Bệnh viện Bạch Mai là Bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt hàng đầu cả nước, Bệnh viện có nhiều chuyên khoa đầu ngành; Nhằm mục đích phát triển chuyên môn và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập các Trung tâm y tế chuyên sâu như Trung tâm Cấp cứu A9 (trên cơ sở sáp nhập Khoa Cấp cứu A9 và Khoa Cấp cứu ngoại); Trung tâm Tiêu hoá - Gan mật (trên cơ sở sáp nhập Khoa Tiêu hóa và Khoa Thăm dò chức năng); Trung tâm Thận - Tiết niệu và Lọc máu (trên cơ sở sáp nhập Khoa Thận tiết niệu và Khoa Thận nhân tạo)…Đây là hướng đi đúng, phù hợp xu thế phát triển chung của nền y học Thế giới và bước đầu đã mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Trung tâm Cấp cứu A9 - Hướng đến Trung tâm Cấp cứu đa năng
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Trung tâm Cấp cứu đa năng là mô hình thế giới đã xây dựng nhiều chục năm qua. Trung tâm Cấp cứu đa năng là nơi thu nhận tất cả bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu, tập trung tất cả nguồn lực để đảm bảo chuyên môn tốt nhất cho người bệnh, từ nội - ngoại - sản - nhi…Ở đó, tất cả điều kiện về phương tiện, mặt bằng, trang thiết bị, con người…được đảm bảo ở mức tốt nhất. Khi cần đến chuyên môn sâu của chuyên khoa nào thì Trung tâm Cấp cứu sẽ kết nối với các chuyên gia về lĩnh vực đó đến Trung tâm Cấp cứu để hội chẩn, xử lý cho bệnh nhân. Do đó người bệnh là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi triển khai mô hình này.
Chăm sóc người bệnh tại Trung tâm Cấp cứu A9
Ở Việt Nam, Hệ thống Cấp cứu đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua và mô hình Trung tâm Cấp cứu đa năng cũng đã được triển khai tại một số Bệnh viện lớn. So với các nơi, việc thành lập Trung tâm Cấp cứu A9 (trên cơ sở sáp nhập Khoa Cấp cứu A9 và Khoa Cấp cứu ngoại) tại Bạch Mai không phải là sớm tuy nhiên đây là xu thế tất yếu của Thế giới nên đã cho thấy những hiệu quả rõ ràng ngay từ khi thành lập. Trên thực tế, một bệnh nhân khi vào Trung tâm Cấp cứu mang theo rất nhiều vấn đề về sức khỏe từ bệnh nền cũ cho đến rất nhiều vấn đề mới. Hoặc chỉ đơn giản, một bệnh nhân bị chấn thương, bị tai nạn nhưng trên cơ thể họ đã có sẵn rất nhiều bệnh nền như tim mạch, huyết áp, tiểu đường… Nếu trước đây, chỉ có bác sĩ ngoại khoa chăm sóc các bệnh nhân gãy chân, gãy tay, tổn thương giải phẫu, cố gắng sửa chữa tổn thương đó mà quên đi tất cả những vấn đề nội khoa khác bệnh nhân đang mắc thì rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Nhưng Trung tâm Cấp cứu đa năng với đầy đủ điều kiện về chuyên môn, phương tiện, những người bệnh vào đã được các bác sĩ có những chuyên môn chuyên sâu về vấn đề đó thăm khám, đánh giá và đưa ra hội chẩn tập thể để giải quyết nên hiệu quả điều trị cho bệnh nhân sẽ được nâng lên một bước. Và từ lúc Trung tâm Cấp cứu A9 chính thức đi vào hoạt động (từ 15/01/2021 đến bây giờ mới có 5-6 tháng, lại đúng vào thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp) nhưng không lúc nào Trung tâm Cấp cứu vắng bệnh nhân. Ngay cả khi dịch Covid-19 lên cao điểm thì Trung tâm Cấp cứu A9 vẫn đạt 80-90% công suất. Rõ ràng sự sáp nhập này giúp chất lượng chuyên môn được tốt hơn, sự chăm sóc người bệnh tốt hơn và thời gian người bệnh cần chuyển đi nơi này nơi khác giảm đi rất nhiều khiến sự hài lòng của người bệnh tăng lên.
Mặc dù mới thành lập trên cơ sở tách ra từ Khoa Cấp cứu A9 nhưng Trung tâm Đột quỵ đã nhanh chóng khẳng định được vị thế, trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh đột quỵ trên cả nước
Về công tác tổ chức hành chính và nhân lực, rõ ràng khi sáp nhập 2 đơn vị chắc chắn sẽ dôi dư ra một lượng lớn nhân lực, để dành cho nhóm công việc khác hoặc tập trung vào chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Về chuyên môn, rõ ràng sự phối hợp của 2 khoa đã hỗ trợ nhau rất tốt. Các bác sĩ cấp cứu chuyên ngành ngoại khoa và nội khoa sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, phối hợp với nhau giải quyết vấn đề của một bệnh nhân. Do đó việc sáp nhập chuyên khoa ngoại và cấp cứu nội A9 thành Trung tâm Cấp cứu A9 đã mang lại kết quả hết sức rõ ràng. Đây cũng là đường lối rất đúng đắn của Đảng ủy - Hội đồng quản lý - Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói chung, đồng thời cũng là tầm nhìn bắt buộc chúng ta phải hòa nhập với xu hướng chung của Thế giới.
Trung tâm Thận-Tiết niệu và Lọc máu: Thêm được 48 giường cho bệnh nhân điều trị nội trú trong khi vẫn giữ nguyên cơ sở vật chất và số lượng cán bộ
“Khi sáp nhập 2 đơn vị, vẫn trên cơ sở vật chất và diện tích của 2 khoa Thận nhân tạo và Thận tiết niệu, vẫn số lượng nhân lực của hai đơn vị nhưng đã kê bổ sung thêm được 48 giường cho điều trị nội trú, trong khi số bệnh nhân lọc máu chu kỳ vẫn được giữ nguyên; Điều này có được do bộ máy hành chính được hợp nhất, bớt cồng kềnh. Đó là những hiệu quả rõ ràng mà việc thành lập Trung tâm Thận - Tiết niệu và Lọc máu trên cơ sở sáp nhập Khoa Thận tiết niệu và Khoa Thận nhân tạo mang lại”, PGS.TS.BS Đỗ Gia Tuyển - Giám đốc Trung tâm Thận - Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
"Chăm sóc người bệnh như người thân của chính mình" tại Đơn nguyên Thận nhân tạo - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu
Bên cạnh đó, chia sẻ “cái được” về mặt chuyên môn, PGS.TS. Đỗ Gia Tuyển nhấn mạnh: “Nếu trước đây, bác sĩ thận nhân tạo được ví như một “người thợ lọc máu” đơn thuần, ít có cơ hội điều trị các bệnh chuyên ngành thận tiết niệu thì nay, khi sáp nhập 2 đơn vị, bác sĩ thận nhân tạo được đào tạo các bệnh nội khoa về thận, tiếp xúc lâm sàng, trình độ dần nâng lên. Các bác sĩ rất vui vì cảm thấy được làm việc đúng chuyên môn mình đã học thay vì chỉ “trông máy chạy thận” như trước đây. Điều dưỡng cũng vậy, hai bên có sự giao lưu, hợp tác, học hỏi lẫn nhau và việc chăm sóc bệnh nhân cũng toàn diện hơn”. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đem lại sự hài lòng cho người bệnh, gia đình người bệnh mà còn từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm.
Bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu
Từ tháng 2/2020 đến nay, Bạch Mai là Bệnh viện đầu tiên trong ngành y tế đi tiên phong triển khai thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ và Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 17/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2020-2021. Mặc dù Bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ trong điều kiện đặc biệt khó khăn do tác động của Covid-19; cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện…nhưng kết quả bước đầu là rất đáng khích lệ với dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hài lòng của người bệnh, người nhà tăng lên… Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các thầy thuốc Bệnh viện, để Bạch Mai luôn giữ vững là ngọn cờ đầu của Ngành y tế, hướng tới kỷ niệm 110 năm thành lập Bệnh viện (1911-2021).
Bài, ảnh: P.V