Responsive Image

DetailController

Y học thường thức

CHẨN ĐOÁN SỚM BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2

Đái tháo đường típ 2 đang ngày càng gia tăng, diễn biến âm thầm nhiều năm, không có triệu chứng trước thời điểm phát hiện. Bệnh gây nhiều biến chứng nặng nề, có khả năng tử vong cao. Phát hiện bệnh đáo tháo đường sớm, sẽ phòng chống được các biến chứng nguy hiểm.

 

A close-up of a graph Description automatically generated

Đái tháo đường tỷ lệ mắc và nguy cơ biến chứng cao

Theo thống kê năm 2019, trên thế giới có khoảng 415 triệu người bị bệnh đái tháo đường. Dự kiến đến năm 2045 con số này sẽ tăng lên khoảng 700 triệu người (cứ 10 người trưởng thành có 01 người mắc bệnh đái tháo đường). Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ bệnh đái tháo đường trên thế giới đã tăng 70%, trong khi ở Việt Nam là 211%.

Tại Việt Nam, điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, có hơn 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong đó, có đến 64,8% người bệnh đái tháo đường tại cộng đồng chưa được chẩn đoán.

Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nặng nề như: mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Vì vậy, chi phí điều trị bệnh đái tháo đường và chi phí phúc lợi xã hội chăm sóc những bệnh nhân bị biến chứng chiếm tỷ trọng cao trong quỹ bảo hiểm y tế và an sinh xã hội.

Do bệnh đái tháo đường típ 2 thường diễn biến âm thầm nhiều năm trước thời điểm phát hiện, không có triệu chứng nên người bệnh không biết mình bị mắc bệnh. Người bệnh chỉ biết bệnh khi đã có biến chứng hoặc do đi khám bệnh khác mới phát hiện ra. Biến chứng mạn tính do đái tháo đường típ 2 có thể phát hiện ngay thời điểm chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường nếu không được phát hiện kịp thời để điều trị thì có nguy cơ rất cao mắc các biến chứng cấp tính như: hôn mê hoặc các biến chứng mạn tính như các bệnh tim mạch, bàn chân, mắt…

Việc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường để có biện pháp điều trị kịp thời là rất quan trọng nhằm phòng chống các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Để phát hiện bệnh sớm, người dân, đặc biệt những người có nguy cơ mắc bệnh cao nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để xét nghiệm máu sàng lọc phát hiện bệnh.

Những đối tượng cần tầm soát bệnh đái tháo đường

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, tất cả người trưởng thành không có triệu chứng đái tháo đường cần đi khám, xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm tiền đái tháo đường và đái tháo đường.

Những người thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 23 kg/m2) và có kèm một trong số các yếu tố nguy cơ sau: Có người thân đời thứ nhất (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ ) bị đái tháo đường; Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch; Tăng huyết áp (Huyết áp ≥ 140/90 mmHg, hoặc đang điều trị Tăng huyết áp); HDL cholesterol < 35 mg/dL (0,9mmol/L) và/hoặc triglyceride >250mg/dL (2,8mmol/L). Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang. Những người ít hoạt động thể lực. Các tình trạng lâm sàng khác liên quan với kháng insulin (như dấu gai đen: acanthosis nigricans). Những phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất 3 năm/lần.

Yếu tố nguy cơ của đái tháo đường típ 2

Các xét nghiệm để sàng lọc phát hiện đái tháo đường típ 2

Để phát hiện đái tháo đường típ 2, với từng đối tượng cần có những xét nghiệm đánh giá cụ thể khác nhau.

Các xét nghiệm được sử dụng để sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường bao gồm xét nghiệm đường huyết lúc đói (sau khi nhịn ăn qua đêm 8 giờ), nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (đo đường huyết sau 2 giờ uống 75g đường glucose) và xét nghiệm HbA1C.

Với những đối tượng có tình trạng rối loạn đường huyết (tiền đái tháo đường) cần có những đánh giá chuyên khoa. Cụ thể sẽ có những hiện tượng xảy ra như: Rối loạn glucose máu lúc đói khi glucose huyết tương lúc đói từ 5,6 - 6,9 mmol/, hoặc Rối loạn dung nạp glucose khi glucose huyết tương sau 2 giờ từ 7,8 – 11,0 mmol/L khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose (NPDNG) bằng đường uống với 75 g glucose , hoặc HbA1c: 5,7 – 6,4%.

Chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường

Xử trí với kết quả xét nghiệm sàng lọc, phát hiện bệnh

Người trưởng thành nếu các kết quả xét nghiệm bình thường, nên lặp lại xét nghiệm sau mỗi 1-3 năm/lần. Có thể thực hiện xét nghiệm lại sớm hơn nếu người khám mắc tiền đái tháo đường hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Đối với người tiền đái tháo đường thì nên xét nghiệm kiểm tra hàng năm.

Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc cao hơn bình thường sẽ được đề nghị làm lại các xét nghiệm bằng máu tĩnh mạch một lần nữa để chẩn đoán chính xác bệnh.

Tùy theo mức độ của đường huyết, HbA1C và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc hay không dùng thuốc ban đầu, tư vấn thay đổi lối sống, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp để phòng chống, điều trị bệnh đái tháo đường.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt cho bệnh nhân đáo tháo đường

Với những bệnh nhân đái tháo đường, chế độ ăn uống và sinh hoạt rất quan trọng trong điều trị bệnh. Người bệnh nên ăn nhiều rau, quả và ngũ cốc nguyên hạt, giảm bớt tinh bột, các thức ăn có nguồn gốc động vật và thay thế bằng các thức ăn có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, lạc, …, kiêng các thức ăn cung cấp đường nhanh (là các thức ăn có vị ngọt như bánh kẹo, trái cây ngọt như mít, xoài, dứa). Có thể dùng các chất ngọt (đường hóa học) thay thế đường thông thường như sacharin.

Người bệnh cần chú ý làm giảm cân nếu có béo phì hoặc thừa cân bằng chế độ ăn giảm năng lượng (calo). Ở người không thừa cân hoặc béo phì, không nên ăn kiêng thái quá. Bệnh nhân dù ăn kiêng để giảm cân nhưng vẫn phải đảm bảo các vitamin, nhất vitamin nhóm B.

Tăng cường vận động trong sinh hoạt hàng ngày với bệnh nhân đái tháo đường. Tập luyện thể lực 30 phút/ngày, 150 phút/tuần (đi bộ, chạy, bơi…). Đối với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch thì cần tuân theo hướng dẫn của bác sỹ về luyện tập thể lực.

Ngoài ra người mắc bệnh tiểu đường cần tuyệt đối chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng nhiễm trùng: vệ sinh cơ thể và điều trị ngay các xây xát tay chân, vệ sinh răng miệng,… Sinh hoạt điều độ, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá.

BS Phạm Quang Huy,

Khoa Nội tiết - Đái tháo đường

FeaturedNewsController

Responsive Image
Responsive Image