dùng gối tránh ngáy.
- Nếu bị ở mức độ nặng có thể được điều trị bằng các biện pháp: Đeo nẹp hàm, phẫu thuật, liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục…
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn