Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

Cảnh báo Viện Thẩm mỹ mạo danh Bệnh viện Trung ương ngang nhiên hoạt động trái phép

Lợi dụng nhu cầu làm đẹp của các chị em phụ nữ, nhiều cơ sở thẩm mỹ, chủ spa mạo danh thương hiệu của các bệnh viện lớn để lôi kéo khách hàng nhằm trục lợi.

Mạo danh bệnh viện Trung ương lôi kéo khách hàng

Theo phản ánh từ bạn đọc, chúng tôi tìm đến địa chỉ 14 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, biển hiệu bên ngoài có tên Viện thẩm mỹ Bạch Mai Hà Nội, dưới biển hiệu lại có dòng chữ chạy đèn led "Phòng khám nha khoa răng hàm mặt Bạch Mai". Tuy nhiên, trên facebook cũng địa chỉ này thì lại đề tên là Viện thẩm mỹ 108. Nhân viên bảo vệ ở đây giới thiệu nơi này thực hiện dịch vụ thẩm mỹ và nha khoa.

Chưa kịp định hình, một nhân viên mặc áo blouse trắng đi ra vội vàng mời chúng tôi vào. Đem thắc mắc hỏi xem đây có đúng là Viện thẩm mỹ 108 như trên quảng cáo đang chạy trên mạng xã hội hay không, người nhân viên này khẳng định chính xác!.

Hỏi sao trên quảng cáo là Viện thẩm mỹ 108 mà biển hiệu lại ghi là Viện thẩm mỹ Bạch Mai Hà Nội, lại thêm phòng khám nha khoa khám răng hàm mặt, người nhân viên này nhanh nhảu giải thích: "Hệ thống nhà em vừa thực hiện dịch vụ nha khoa vừa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Dịch vụ nha khoa do bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thực hiện, còn dịch vụ thẩm mỹ do bác sĩ Bệnh viện 108 phụ trách. Đợt này đang chạy chương trình quảng cáo nha khoa, do vậy mới có biển quảng cáo về răng hàm mặt".

Để chắc chắn, người nhân viên không đeo biển tên này mở cho chúng tôi xem fanpage của Viện Thẩm mỹ 108 (có địa chỉ 14 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội) trên fanpage này cơ sở này quảng cáo các dịch vụ phun xăm mắt môi, mày, mí và các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như tiêm filler, cấy chỉ, cắt mí, nâng mũi, nâng ngực, cắt môi trái tim...

Với nhu cầu giảm mỡ bắp tay, chúng tôi được giới thiệu phương pháp cấy tinh chất và khẳng định sau một lần cấy có thể giảm 10-15 cm vòng tay.

Theo lời của người nhân viên này, nếu giảm béo vùng bụng sẽ thực hiện bằng phương pháp hút mỡ, còn đối với vùng bắp tay, dùng máy hóa lỏng mô mỡ và tiêm tinh chất để đào thải mỡ thừa.  Mỗi liệu trình có giá từ 3-10 triệu tùy vào thời gian bảo hành, gói 3 triệu bảo hành trong 3 tháng, gói 7 triệu bảo hành 5 năm và gói 10 triệu bảo hành trọn đời.

"Hôm nay có 2 khách đặt lịch bác sĩ mới ở đây, 2 giờ chiều bác sĩ lại vào trong viện, chỉ tranh thủ buổi trưa để làm. Anh tranh thủ bác sĩ đang có ở đây thì làm luôn đi, ngày khác tới lại phải hẹn trước" một người nhân viên khác nói.

Ngoài thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ thông thường (như chăm sóc da, phun môi, lông mày…) các nhân viên ở đây khẳng định cơ sở thẩm mỹ này còn thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ công nghệ cao như hút mỡ, nâng mũi, phẫu thuật nâng ngực, thu nhỏ quầng ti, làm hồng cô bé….

"Cơ sở này đã mở được 10 năm, tất cả bác sĩ đều có chứng chỉ hành nghề. Hiện trung tâm có 2 bác sĩ chính: 1 bác sĩ bệnh viện Bạch Mai làm răng và 1 bác sĩ Bệnh viện 108 làm phẫu thuật thẩm mỹ" cô nhân viên cho biết.

z35241782843676f278f3d66c8d1959fb2e538bb950766 16563256940061335232259

Lợi dụng thương hiệu bệnh viện tuyến Trung ương để quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ và nha khoa nhưng Viện thẩm mỹ Bạch Mai Hà Nội vẫn ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm nay.

Tuy nhiên, khi liên hệ với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nguồn tin từ bệnh viện khẳng định đây là cơ sở mạo danh bệnh viện.

Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh viện đã nhiều lần cảnh báo trên website của bệnh viện cũng như có công văn gửi tới Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm các cơ sở mạo danh.  Tuy nhiên, các trang mạng xã hội mạo danh bệnh viện vẫn hoạt động quảng cáo rất ngang nhiên, liên tục chạy quảng cáo trên mạng xã hội mà chưa có sự xử lý phạt triệt để của chính quyền địa phương!

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ: Bệnh viện có tên đầy đủ là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhưng người dân theo thói quen chỉ gọi là Bệnh viện 108, Viện 108... Do vậy, các cơ sở giả mạo này đã lợi dụng sự mập mờ trong tên gọi nhằm lừa gạt khách hàng. Đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chỉ có duy nhất một cơ sở tại địa chỉ số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nhìn thoáng qua biển hiệu của cơ sở này, người không có chuyên môn cũng rất dễ nhầm lẫn khi có logo của BV Bạch Mai trên biển hiệu nhưng thực chất chủ cơ sở Viện thẩm mỹ Bạch Mai, địa chỉ 14 Tôn Thất Thuyết đã cố tình nhái lại logo chính thức của BV Bạch Mai!

Viện Thẩm mỹ địa chỉ 14 Tôn Thất Thuyết có sai phạm?

Theo Điều 37, Nghị định 109/2016/NĐ- CP ban hành ngày 01/7/2016, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tại điều 9 nghị định số 181/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2013 quy định nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, trên biển hiệu tại địa chỉ 14 Tôn Thất Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, Viện Thẩm mỹ Bạch Mai Hà Nội (quảng cáo Viện thẩm mỹ 108) không những mạo danh bệnh viện tuyến Trung ương để lôi kéo khách hàng mà cơ sở này còn vi phạm hoạt động thẩm mỹ không đúng với ngành nghề đã đăng ký.

Với dịch vụ nha khoa, khi gõ từ khóa "Viện thẩm mỹ Bạch Mai Hà Nội", tại địa chỉ số 14 Tôn Thất Thuyết hiện ra quảng cáo "Viện Nha khoa thẩm mỹ Bạch Mai Hà Nội". Tuy nhiên, với hoạt động quảng cáo thực hiện cả các dịch vụ nha khoa nhưng cơ sở này chỉ có duy nhất một dòng chữ chạy đèn led "Phòng khám nha khoa răng hàm mặt Bạch Mai" ở phía dưới biển hiệu Viện thẩm mỹ Bạch Mai Hà Nội, mà không có biển hiệu ghi tên "Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, tên bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn, số giấy phép hoạt động, giờ khám chữa bệnh, địa chỉ…".

Theo lời những nhân viên tại đây giới thiệu, Viện thẩm mỹ này đã hoạt động 10 năm, nhưng không hiểu sao với những sai phạm "trông thấy" như vậy cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Gửi chính quyền quận Cầu Giấy, Hà Nội

Trước đó, ngày 24/5/2022, Báo Sức khỏe & Đời sống có bài viết "Giảm béo cấp tốc hãy thận trọng kẻo tiền mất... mỡ vẫn còn", bài viết có đề cập đến sai phạm của "Viện da liễu quốc tế DR. BIO SKIN địa chỉ số 5, ngõ 48 đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, Hà Nội". 

Tuy nhiên, cho đến khi bài báo này được xuất bản, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã nhiều lần liên hệ với Phòng Y tế quận Cầu Giấy về trách nhiệm quản lý các cơ sở hành nghề y tế ngoài công lập trên địa bàn, đến nay Báo Sức khỏe&Đời sống vẫn chưa được hồi đáp!.

Do vậy, đề nghị Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị chức năng trên địa bàn thực hiện kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin hoạt động của cơ sở có địa chỉ nêu tại bài viết, xử lý nghiêm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phép, kịp thời thông tin đến người dân.

Được biết, ngày 21/3/2022, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 130/SYT-QLHNYDTN gửi UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo Phòng Y tế và các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai một số nội dung:

Tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn, căn cứ theo các quy định của pháp luật tùy theo mức độ vi phạm có các biện pháp xử lý nghiêm minh để chấn chỉnh kịp thời các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở hoạt động không phép.

Niêm yết công khai, thông báo trên loa đài, xã, phường, thị trấn tại địa phương về các cơ sở hành nghề hoạt động không phép. Áp dụng hình thức gắn biển cơ sở hoạt động không phép tại các địa điểm phát hiện cơ sở chưa được cấp giấy phép hoạt động. Khuyến cáo người dân chỉ sử dụng các dịch vụ y tế tại các cơ sở hành nghề đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.

Phối hợp với Sở Y tế trong công tác quản lý nhà nước về y tế đặc biệt là công tác quản lý hành nghề y dược trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc chỉ thị 10/CT-UBND ngày 2/5/2013 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập.

Đề nghị UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội sớm chỉ đạo Phòng Y tế kiểm tra những vấn đề được báo Sức khỏe&Đời sống đã nêu theo đúng quy định.

Theo SKĐS

Nhận biết cơ sở thẩm mỹ được cấp phép

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp thông thường chỉ được làm các dịch vụ như bôi tê, phun, còn tiêm tê hay xâm lấn là lĩnh vực y tế, phải được thực hiện tại bệnh viện.

Đối với những người có nhu cầu làm đẹp liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ thì phải đến các cơ sở thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép như các bệnh viện, phòng khám đa khoa thẩm mỹ…

Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế Hà Nội cấp phép ngoài tên thương hiệu, dưới biển hiệu sẽ có thêm một dòng chữ nhỏ gồm: "Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, tên bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn, số giấy phép hoạt động KCB, giờ làm việc. Các cơ sở chăm sóc sắc đẹp thông thường, không có nội dung này mà chỉ có tên thương hiệu.

Do vậy, người dân cần phải nắm được những kiến thức cơ bản đó để khi có nhu cầu làm đẹp cần tìm hiểu kỹ các các hoạt động của phòng khám để tìm được cơ sở uy tín thực hiện, bảo đảm an toàn cho sức khỏe.

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image