Responsive Image

DetailController

Tin trong ngành

Bí quyết sống khỏe ngừa ung thư và bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, tim mạch, béo phì, đái tháo đường, ung thư) đang gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng sống và là nguyên nhân của hơn 70% các ca tử vong tại Việt Nam.

anhdaidienkhachmoi kvrp

Đại diện Báo Thanh Niên tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến

Tuy nhiên, các bệnh không lây nhiễm hoàn toàn có thể dự phòng và kiểm soát hiệu quả nếu như chúng ta có kiến thức để sống khỏe, với việc duy trì chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực.
Để bạn đọc hiểu hơn về bí quyết sống khỏe cho cộng đồng, Báo  Thanh Niên, Bộ Y tế thực hiện chương trình giao lưu trực tuyến “Bí quyết sống khỏe ngừa ung thư và bệnh không lây nhiễm” vào lúc 14 - 16 giờ ngày 22.11.2019.

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN

TẤN TÀI

 
Xin cho biết, cách bổ sung canxi tốt nhất cho cơ thể? Có nên dùng thực phẩm chức năng hoặc viên uống canxi không? Có cần xét nghiệm và chỉ định của bác sĩ về liều sử dụng không? Cảm ơn khách mời!

PGS

  TS Bùi Thị Nhung,Trưởng Khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế
Trong quá trình tạo xương có canxi, vitamin D, kẽm, magie, vitamin K... Vì vậy, để bổ sung thực phẩm chức năng, chị nên đi khám và tư vấn bởi bác sĩ dinh dưỡng để có liều và phác đồ bổ sung các loại vitamin và khoáng chất thích hợp.
 
Nếu chúng ta uống canxi liều cao, kéo dài khi cơ thể không thiếu canxi cũng có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận, hoặc chỉ bổ sung canxi trong khi vitamin D và kẽm thiếu thì canxi cũng không được chuyển hóa tốt.  
 
Vitamin D có vai trò quan trọng trong điều phối và chuyển hóa canxi, thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột. Nghiên cứu cho thấy, nếu thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng đồng thời mà chỉ bổ sung 1 loại vi chất thì hiệu quả cải thiện không tốt. 
 
Do vậy, bạn không nên tự ý sử dụng thực phẩm chức năng, mà nên đến gặp bác sĩ để có tư vấn và có chỉ định thích hợp, bổ sung cho đúng cách.

BÍCH THANH

   Hải Phòng
Xin cho biết, thực phẩm nào bệnh nhân tăng axit uric không nên dùng? Em trai tôi 29 tuổi đã bị mỡ máu và a xít uric cao, nên ăn uống như thế nào? Nếu tập chạy, cần tập bao lâu mỗi ngày để tốt cho em tôi với tình trạng sức khỏe như vậy? Cảm ơn khách mời!

PGS

  TS Bùi Thị Nhung,Trưởng Khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế

Trong điều trị bệnh gút cấp tính cũng như mạn tính, chế độ ăn đóng một vai trò hết sức quan trọng. 

 

Ăn ít thực phẩm có chứa nhiều nhân purin vào thì vừa giảm được tổng hợp acid uric, vừa giảm được gánh nặng cho thận về đào thải acid uric.

 

Giảm lượng đạm ăn vào, đặc biệt trong trường hợp có biến chứng thận như viêm cầu thận cấp, suy thận cấp, mạn tính và rối loạn lipid máu.

 

Lựa chọn thực phẩm có ít nhân purin kiềm: ăn số lượng vừa phải các thực phẩm ở nhóm 2 (< 150 g/ngày), không nên ăn thực phẩm nhóm 3. Không dùng các thực phẩm và đồ uống có khả năng gây đợt gút cấp: r­ượu, bia, cà phê, chè.

 

Nếu em bạn thừa cân hoặc béo phì, cần phải giảm cân, hoạt động thể lực đều đặn. Mỗi ngày nên tập 30 - 60 phút và ăn tăng cường ăn rau có nhiều chất xơ.

MINH HẠNH

   TP.HCM
Xin tư vấn cho tôi về chế độ ăn cho bệnh nhân mắc cùng lúc các bệnh mãn tính về đái tháo đường, tăng huyết áp. Xin cảm ơn khách mời!

PGS

  TS Bùi Thị Nhung,Trưởng Khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế

Tất cả các bệnh nhân đái tháo đường, không kể đái tháo đường typ 2 hay typ 1, đều phải tuân thủ chế độ ăn giảm glucid (55 - 60% năng lượng khẩu phần).

 

Những thực phẩm nên ăn:

 

+ Nên sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và trung bình. Gạo là thực phẩm sử dụng nhiều và thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày. Gạo trắng có chỉ số đường huyết cao (83). Vì vậy, nên thay thế bằng gạo lứt (chỉ số đường huyết của gạo lứt là 62), hoặc gạo lật nảy mầm (chỉ số đường huyết của gạo lật nảy mầm là 57).

 

Một số nghiên cứu tại Việt Nam và Nhật Bản cho thấy, sử dụng gạo lật nảy mầm đã làm giảm đường máu, mỡ máu và huyết áp trên bệnh nhân đái tháo đường, giảm nguy cơ biến chứng của đái tháo đường.

 

+ Sử dụng trên 400 g rau/ngày, nên ăn rau có nhiều chất xơ làm hạn chế mức độ tăng đường máu sau ăn.

 

+ Nên ăn nhiều loại thực phẩm (15 - 20 loại/ngày, mỗi bữa có trên 10 loại thực phẩm) để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

 

+ Nên ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau ăn, và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn. Nên ăn 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ.

 

Nếu ăn 6 bữa, số lượng mỗi bữa ăn như sau:

 

Bữa sáng:                          10%

 

Bữa phụ buổi sáng:           10%

 

Bữa trưa:                           30%

 

Bữa phụ buổi chiều:          10%

 

Bữa tối:                             30%

 

Bữa phụ vào buổi tối:       10%

 

Nếu ăn 5 bữa, số lượng mỗi bữa ăn như sau:

 

Bữa sáng:                          20%

 

Bữa phụ buổi sáng:           10%

 

Bữa trưa:                           30%

 

Bữa tối:                             30%

 

Bữa phụ vào buổi tối:       10%

 

+ Nên ăn thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, sữa chua, sữa, phô mai (ít béo, không đường).

 

+ Nên sử dụng sữa đặc chế cho bệnh nhân đái tháo đường dưới sự chỉ dẫn của nhân viên y tế, bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.

 

Giảm ăn:

 

+ Hạn chế tối đa các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao làm tăng cao đường máu sau ăn: bánh, kẹo, kem, chè, trái cây sấy... Trái cây khô là các loại thức ăn có trên 20% glucid.

 

+ Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: da, lòng đỏ trứng, phủ tạng (gan, tim, thận...), thức ăn chiên xào.

 

+ Giảm ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp: mì gói, chả lụa, mắm, khô, tương, chao.

 

+ Giảm uống rượu, bia, nước ngọt.

 

+ Không nên dùng đường trắng, dùng đường dành cho bệnh nhân đái tháo đường. 

 

+ Đối với người đái tháo đường có kèm thừa cân, béo phì, nên ăn các thực phẩm luộc, bỏ lò hơn là các món rán, không nên ăn thịt mỡ, ăn cá và thịt gia cầm thay cho thịt đỏ; ăn bơ tách chất béo và các thực phẩm khác nhau có hàm lượng chất béo thấp.

 

+ Hạn chế sử dụng muối: sử dụng dưới 5 g muối/ngày

 

Vận động hợp lý: Nên tập luyện hàng ngày ở mức độ vừa phải (30 - 60 phút/ngày). Trước khi tập, nên ăn nhẹ và kiểm soát đường huyết trước và sau khi luyện tập.

KIM OANH

   Thái Nguyên
Xin cho biết, chế độ dinh dưỡng cho học sinh lứa tuổi trung học cơ sở cần lưu ý gì về nhu cầu dinh dưỡng? Lượng thịt, cá, rau xanh như thế nào thì phù hợp? Gần như này nào con trai tôi (15 tuổi) cũng ăn trứng bữa sáng và trưa: mì nấu, trứng ốp hoặc rán ăn với bánh mì vì tiện lợi, có thời gian đi học. Như vậy có phù hợp không? (con trai tôi cao 1m70, nặng 58 kg). Cảm ơn khách mời!

PGS

  TS Bùi Thị Nhung,Trưởng Khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế
Cháu nên ăn đa dạng thực phẩm theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng từ 15 - 19 tuổi; nên hạn chế ăn mì ăn liền, thức ăn nhanh có nhiều đường và nhiều chất không tốt cho sức khỏe.
 
Một tuần nên ăn khoảng 3 bữa trứng, vì trứng có nhiều cholesteron, nếu ăn nhiều và kéo dài có thể làm tăng cholesteron máu.
 
Ngoài ra, mỗi thực phẩm cũng chỉ ưu thế về một số chất dinh dưỡng nhất định, nên cháu cần ăn đa dạng các thực phẩm giàu chất đạm khác như thịt, cá, tôm, cua, hải sản... và nhiều loại thực phẩm khác nhau (mỗi ngày nên ăn khoảng 15 - 20 loại thực phẩm) để cung cấp nhiều các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
 
Bên cạnh đó, cháu nên tăng cường hoạt động thể lực, hạn chế sử dụng các thực phẩm không lành mạnh; và đi ngủ sớm giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tăng trưởng chiều cao tốt. 
 

BÍCH THANH

   Đồng Nai
Xin cho biết vì sao người gầy vẫn bị mỡ máu cao, tăng huyết áp? Cần làm gì để giảm mỡ máu mà vẫn đảm bảo ăn uống đủ cho nhu cầu lao động. Cảm ơn khách mời!

PGS

  TS Bùi Thị Nhung,Trưởng Khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế
Rối loạn chuyển hóa lipid máu liên quan đến rất nhiều yếu tố khác nhau, như thói quen ăn uống không khoa học và hợp lý (nhịn ăn sáng, ăn nhiều và ăn muộn vào buổi tối, ăn nhiều thực phẩm giàu cholesteron, ăn thừa chất đạm so với nhu cầu khuyến nghị, ăn quá nhiều chất béo, chế độ ăn low-cab, ít vận động, uống rượu bia...).
 
Hiện nay, có một số trào lưu áp dụng chế độ low-cab để kiểm soát cân nặng. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Lancet cho thấy, chế độ ăn quá nhiều glucid hoặc quá ít glucid (low-cab: dưới 40% glucid) đều tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong.
 
Sử dụng chế độ low-cab kéo dài có thể gây rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng acid uric và có thể ảnh hưởng tới chức năng thận.
 
Theo Bảng nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam, nhu cầu protein chiếm khoảng 13 - 20% tổng năng lượng khẩu phần.
 
Cao huyết áp liên quan đến rất nhiều nguy cơ khác nhau, như chế độ ăn nhiều muối. Kết quả điều tra tiêu thụ muối cho thấy, người Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 9,4 g muối/ngày, gấp 2 lần so với khuyến nghị 5 g muối/ngày của WHO và tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành của Viện Dinh dưỡng (5 g muối tương đương với khoảng 8 g bột canh và 25 ml nước mắm).
 
Cao huyết áp cũng liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid, ít vận động, tuổi tác, tiền sử gia đình, hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu bia.
 
Hiện nay, tại Việt Nam, mô hình ăn uống có chiều hướng thay đổi theo hướng tăng tiêu thụ chất béo, đạm, tiêu thụ dư thừa muối. Cần phải điều chỉnh chế độ ăn cân đối, khoa học và hợp lý theo tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành (tham khảo trong trang web: http://viendinhduong.vn/).
 
Ngoài ra, cần có lối sống lành mạnh (hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá) và tăng cường hoạt động thể lực để giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu, cao huyết áp cũng như các bệnh mạn tính không lây, liên quan đến dinh dưỡng.

THIỆN TÂM

   Bình Dương
Xin bác sĩ cho biết phương pháp miễn dịch điều trị ung thư là gì? Phương pháp này có hiệu quả với ung thư nào, có được bảo hiểm y tế thanh toán không? Cảm ơn bác sĩ!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Miễn dịch điều trị ung thư là phương pháp kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư. 
 
Điều trị miễn dịch đã áp dụng tại Việt Nam: điều trị ung thư phổi, ung thư vú, ung thư hắc tố, ung thư đầu cổ.
 
Tuy nhiên, phương pháp này còn đắt tiền và chưa được bảo hiểm y tế thanh toán.

HÂN HOÀNG

   Lạng Sơn
Xin bác sĩ cho biết về kỹ thuật mới được ứng dụng trong chẩn đoán sớm các bệnh ung thư đường tiêu hóa được thực hiện hiệu quả tại Bệnh viện K T.Ư ra sao? Xin cảm ơn!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Tại Bệnh viện K T.Ư đã triển khai nội soi huỳnh quang phóng đại và nhuộm màu để phát hiện sớm tổn thương đường tiêu hóa, dạ dày đại trực tràng.
 
Phương pháp này giúp phát hiện sớm tổn thương khu trú tại niêm mạc, cắt hớt tổn thương sớm. Qua đó, vừa để chẩn đoán (có hay không ung thư), vừa để điều trị (nếu có ung thư sẽ có chỉ định phẫu thuật).

HẠ PHAN

   Hải Phòng
Béo phì có liên quan đến ung thư nào? Vì sao lại làm tăng nguy cơ gây ung thư? Nếu giảm cân thì có giảm nguy cơ mắc ung thư không? Cảm ơn bác sĩ!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Béo phì thường gây ung thư đường tiêu hóa, đại trực tràng, dạ dày và ung thư vú.
 
Chế độ ăn uống (nhiều đạm) dẫn tới béo phì, thì nguy cơ ung thư cao hơn; ít vận động cũng có khả năng mắc ung thư cao hơn.
 

Đại diện Báo Thanh Niên tặng hoa PGS - TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K T.Ư

 

Ảnh Ngọc Thắng

 
Nếu giảm cân cũng giảm nguy cơ mắc ung thư, nhưng cần dinh dưỡng hợp lý và tập thể thao để giữ vóc dáng cân đối, chứ không phải gầy để giảm nguy cơ mắc ung thư.

ĐỨC HÙNG

   TP.HCM
Thời gian gần đây, tôi hay thấy đề cập đến khái niệm “dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”. Bác sĩ giải thích giúp, 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn nào? Giai đoạn này có ảnh hưởng như thế nào với việc phát triển chiều cao, thể lực cho trẻ sau sinh? Xin cảm ơn!

PGS

  TS Bùi Thị Nhung,Trưởng Khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế
1.000 ngày đầu đời, còn gọi là 1.000 ngày vàng, chính là thời điểm từ lúc bà mẹ có thai và kéo dài cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Đầu tư vào dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của bé.
 
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng, trẻ được nuôi dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai.
 
Ngược lại, trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. Nếu trẻ bị thấp còi khi còn nhỏ, khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Nếu trẻ phát triển tốt khi còn nhỏ, sẽ trở thành một người trưởng thành cao lớn.
 

PGS - TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế (trái), trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến

 

Ảnh Ngọc Thắng

 
Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào các giai đoạn sau:
 
Bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày - nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 - 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ 2).
 
Ngoài ra, cần có chế độ chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và nuôi con bú, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 2 tuổi hoặc lâu hơn.
 
Từ tháng thứ 7, chúng ta nên cho trẻ ăn bổ sung hợp lý và thực hành nuôi dưỡng trẻ khoa học, hợp lý, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn và thiếu vi chất dinh dưỡng.

HUYỀN THANH

   Hà Nội
Vì sao ung thư phổi không phát hiện sớm được? Nên tầm soát ung thư phổi vào thời điểm nào? Việc tầm soát chính xác đến mức độ nào? Cảm ơn bác sĩ!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện khác nhau. Với ung thư phổi, hiện nay đã có nghiên cứu về áp dụng CT liều thấp trong phát hiện sớm, nhưng chưa thể áp dụng rộng rãi cho cộng đồng.
 
Nguyên do là các nghiên cứu chưa công bố kết quả đầy đủ; chi phí đắt. Do đó, chỉ áp dụng CT cho cá thể, nhóm nhỏ.
 
Nên tầm soát ung thư phổi với người có nguy cơ như người nghiện thuốc lá, thuốc lào; người sau 50 tuổi.

MINH HÀ

   Hà Nội
Xin chào chuyên gia của Viện Dinh dưỡng! Xin cho biết, con gái tôi học lớp 11, nặng 58 kg, cao 1m58, làm cách nào để điều chỉnh giảm cân hiệu quả? Khi trưởng thành, phụ nữ trẻ nếu béo phì sẽ dễ mắc bệnh ung thư và hiếm muộn, đúng không?

PGS

  TS Bùi Thị Nhung,Trưởng Khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế
Để giảm cân, cháu cần phải điều chỉnh giảm năng lượng chế độ ăn và tăng hoạt động thể lực. Nếu chỉ giảm năng lượng chế độ ăn mà không tăng hoạt động thể lực thì việc giảm cân nặng rất khó.
 
Muốn giảm được 1 kg thì cần có chế độ ăn và luyện tập hợp lý sao cho hiệu số giữa năng lượng tiêu hao và năng lượng ăn vào mỗi ngày cần chênh khoảng 500 kcal và được thực hiện trong 2 tuần. Cháu nên tập luyện hàng ngày, mỗi ngày khoảng 60 phút, có thể chạy, nhảy dây, bơi....
 
Bên cạnh đó, cháu cần điều chỉnh giảm năng lượng bữa ăn bằng cách giảm lượng thức ăn 1/4 - 1/5 so với hiện tại; không nên nhịn bữa ăn sáng, ăn nhiều hơn vào bữa sáng và bữa trưa, bữa tối ăn giảm hơn.
 
Nên ăn món luộc, hấp vào bữa tối, và ăn trước 7 giờ tối, vì nếu ăn muộn thì năng lượng không được sử dụng cho các hoạt động, sẽ tích lũy thành chất béo làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
 
Cháu cũng không nên uống sữa, ăn vặt, uống nước ngọt sau 7 giờ tối và trước khi đi ngủ. Nên ăn nhiều rau: khoảng 3 - 4 lưng bát rau/ngày (300 - 400 g rau).
 
Cháu nên ăn gạo lứt và gạo lật nảy mầm vì các loại gạo này có chỉ số đường huyết thấp giúp kiểm soát cân nặng. Hạn chế ăn bánh kẹo, nước ngọt, đồ chiên rán có nhiều chất béo, thức ăn nhanh nhiều năng lượng....
 
Cháu cũng lưu ý không nên ngủ muộn, vì ngủ muộn làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. 

HUỲNH TIẾN

   TP.HCM
Tôi 52 tuổi, đi khám mới đây bác sĩ chẩn đoán ung thư cổ tử cung, giai đoạn hai. Bệnh này nguy hiểm như thế nào với phụ nữ, có di căn không? Ung thư chỉ điều trị được 5 năm là khỏi, nghĩa là cơ hội sống ngắn ngủi đúng không? Xin bác sĩ chia sẻ thêm thông tin liên quan căn bệnh này. Xin cảm ơn!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Ung thư nào cũng nguy hiểm, nhưng có loại tốt (tỷ lệ sống thêm sau 5 năm nhiều hơn); loại xấu là sống thêm sau 5 năm thấp hơn.
 
Ung thư cổ tử cung tùy giai đoạn, nếu giai đoạn T2a thì có thể xạ trị tiền phẫu, sau đó phẫu thuật triệt căn, hoặc là xạ trị triệt căn.
 
Ung thư nào cũng tái phát và di căn, có loại di căn sớm, có loại di căn muộn. Ung thư cổ tử cung tiên lượng tốt có thể khỏi hoàn toàn nhưng vẫn tái phát và di căn.
 
Như bạn đọc hỏi, nên tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, và khám định kỳ đúng hẹn, đảm bảo được theo dõi đầy đủ.

DUY QUANG

   Đà Nẵng
Làm sao nhận biết nốt ruồi như thế nào là ung thư? Cảm ơn bác sĩ!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Cảm ơn câu hỏi của bạn!
 
Nốt ruồi cũng có khả năng ung thư (ung thư hắc tố). 70% ung thu hắc tố da xuất hiện từ nốt ruồi.
 
Khi 1 nốt ruồi thay đổi, mỗi biến đổi có nguy cơ ung thư theo các mức: cao, trung bình, thấp.
 
Tuy nhiên, khi thấy nốt ruồi có thay đổi hình dáng, bờ viền nốt ruồi thay đổi màu sắc là khi nguy cơ ung thư xuất hiện, và nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán đúng.

NGỌC LONG

   TP.HCM
Xin chào bác sĩ! Tôi đọc Báo Thanh Niên thấy có thông tin bệnh nhân mắc ung thư phổi trẻ, có bệnh nhân chỉ 14 tuổi. Có cách nào để phòng ung thư phổi hiệu quả? Cảm ơn bác sĩ!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Như chúng ta đã biết, 80 - 90% ung thu phổi do hút thuốc lá, ngoài ung thư phổi liên quan bệnh nghề nghiệp như khai than mỏ than, dầu, bụi amiang.
 
Như vậy, quan trọng hàng đầu là bỏ thuốc lá. Bên cạnh đó, cần có môi trường làm việc, môi trường sống an toàn. 

CẨM TIÊN

   Bình Dương
Xin chào bác sĩ! Tôi nội soi, thấy kết quả có nhiều po-lip nhỏ ở ruột. Xin bác sĩ cho biết, po-lip là gì, có phải là ung thư giai đoạn sớm không? Khi nào cần phẫu thuật?

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Po-lip đường tiêu hóa là u nhú gặp trong lòng ruột, dạ dày. Po-lip không là ung thư nhưng tùy kích thước và hình dáng, có khả năng ung thư po-lip chân rộng, vòm thấp.
 
Cần lưu ý đặc biệt po-lip loại này có kích thước trên 2 cm trong lòng ruột thì nguy cơ ung thư trên 50%. Po-lip hình cây nấm ít khi ung thư hóa.
 
Bệnh nhân trong các trường hợp nêu trên cần theo dõi định kỳ. Còn Po-lip có tính gia đình (đa po-lip) thì khả năng ung thư cao, cần xử lý ngay.

TẤN PHÁT

   Cần Thơ
Xin bác sĩ cho biết, u tuyến giáp khi nào cần phẫu thuật? Có phải dễ bị mất tiếng nói do mổ u giáp không? Cảm ơn bác sĩ!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
U giáp có lành và ác tính. U lành ảnh hưởng chức năng nói, nuốt và thẩm mỹ sẽ mổ, còn nếu u nhỏ sẽ theo dõi.
 
Ung thư thì sẽ phải mổ, vì nếu không sẽ nhân đôi tế bào và có di căn. Một số ung thư tuyến giáp nên theo dõi.
 
Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư giáp đang trẻ hóa, khoảng 20 - 30 tuổi, thậm chí có trẻ em 5 - 6 tuổi cũng mắc. Do đó, ung thư tuyến giáp nên được phẫu thuật để tốt nhất cho người bệnh. 
 
Sau tuyến giáp là 2 dây thanh (chức năng cho phát âm, giọng nói), khi mổ phải bảo tồn 2 dây nói đó. Sau mổ u giáp, thường chỉ tạm một thời gian sẽ hết khàn. Nếu không có chuyên môn sâu, khi mổ có thể gây tổn thương dây nói đó, gây khàn tiếng vĩnh viễn.

VIỆT HÀ

   Hà Nội
Xin chào chuyên gia của Viện Dinh dưỡng! Xin bác sĩ cho lời khuyên về chế độ ăn và hoạt động thể lực để tránh thừa cân, béo phì. Bản thân tôi thời điểm trước 30 tuổi, thân hình khá mảnh, thậm chí hơi gầy. Nhưng sau tuổi 40, tôi cảm thấy việc giữ cân rất khó, bị tăng cân dễ dàng ngay cả khi ý thức ăn kiêng, giảm cơm, tăng rau xanh.

PGS

  TS Bùi Thị Nhung,Trưởng Khoa Dinh dưỡng, ngành nghề và lứa tuổi, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế

Câu hỏi của chị cũng là câu hỏi được nhiều chị em phụ nữ ở lứa tuổi trung niên hiện nay rất quan tâm. Sau 35 tuổi, cơ thể sẽ tăng tích lũy khối mỡ và giảm khối nạc, vì vậy, muốn kiểm soát cân nặng, chị phải có chế độ ăn và luyện tập thích hợp. Cụ thể:

 

- Tập luyện ít nhất 5 lần 1 tuần, vì enzyme tiêu chất béo chỉ được kích hoạt khi tập thể dục thường xuyên. Mỗi lần tập ít nhất 30 - 60 phút.

 

- Phân bổ bữa ăn trong ngày hợp lý: sáng và trưa ăn nhiều hơn, giảm hơn vào bữa tối. Ăn trước 7 giờ tối và không ăn các thức ăn vặt như bánh, kẹo, nước ngọt, sữa... trước khi đi ngủ.

 

- Nên ăn nhiều rau,  một ngày ăn 300 - 400g rau, tương đương với 3 - 4 lưng bát rau.

 

-  Ăn gạo lứt hoặc gạo lật nảy mầm cũng có tác dụng hỗ trợ kiểm soát cân nặng tốt. 

 

Hàng ngày, chị cần ăn đa dạng các loại thực phẩm theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng dành cho người trưởng thành của Viện Dinh dưỡng dưới đây:

 
 
 

THU HOÀI

   Hà Nội
Xin chào bác sĩ! Tôi nghĩ ung thư đang là vấn đề nhiều người quan tâm. Không chỉ phát hiện sớm mà còn là chăm sóc các bệnh nhân ung thư nặng, ung thư giai đoạn cuối. Bệnh viện K có chú trọng dịch vụ này không, vì tôi thấy chủ yếu là trang bị thêm máy móc hiện đại để điều trị, trong khi nhiều bệnh nhân nặng cần được chăm sóc?. Xin cảm ơn và mong được bác sĩ chia sẻ!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Trong ung thư có 4 chuyên ngành: phẫu thuật, xa trị, hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ. Ung thư nào khi ở giai đoạn cuối cũng cần chăm sóc giảm nhẹ.
 

PGS - TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K T.Ư, trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến

 

Ảnh Ngọc Thắng

 
Bệnh viện K hiện có Khoa Chăm sóc giảm nhẹ tại cơ sở 2 ở Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội), sẽ phát triển Khoa thành Trung tâm chống đau, mặc dù vậy cũng không đáp ứng hết nhu cầu điều trị.
 
Do đó, Bệnh viện K sẽ triển khai mô hình chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại nhà với hỗ trợ của nhân viên y tế.

HOÀNG HÀ

   TP.HCM
Những nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư là gì? Xin bác sĩ cho lời khuyên chung nhất về “sống tích cực” để ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư. Cảm ơn bác sĩ!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Ung thư có nguyên nhân trên 80% do môi trường sống, còn lại là yếu tố gia đình, nhưng chiếm tỷ lệ thấp.
 
Môi trường bên ngoài, như dinh dưỡng chiếm 35% nguyên nhân ung thư. Riêng thuốc lá chiếm 30 - 35% nguyên nhân gây ung thư.
 
Ngoài ra, có thể do tia bức xạ, tia cực tím hoặc phải làm việc trong môi trường tiếp xúc hóa chất độc hại.
 
Một số ung thư do vi rút, vi khuẩn. Môi trường bên trong dẫn tới ung thư là do đột biến, do yếu tố gia đình. 

QUỐC HUY

   Huế
Xin chào bác sĩ! Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu cảnh báo cần đi kiểm tra về ung thư, vì nhiều người, trong đó có tôi, thường chỉ khám sức khỏe định kỳ thông thường. Cảm ơn bác sĩ!

PGS

  TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư
Cảm ơn câu hỏi của bạn!
 
Mỗi loại ung thư có triệu chứng khác nhau. Ví dụ như đau đầu một bên nên kiểm tra ung thư vòm mũi họng. Ho khan kéo dài cần đi kiểm tra đường hô hấp; vết loét lâu liền cần kiểm tra ung thư khoang miệng; chảy máu bất thường nên kiểm tra ung thư đại trực tràng; nổi hạch bất thường nên kiểm tra ung thư hệ thống hạch; hoặc khàn tiếng kéo dài kiểm tra ung thư họng - thanh quản; ra máu bất thường nên kiểm tra ung thư cổ tử cung; rối loạn đại tiểu tiện kéo dài nên kiểm tra ung thư đường tiêu hóa và tiết niệu; nổi u cục bất thường, hoặc chảy dịch bất thường nên kiểm tra ung thư vú. 
 
Nhìn chung, lứa tuổi sau 40 nên sàng lọc để loại trừ ung thư vú, hoặc cổ tử cung. Với ung thư đại trực tràng dạ dày, trước đây sau 50 tuổi, nhưng hiện nay cũng khuyến cáo nên sàng lọc từ tuổi 40. 
 
 Nguồn: https://thanhnien.vn
 
 
 

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image