Ngày 22/12, tại Trung tâm Đào tạo & Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra lễ ra mắt cuốn sách “Sổ tay Siêu âm Hồi sức cấp cứu” và Khai giảng khóa đào tạo “Siêu âm hồi sức cấp cứu”.
Tham gia buổi lễ có PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Phó giám đốc phụ trách quản lý và điều hành Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9; PGS.TS. Vũ Đăng Lưu - Giám đốc Trung tâm Điện quang; PGS.TS. Đặng Quốc Tuấn - Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực; TS. Vũ Văn Giáp - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến cùng đông đảo lãnh đạo các đơn vị và học viên…
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Đào Xuân Cơ chia sẻ: Nâng cao tầm vóc của chuyên ngành Hồi sức cấp cứu đang là vấn đề được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đưa ra yêu cầu cần phải phát triển sâu và rộng. Qua các làn sóng Covid - 19 đã bộc lộ ra chúng ta đang thiếu cả về tổ chức, trang thiết bị, con người cho chuyên ngành Hồi sức cấp cứu ở các tuyến cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực Hồi sức cấp cứu cho hệ thống y tế tuyến cơ sở là rất cấp thiết và quan trọng. Trong quá trình làm lâm sàng, tôi nhận thấy đối với bác sĩ hồi sức thì kỹ năng sơ cứu tại giường là rất quan trọng. Chúng ta phải linh hoạt và biết mọi kỹ thuật sơ cứu từ sơ cứu gẫy xương, đột quỵ đến suy hô hấp; chúng ta phải biết siêu âm cấp cứu ngay tại hiện trường, ngay tại giường bệnh... Trong bối cảnh áp lực công việc cao nhưng hai tác giả là TS.BS. Nguyễn Hữu Quân (Trung tâm Cấp cứu A9) và PGS.TS. Vũ Đăng Lưu (Trung tâm Điện quang) vẫn miệt mài viết và biên dịch để ra mắt cuốn sổ tay “Siêu âm Hồi sức cấp cứu tại giường” cho thấy sự đam mê khoa học, tâm huyết với nghề của hai tác giả. PGS. Cơ biểu dương và đánh giá cao tinh thần say mê, yêu nghề của hai bác sỹ và mong cuốn sách này sẽ dược nhiểu độc giả ngành hồi sức cấp cứu quan tâm và tìm đọc.
Nhóm tác giả của cuốn sách cho biết: Siêu âm cấp cứu tại giường đang trở thành một công cụ chẩn đoán và hỗ trợ điều trị rất hiệu quả tại các Khoa Cấp cứu và hồi sức. Tiếp cận sớm, chẩn đoán nhanh, tận dụng thời gian vàng đã giúp siêu âm trở thành trợ thủ đắc lực của các bác sĩ hồi sức cấp cứu, giúp nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh nhân nặng. Sự ứng dụng vô cùng đa dạng của siêu âm cấp cứu trong chấn thương, siêu âm cấp cứu, đánh giá huyết động, đánh giá chức năng cấu trúc các tạng, hướng dẫn các thủ thuật cơ bản như đặt đường truyền mạch máu, chọc hút dịch màng phổi, màng tim giúp đánh giá rất hiệu quả các tổn thương, đặc biệt là các tổn thương phổi... Cuốn sách “Siêu âm Hồi sức cấp cứu tại giường” sẽ là cuốn cẩm nang cung cấp kiến thức siêu âm cơ bản và kỹ năng thực hành siêu âm cho các bác sĩ lâm sàng không phải chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.
Tin: Đỗ Hằng - Ảnh: Thành Dương