Trước ngày rời vị trí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ thẳng thắn với Tuổi Trẻ về những điều được và chưa được trong 8 năm nhiệm kỳ bộ trưởng 'bão dư luận'.
Bộ trưởng Tiến bế em bé sơ sinh vừa chào đời trong chuyến làm việc tại Thái Nguyên tháng 10-2019. Đây là địa phương cuối cùng bà Tiến tới làm việc trên cương vị bộ trưởng
Ngày mai 22-11, Quốc hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Bộ Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến để nhận nhiệm vụ mới.
Trước ngày Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm "ghế nóng" với Bộ trưởng Tiến, chiều qua 20-11, bà đã dành riêng cho Tuổi Trẻ một cuộc trao đổi, như bà nói, rất thẳng thắn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá lại nhiệm kỳ của mình:
- Tôi có 1 nhiệm kỳ làm thứ trưởng, 8 năm làm bộ trưởng, điều ưng ý nhất trong 13 năm là chính sách ngành y tế được cán bộ toàn ngành hưởng ứng, thực hiện và đã có những kết quả đo đếm được.
Thứ nhất, thái độ của cán bộ y tế cải thiện rõ rệt. Thứ hai, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện cải thiện rõ. Trước kia có những lúc 3 - 4 bệnh nhân, thậm chí 6 bệnh nhân cùng một giường.
Thứ ba, nhiều bệnh viện, khoa điều trị được đầu tư xây mới, mở ra với điều kiện khang trang, hiện đại, trang thiết bị không kém so với các nước trong khu vực. Nhiều kỹ thuật cao trong ngành y tế đã sánh ngang tầm khu vực, quốc tế, được ứng dụng để phòng chữa bệnh cho người dân.
Tiếp nữa là vấn đề đổi mới tài chính, giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, đúng với giá trị thật. Khi giá dịch vụ cao, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, hưởng các dịch vụ tốt hơn, cái đó người dân được hưởng lợi trong khi không phải bỏ thêm viện phí do bảo hiểm đã chi trả.
Điều nữa là cán bộ y tế có thu nhập tốt hơn, cơ sở của bệnh viện có đủ kinh phí để mua drap trải giường, mua ghế ngồi chờ cho bệnh nhân, máy lạnh, rồi đầu tư thay đổi cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nhà vệ sinh xanh - sạch - đẹp.
Và trong cơ chế tài chính, những chi phí đó do bảo hiểm chi trả chứ không phải người dân bỏ tiền túi ra, trong khi bảo hiểm giai đoạn này đã phủ kín toàn dân.
Cuối cùng, ý kiến đánh giá làm chúng tôi vui nhất, hạnh phúc nhất, đó là tỉ lệ hài lòng của người dân, trong khảo sát độc lập hơn 80% hài lòng, làm chúng tôi rất phấn khởi.
Rồi trước đây đi thăm bệnh viện gặp bệnh nhân thì bị nói không ra gì, còn bây giờ gặp họ cười, chụp ảnh, đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi.
Một vấn đề nữa là hình ảnh, cơ sở vật chất bệnh viện các tuyến thay đổi nhiều. Những điều người dân ưng ý thì ngành y tế ưng, tôi cũng ưng ý.
Thực ra các nghị quyết trung ương đều nói đổi mới cơ chế tài chính, nhưng thực thi rất khó, làm thế nào đổi mới cũng rất khó. Về chủ trương thì không sai, nhưng làm thì vô cùng khó khăn.
"Bão dư luận"
* Bà từng nói có những lúc chịu "bão dư luận", bà nghĩ những đợt "bão dư luận" có nguyên nhân từ đâu?
- Tôi nghĩ nghề y là một nghề liên quan mật thiết đến sức khỏe, tính mạng người dân nên luôn được người dân quan tâm, theo sát. Nhiều lúc người dân ốm đau hoặc có những gia đình mất mát, nên cũng có những điều không hài lòng.
Thứ hai, không chỉ là sức khỏe và cả những vấn đề khác nữa có trách nhiệm của Bộ Y tế được người dân quan tâm, dư luận quan tâm, truyền thông quan tâm.
Chuyện "bão dư luận" thứ nhất có thể do người ta chưa hiểu hết, thứ hai cũng do chính ngành y tế chưa chủ động cung cấp thông tin.
Giai đoạn đầu tôi mới nhận nhiệm vụ, có thể truyền thông của ngành y tế lúc đó rất hạn chế, thậm chí không muốn tiếp nhà báo, từ chối đề nghị phỏng vấn cho nên dẫn tới thông tin có thể không chính xác, có thể bị sai lệch, thậm chí không đúng mà ngành y tế gánh chịu, Bộ Y tế gánh chịu và bộ trưởng cũng có lúc phải gánh chịu.
Về nguyên nhân, tôi nghĩ một phần cũng có lỗi của ngành ở thời điểm đó như thực tế tai biến y khoa dẫn tới tử vong, tai biến tiêm chủng, rồi thái độ của đội ngũ cán bộ y tế trong lúc con cái, người thân của các gia đình ốm đau, rồi vấn đề cấp các giấy phép cho doanh nghiệp, rồi vấn đề sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Có những lúc báo chí phản biện phải nói là hết sức mạnh mẽ. Ví như chương trình Gặp nhau cuối năm có hình ảnh nhét đồng xu vào miệng Táo y tế.
Thời điểm đó gần giao thừa, tôi biết có nhiều cán bộ y tế đang trực trong bệnh viện, có bác sĩ đã khóc nói với tôi sao ngành mình bị đối đãi bạc bẽo vậy.
Mọi người được xem và chuẩn bị đón giao thừa, còn chúng tôi vật lộn trong bệnh viện, nhiều bác sĩ đã nuốt nước mắt. Tôi đã nghĩ cuộc sống phải chấp nhận, bao giờ cũng có thị phi và những điều không như mong muốn.
Bây giờ nghĩ lại, những người khen mình cũng cảm ơn, chê mình cũng cảm ơn, kể cả phản bác mạnh mẽ hay xúc phạm đến ngành... mình cũng cảm ơn.
Bởi vì những ý kiến mạnh mẽ, quyết liệt đã giúp cho mình nhìn lại ngành mình, nhìn lại các dịch vụ ngành cung ứng. Cá nhân tôi cũng nhìn lại xem đã làm tốt chưa để khi thực hiện công việc phải thật chuẩn mực.
Rồi cũng từ những ý kiến đó đã kích thích lòng tự trọng của cán bộ y tế. Bản thân tôi cũng khó tính, làm việc với tôi nhân viên cũng chịu áp lực, nhưng tôi cũng nói thẳng thắn rằng đa số cán bộ ngành y là tốt, có xuất phát điểm là học giỏi, chăm chỉ, thời gian đào tạo lâu, có nền tảng trí thức, tính tự trọng cao, vì thế nên khi bị xúc phạm như gáo nước lạnh giội vào mặt, tính tự trọng trỗi dậy để nỗ lực hơn.
Lúc đó tôi đã với nói anh em không có bệnh nhân thì cán bộ y tế chả để làm gì, vậy nên phải yêu lấy bệnh nhân, phải quay trở lại như vậy, yêu bệnh nhân trước rồi dần dần sẽ làm tốt hơn, kể cả những lúc bệnh nhân có bức xúc, xúc phạm thì đó cũng là động lực để mình phấn đấu.
Đó là những thời khắc hết sức căng thẳng, khi xảy ra tai biến văcxin, vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, ăn bớt văcxin, "nhân bản" xét nghiệm Hoài Đức, rồi vụ ba trẻ em mất ở Quảng Trị, rồi vụ VN Pharma...
Đương nhiên những cái gì sai đã có cơ quan chức năng xét xử đúng người, đúng việc, đúng tội.
Và sai thì phải sửa, phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên trước những việc đó có dư luận trái chiều nhau, nhưng tôi cảm ơn, vì nếu không có những phản biện sâu sắc thì anh em trong ngành cũng chưa thay đổi được như hôm nay.
"Lúc đó có lãnh đạo nói chị điều chỉnh giá dịch vụ thì chị mất ghế bộ trưởng. Rồi có lãnh đạo cấp trên nói thôi ngưng lại. Khi lãnh đạo cao cấp nói ngưng lại, lúc đó tôi đang đi hội nghị quốc tế. Nghe điện thoại bảo ngưng việc tăng giá lại, tôi choáng váng cả người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Vì sao tăng viện phí?
* Nhiều năm không làm được việc thay đổi viện phí, khi bà làm gây tranh cãi, nhưng lúc đó vì sao bà quyết tâm làm?
- Lúc đó không những người dân, báo chí nói tăng giá dịch vụ thì khổ cho người nghèo. Lúc đó có lãnh đạo nói chị điều chỉnh giá dịch vụ thì chị mất ghế bộ trưởng. Rồi có lãnh đạo cấp trên nói thôi ngưng lại.
Khi lãnh đạo cao cấp nói ngưng lại, lúc đó tôi đang đi hội nghị quốc tế. Nghe điện thoại bảo ngưng việc tăng giá lại tôi choáng váng cả người.
Lúc đó, tôi nghĩ nếu như mấu chốt giá dịch vụ không được điều chỉnh, mỗi lần khám có 2.000 đồng, vào khám không có ghế ngồi chờ, lương cán bộ y tế thấp, rồi vật tư tiêu hao cũng phải đi mua ngoài, người dân không hài lòng.
Tôi nghĩ đã làm là phải chấp nhận, phải làm để thay đổi, chấp nhận mất ghế hoặc nhường ghế để cho người khác.
Còn nếu mình ngồi đây mà mình vẫn để thế thì ghế đó không có ý nghĩa gì. Rất may khi đó bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, phó thủ tướng Vũ Văn Ninh động viên cứ bình tĩnh. Các anh ấy cũng nói nếu không thay đổi thì không bao giờ thay đổi được.
Cuối cùng, tôi quyết định giải quyết vấn đề mấu chốt này, vì đây là nút thắt của những khó khăn của ngành y tế trong thời điểm đó.
* Đến bây giờ nhìn nhận lại việc quyết định đó, bà thấy kết quả nào là quan trọng đã được tháo gỡ?
- Thực ra các nghị quyết trung ương đều nói đổi mới cơ chế tài chính, nhưng thực thi rất khó, làm thế nào đổi mới cũng rất khó. Về chủ trương thì không sai, nhưng làm thì vô cùng khó khăn.
Ngay khi đưa thông tin tăng giá dịch vụ lên cổng thông tin điện tử của bộ, lúc đó đã chịu áp lực từ dư luận, báo chí.
Tuy nhiên, tôi nhìn nhận đây là nút thắt, nếu không gỡ thì chất lượng không thay đổi, bệnh viện không thể tồn tại và phát triển được.
Có vị giám đốc nói giá này đang ăn mòn vào người chúng tôi, lấy gì trả lương, lấy gì mua thuốc, lấy gì bù vào vật tư tiêu hao. Họ nói muốn quạt mát cho bệnh nhân nhưng không có tiền mua quạt, tốn điện ai trả tiền.
* Hiện nay bệnh viện đang chuyển sang cơ chế tự chủ, nhưng điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ thu cao quá, khó cho người nghèo, bà nghĩ sao?
- Hiện nay mức thu vẫn nằm trong giá khống chế của Bộ Tài chính, Bộ Y tế. Tuy nhiên, tự chủ bao giờ cũng có hai mặt. Mặt tích cực là tăng tính tự chủ trong nhân lực, trả lương, chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng.
Còn mặt trái khi theo cơ chế thị trường thì khó tránh khỏi có thể bị lạm dụng dịch vụ và kỹ thuật kể cả do bảo hiểm chi trả, kể cả do người dân chi trả, nhưng quan trọng vẫn là vấn đề bàn tay quản lý.
Điều chưa ưng ý
* Đó là những điều bà ưng ý, còn điều gì bà thấy chưa làm được, nếu được làm lại sẽ làm tốt hơn trước đây?
- Cái tôi thấy chưa làm tốt và cần phải tiếp tục, đó là đầu tư và đẩy mạnh hơn về chất lượng các hoạt động về dịch vụ y tế dự phòng, tức là chăm sóc sức khỏe cho người dân, người nghèo. Vấn đề chưa thay đổi nhiều về tư duy "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Thứ hai, hệ thống y tế cơ sở kể cả tư nhân và công lập đều chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, trong khi đó là vấn đề nền tảng.
Thực tế phải có hệ thống chăm sóc ban đầu tại xã, huyện để giúp người dân sống khỏe hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn, ít bị bệnh hơn. Đặc biệt là phải có kiểm tra sức khỏe để sàng lọc, phát hiện sớm khi có bệnh, tránh tai biến.
Tuy nhiên, vấn đề này mới bắt đầu khởi động như chương trình sức khỏe VN, tuy nhiên chưa rộng. Đây là vấn đề đòi hỏi về thời gian. Còn đổi mới đào tạo nhân lực dù đã bắt đầu nhưng chưa ra sản phẩm hoàn chỉnh.
* Như bà nói vẫn còn những việc chưa ưng ý, trong đó chuyện bệnh viện vẫn quá tải, người dân chưa được thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất, đó có phải là điều chưa ưng ý nhất như bà nói?
- Vấn đề chưa ưng ý nhất là y tế dự phòng, người dân chưa quan tâm nhiều đến phòng bệnh, trong khi đó là cái cơ bản nhất.
Trong y tế, phải lo phòng bệnh trước, kiểm tra sức khỏe, phát hiện bệnh sớm, điều trị bệnh sớm để giảm bớt biến chứng, tử vong.
Ví như ung thư phát hiện trễ là thôi, tiểu đường phát hiện trễ biến chứng cũng mệt, nói chung bệnh nào phát hiện trễ cũng khó khăn cho điều trị. Đây là vấn đề có làm nhưng chưa đạt yêu cầu.
Thứ hai là vấn đề y tế cơ sở, có làm nhưng chưa tạo được niềm tin của người dân, trong khi y tế chăm sóc ban đầu là "gác cổng".
Thứ ba, đào tạo nhân lực cũng làm đề án rồi nhưng chưa thực hiện ra sản phẩm. Tuy nhiên, nếu làm các việc như ý hết thì rất khó, bởi vì mâu thuẫn là quy luật của phát triển, giải quyết mâu thuẫn này thì có mâu thuẫn khác, nhưng những mâu thuẫn hết sức nóng bỏng thì đã hạ hỏa được, bởi vì lúc đó phòng bệnh, điều trị, thái độ, lương cán bộ đều nóng quá.
Có những lúc báo chí phản biện phải nói là hết sức mạnh mẽ. Ví như chương trình Gặp nhau cuối năm có hình ảnh nhét đồng xu vào miệng Táo y tế. Thời điểm đó gần giao thừa, tôi biết có nhiều cán bộ y tế đang trực trong bệnh viện, có bác sĩ đã khóc nói với tôi sao ngành mình bị đối đãi bạc bẽo vậy.
Vụ tử vong do tiêm văcxin và VN Pharma
* Đỉnh điểm của "bão dư luận" đối với bà bắt đầu từ vụ ba cháu tử vong do tiêm văcxin ở Quảng Trị, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao bộ trưởng không đi thăm các cháu để giải quyết tận gốc vấn đề ngay từ đầu?
- Sáng hôm đó tôi muốn đi ngay, thứ nhất là đi thăm và muốn điều tra nguyên nhân ngay. Tuy nhiên, anh em ở địa phương lúc đó nói không đi được, các gia đình còn đang bức xúc, có thể nóng nảy.
Trong giai đoạn đó truyền thông của ngành y tế cũng không tốt, báo chí phỏng vấn không trả lời gây ra ác cảm. Nói thẳng là truyền thông trong hệ thống ngành y tế giai đoạn đó yếu, chưa có kinh nghiệm.
Còn với bản thân tôi, lúc đó tôi rất đau đớn. Tôi là một người rất yêu trẻ con, đến bệnh viện nào tôi cũng vào khoa nhi, khi đó tôi rất buồn, đau xót. Sau đó, tôi âm thầm đi thăm lại, chia sẻ với các gia đình, đến khi những gia đình đó sinh cháu thứ hai, thứ ba, tôi cũng đã đến thăm.
Bản thân tôi lúc đó cũng mới nhận nhiệm vụ, áp lực cũng lớn, anh em trong ngành có chia sẻ nhưng không có cách nào chia sẻ với truyền thông, sau đó là những đợt chấn chỉnh lớn trong tiêm chủng.
* Trong số các vấn đề dẫn tới dư luận với bà có vụ VN Pharma. Có dư luận về ngôi nhà bà đang ở, sự thật thế nào, thưa bà?
- Tôi nghĩ chắc nhiều người tin vì nghe truyền thông, vì không hiểu đúng sự thật. Sự thật không như thế vì với người quản lý, người làm khoa học phải đúng pháp luật.
Tôi thanh thản vì nếu tôi có lỗi thật trong những vụ đó, chắc tôi không ăn, không ngủ, không làm việc được. Hay nếu như mình làm sai về pháp lý, chắc không chịu nổi với những người có tự trọng.
Có lẽ là số phận
* Bà từ TP.HCM ra Hà Nội năm 47 tuổi, trong nhiệm kỳ này cũng là bộ trưởng nữ duy nhất, trong công việc có lúc nào gia đình thấy "bão dư luận" ảnh hưởng đến cuộc sống, người thân bà nói gì?
- Gia đình tôi hiểu tôi, họ thấy nói không đúng nên cũng buồn. Tuy nhiên, người thân tôi không lo lắng vì biết không có gì sai.
Còn đồng nghiệp cũng có buồn vì ít nhiều uy tín của ngành y tế cũng bị ảnh hưởng, nhưng những người gần gũi đều hiểu những thông tin "bão dư luận" không phải là sự thật.
Thực ra chị Chiến (Trần Thị Trung Chiến - bộ trưởng Bộ Y tế) đề xuất tôi ra Hà Nội từ năm 2004, chứ không phải năm 2007, nhưng khi đó tôi chưa dám ra vì các thứ trưởng khi đó đều là đàn anh về nghề, đàn anh về tuổi đời.
Nhưng có lẽ là số phận, tôi cảm ơn vì đã được tạo cơ hội cùng toàn ngành đồng tâm cống hiến, có chính sách thay đổi phù hợp với nhu cầu, mong đợi của người dân.
Tín nhiệm thấp nhất là đúng
* Bà từng là một trong hai bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp nhất. Khi chuẩn bị rời "ghế nóng", bà có nhớ lại giây phút đó?
- Lúc đó phiếu tín nhiệm thấp là đúng thôi, vì lúc đó phản ánh đúng thực trạng, dịch vụ y tế chưa đáp ứng được người dân. Sau này tốt hơn vì ngành tốt hơn, người dân đã bớt kêu ca hơn, HĐND các tỉnh, Quốc hội cũng bớt ý kiến về các vấn đề của ngành y tế, những tiến bộ của ngành, phiếu thấp của ngành chứ không phải của cá nhân.
Các chính sách thay đổi từ năm 2012, từ cơ chế tài chính, thái độ... có thời gian thấm, đi vào cuộc sống, không phải mình tốt hơn mà là ngành phục vụ tốt hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
* Tháng 12-1998 - 12-2001: phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM.
* Tháng 1-2002 - 1-2007: viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM.
* Tháng 2-2007 - 3-8-2011: thứ trưởng Bộ Y tế.
* Ngày 3-8-2011: bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, bộ trưởng Bộ Y tế.
* Tháng 1-2011 - 1-2016: ủy viên Trung ương Đảng.
* Tháng 5-2011 - 5-2016: đại biểu Quốc hội.
* Ngày 4-7-2019: kiêm trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.
l Ngày 15-10-2019: thôi giữ chức vụ bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.
* Ngày 22-11-2019: Quốc hội miễn nhiệm chức bộ trưởng Bộ Y tế, chuyển sang làm trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.
Nguồn: https://tuoitre.vn